Để liên kết, hợp tác bền vững

07:11, 14/11/2013

MDEC là một hoạt động liên kết mở nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương trong vùng ĐBSCL; hợp tác và liên kết giữa vùng với các bộ, ngành; hợp tác và liên kết giữa vùng với các địa phương ở trong nước; liên kết giữa vùng với các tổ chức quốc tế và các nước, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại

MDEC là một hoạt động liên kết mở nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh- thành trực thuộc Trung ương trong vùng ĐBSCL; hợp tác và liên kết giữa vùng với các bộ, ngành; hợp tác và liên kết giữa vùng với các địa phương ở trong nước; liên kết giữa vùng với các tổ chức quốc tế và các nước, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng, kinh tế to lớn của vùng ĐBSCL.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các nhà quản lý, qua các lần tổ chức MDEC, tính liên kết, hợp tác vẫn chưa đạt như mong muốn. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?


Rất cần liên kết, hợp tác vùng để du lịch ĐBSCL phát triển bền vững.

Vì sao liên kết, hợp tác chưa như mong muốn?

Mục tiêu chính hướng đến của MDEC là đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tăng cường hợp tác kinh tế, xây dựng các chương trình hợp tác giữa các tỉnh- thành trong vùng với nhau, với các tỉnh- thành trong cả nước và với các bộ, ngành Trung ương.

Khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của từng địa phương và vùng, đem lại sự tăng trưởng bền vững. Tăng cường hợp tác với nước ngoài, hợp tác với các nước có lợi ích liên quan trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên sông Mekong ; hợp tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và du lịch.

Tập hợp những sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý của bộ, ngành Trung ương, các tỉnh- thành trong vùng và các nhà doanh nghiệp theo từng chủ đề; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà quản lý cho thấy, ý tưởng liên kết vùng được đặt ra đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do thiếu một chính sách, cơ chế pháp lý rõ ràng để hoạt động này thực thi có hiệu quả; do yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, vì nhiệm vụ phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nên ít nhiều các địa phương trong vùng có sự cạnh tranh nhau trong thu hút đầu tư, tỉnh nào cũng muốn tận dụng những lợi thế sẵn có để cố gắng thu hút đầu tư về địa phương không theo một quy hoạch tổng thể chung cho cả vùng.

Do chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quan trọng hơn là đang thiếu một “nhạc trưởng” giữ vai trò điều phối trong việc xây dựng chuỗi liên kết.

Vì vậy, dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác với nhau nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
 
Từ đó, công tác chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực; nền nông nghiệp chất lượng và bền vững; chủ động hội nhập… của các địa phương còn thiếu sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ với nhau để tạo ra thương hiệu, năng lực cạnh tranh cho cả vùng.

Sự quan tâm đầu tư của Trung ương về cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của vùng.

Đề xuất giải pháp khắc phục

Để khắc phục yếu kém trong liên kết vùng, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng ta nên nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển nền kinh tế của vùng; phối hợp quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông để tạo sự kết nối giữa các địa phương trong vùng và vùng lân cận;

tập trung nâng cao chất lượng GD-ĐT, dạy nghề, phát triển nhanh nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư... mở rộng hợp tác về phát triển công nghiệp, đào tạo, y tế, du lịch, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và cung cấp lao động giữa vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh để phát huy tối đa và có hiệu quả các tiềm năng của vùng;

đồng thời tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; sử dụng chung kết cấu hạ tầng vùng về công nghiệp, xử lý chất thải rắn, cấp nước, chợ đầu mối; phối hợp tuyên truyền và quảng bá du lịch, hình thành các tour du lịch;

khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường; phối hợp xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án mang tính chất vùng cần mời gọi đầu tư, trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến mời gọi đầu tư; cùng nghiên cứu để phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch vùng...

Diễn đàn MDEC được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Kinh tế vùng ĐBSCL- những tác động từ WTO”. MDEC- Cần Thơ 2008 chọn điểm đột phá: “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông”; MDEC- An Giang 2009 tập trung vào mục tiêu: “Phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập”; với chủ đề “Phát huy lợi thế sông biển, phát triển kinh tế bền vững”. MDEC- Kiên Giang 2010 đã đưa ra một chủ đề không thể thiếu đối với một quốc gia biển cũng như đối với vùng sông nước Cửu Long; đứng trước những khó khăn, thách thức của thời kỳ hội nhập. MDEC- Cà Mau 2011 đã chọn chủ đề: “Liên kết, hợp tác phát triển bền vững”. Năm 2012, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang, với chủ đề: “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”.

Bài, ảnh: HỒNG THANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh