Cần có những quyết sách đồng bộ về vốn, nhân lực và khoa học- công nghệ (*)

06:11, 01/11/2013

LTS: Chiều ngày 31/10/2013, ông Nguyễn Văn Thanh- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có bài phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và kiến nghị các giải pháp đối với Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh năm 2013 và những năm tiếp theo.

LTS: Chiều ngày 31/10/2013, ông Nguyễn Văn Thanh- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có bài phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và kiến nghị các giải pháp đối với Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh năm 2013 và những năm tiếp theo.

Xin trân trọng giới thiệu bài thảo luận cùng bạn đọc.

 

Trước nhất, tôi thống nhất báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đánh giá kết quả, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, thể hiện sự quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ đã tạo chuyển biến quan trọng cho nền kinh tế đất nước, đã đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… điểm nổi rõ, dù hoàn cảnh còn khó khăn về tài chính, ngân sách nhưng Chính phủ đặc biệt quan tâm các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công với nước, điển hình: nâng mức trợ cấp cho các đối tượng chính sách, chăm lo nhà ở cho người nghèo, người có công với nước, chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân trong hộ cận nghèo… đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhân dân rất phấn khởi, cộng đồng xã hội cùng chung tay đóng góp...

Cử tri Vĩnh Long tin tưởng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt 9 nhóm giải pháp đã được đề ra, để đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội.

Đóng góp vào giải pháp, tôi đề nghị 3 vấn đề:

Về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Tôi rất nhất trí với quyết tâm của Chính phủ, cần nhanh chóng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn về kinh tế, thì ngành nông nghiệp chính là trụ đỡ quan trọng để ổn định xã hội, và là nền tảng để phát triển kinh tế…

Nhìn lại 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp có chiều hướng suy giảm. Tình trạng sụt giảm về giá, sản lượng tiêu thụ, rõ nét sản xuất lúa, gạo; nuôi và chế biến cá tra… ở khu vực ĐBSCL, là đáng lo ngại, đã tác động tiêu cực đến sức đầu tư sản xuất và đời sống nông dân và hệ lụy, tác động suy giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Tôi đề nghị Chính phủ: Tập trung chỉ đạo các giải pháp đột phá trong nông nghiệp khu vực ĐBSCL, nhất là quản lý đầu vào, tăng cường tổ chức, quản lý thu mua và có chính sách tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; tập trung sản phẩm: lúa gạo, cá tra, trái cây. Cụ thể:

Cần có chính sách đủ mạnh khuyến khích và khai thác lợi thế khoa học- công nghệ (KH-CN), tạo khâu đột phá quan trọng, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tạo chuỗi giá trị sản phẩm.

Đề nghị Bộ KH- CN và Bộ Nông nghiệp- PTNT nên tham mưu chính sách hỗ trợ tích cực đầu vào phục vụ sản xuất: cung cấp giống tốt, cơ giới nông nghiệp, hỗ trợ tín dụng, phát triển thị trường KH-CN, ưu tiên chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHCN phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn lực góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ NN-NT, Bộ KH-CN, UBKHCN-MT tại hội nghị toàn quốc, tổng kết công tác KH-CN phục vụ NN-NT, ngày 20/9/2013, do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, đã khẳng định thành tựu KH- CN phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nước ta không phải thiếu, yếu… nhưng cần có cơ chế chính sách đúng và quyết liệt hơn.

Cần có chính sách tích cực tháo gỡ khó khăn, liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là cơ chế liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Phát huy vai trò của thương nhân và thương lái trong chuỗi giá trị, cơ chế quản lý để chính sách của Nhà nước đến với dân, nhằm đem lại lợi ích thực sự cho người sản xuất, để nông dân an tâm giữ vững đất lúa, sản xuất mang lại hiệu quả. Mẫu hình cánh đồng mẫu lớn là tiềm năng của nhiều tỉnh trồng lúa, nhưng cần có kế hoạch dài hạn, chủ động và chiến lược hơn, nhất là cơ chế liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Đề nghị Bộ Công thương cần có dự báo giá cả và thị trường nông sản tích cực hơn, định hướng sản xuất cho nông dân, doanh nghiệp chuyên tâm đầu tư, phát triển. Cần sớm tạo thương hiệu mạnh cho nông sản chủ lực để tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Riêng ĐBSCL tôi đề nghị tập trung sản phẩm: lúa, gạo, cá tra, trái cây…)

Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương cần có chương trình tập trung, kiểm tra thống nhất, đồng bộ và quyết liệt hơn, xử lý tình trạng nhiều loại vật tư nông nghiệp gian, giả, kém phẩm chất lưu hành trong thị trường.

Cử tri rất bức xúc về vật tư nông nghiệp: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc, thủy sản… còn lệ thuộc nước ngoài; chưa kiểm soát được hàng gian giả, kém phẩm chất và giá cả, gây thiệt hại cho nông dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính; không tạo được lợi thế về giá cạnh tranh cho nông sản Việt Nam và còn tiềm ẩn về an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm, gây lo ngại và thiếu an tâm cho người tiêu dùng…

Vấn đề xây dựng nông thôn mới, là cốt lõi của chính sách nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, cả hệ thống chính trị, cơ sở, tham gia rất quyết tâm và trách nhiệm. Nhưng nguồn lực trong dân còn hạn chế, còn nhiều khó khăn…

Tôi đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành, tập trung quyết liệt đầu tư phát triển nhanh cơ sở hạ tầng nông thôn: giao thông, thủy lợi, trạm cấp nước tập trung, trạm y tế, trường học, trung tâm văn hóa thể thao… là cơ sở, nền tảng thúc đẩy chuyển đổi cấu trúc kinh tế trong nông nghiệp. Tôi rất nhất trí trong mục tiêu phát hành vốn trái phiếu Chính phủ có dự kiến dành 15.000 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình nông thôn mới… Tôi tin rằng, với nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, kết hợp địa phương và huy động sức đóng góp trong nhân dân… bộ mặt nông thôn sẽ sớm đổi mới, các tiêu chí hạ tầng nông thôn sẽ hoàn thành, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho khu vực nông thôn.

Trong điều hành, đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT phối hợp Bộ VH- TT và DL có thống nhất lồng ghép tiêu chí Chương trình nông thôn mới và chương trình xây dựng đời sống văn hóa vì nhiều tiêu chí trùng, và cùng làm cơ sở, nền tảng cho nhau.

Về chính sách thu hút nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng tham gia vào đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Là một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước; đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công để phát triển theo chiều sâu và tăng trưởng bền vững. Đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, xem xét một cách đầy đủ, đúng mức hơn, trong đề án tái cơ cấu kinh tế. Cần có những quyết sách đồng bộ về vốn- nhân lực và KH-CN… trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, thu hút nhân tài, phát huy tối đa nguồn lực những chuyên gia, cán bộ KH-CN sẵn có, và còn một lực lượng sinh viên không nhỏ, đã và sẽ ra trường đang cần tham gia đóng góp cho đất nước, địa phương và cơ sở.

Cần có cơ chế tuyển dụng, bố trí người có đức, có tài, có tâm và có tấm lòng với dân, hết lòng phụng sự đất nước bố trí vào những vị trí quan trọng, nhất là, vị trí người lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng và cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

(*) Nhan đề do Tòa soạn đặt.

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh