Đã có nhiều quy định về việc cấm mua bán vỉa hè, bởi vỉa hè là không gian chủ yếu dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, vỉa hè cũng là “mặt tiền” trên các tuyến đường nên nhiều người chọn làm nơi mua bán.
Đã có nhiều quy định về việc cấm mua bán vỉa hè, bởi vỉa hè là không gian chủ yếu dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, vỉa hè cũng là “mặt tiền” trên các tuyến đường nên nhiều người chọn làm nơi mua bán.
Vì vậy, trong khi cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp để “đường thông hè thoáng” thì người bán vẫn “tha thiết” bán, tái lấn chiếm như căn bệnh kinh niên chưa có thuốc đặc trị. Cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu và đâu là giải pháp khả thi?
Kỳ 1: Quanh năm mua bán ở... vỉa hè
Bán buôn ở vỉa hè còn là nhu cầu mưu sinh của một bộ phận người dân.
Hình ảnh những người phụ nữ với vẻ mặt khắc khổ, làn da đen sạm bán khoai, chuối, hột gà nướng và nước uống trên vỉa hè đường Tô Thị Huỳnh (trước Công viên Sông Tiền, Phường 1- TP Vĩnh Long) khiến nhiều người qua đường ái ngại. Đối với họ, bán buôn vỉa hè là nguồn thu nhập chính để mưu sinh nên từ ngày cho đến tối, họ ngồi đó, bất kể nắng mưa.
Nếu để ý, người qua đường dễ dàng nhận thấy, họ rất ít khi vắng mặt. Chị Trần Hồng Liên (Phường 1- TP Vĩnh Long) bán ở vỉa hè này nói: “Trừ khi ốm đau hay có việc cần thiết lắm, không thì tui đi làm hoài chớ đâu dám nghỉ”.
Mưu sinh trên vỉa hè
Ngày lao động của dì Hồ Thị Nết, 63 tuổi (Phường 2- TP Vĩnh Long) bán khoai, chuối nướng, bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Dấu hiệu nhận biết giờ đi làm của dì không phải chiếc đồng hồ mà là những âm thanh quen thuộc như tiếng gà, chiếc loa phường…
“Khi chiếc loa phường bắt đầu phát thì tui dọn hàng ra, ngồi bán tới khi tàu du lịch đóng cửa thì về. Nấu nướng, chuẩn bị bữa sau xong, vừa chợp mắt cũng là lúc con gà tre cất tiếng gáy báo hiệu 12 giờ đêm”- dì cho biết.
Tất bật vậy nhưng “đã bán hơn chục năm nên quen rồi”. Dì tâm sự: “Hiện tui đang ở trọ trong một căn phòng nhỏ. Có thằng con trai sống xa nhà, cũng làm thuê, còn lo vợ con nên tui tự buôn bán nuôi mình. Bán ở đây, lời 50.000- 60.000 đ/ngày. Nghỉ bán thì hổng biết làm gì sinh sống?”
Cạnh đó, dì Chín gần 70 tuổi (Phường 1- TP Vĩnh Long) cũng bán đậu phộng, nước uống từ 10 giờ tới 22 giờ. Hướng mắt về căn nhà nhỏ- nơi cả chục nhân khẩu sống chung, dì nói: “Tui ráng bán vì còn thiếu nợ nhiều. Con cái đều nghèo, đâu lo trả được”.
Nơi ở của chị Trần Hồng Liên vỏn vẹn đủ trải manh chiếu, khoảng trống còn lại đặt chiếc bếp nhỏ và các thứ gia vị. Bếp nấu các thức bán hàng ngày đặt hẳn ra vỉa hè vì “trong nhà hết chỗ, nơi này hổng phải nhà chị mà của mẹ ruột cho ở đậu”. Chỉ tay về phía dì Chín, chị nói: “Mẹ chị đó- bán hơn chục năm rồi. Chị thì đâu giúp được gì”.
Chị Liên nói thêm, tiền lời từ xề ấu, đậu phộng luộc và nước sâm khoảng 100.000 đ/ngày, cũng tạm ổn nhưng có việc cần nhiều thì thiếu. Bởi vậy, trừ khi ốm đau hay có việc cần thiết lắm mới nghỉ”.
Không riêng chị, đa số người bán vỉa hè trên các tuyến đường đều cho biết, mưu sinh nhờ mua bán, nghỉ một ngày là thất thu nên không dám nghỉ. Với chiếc tủ, bàn nhựa và vài cái ghế nhỏ, cô Sáu- bán chuối nướng ở vỉa hè đường Trưng Nữ Vương cho biết, mỗi ngày cô bán được khoảng 200 trái chuối, giá 6.000 đ/trái. Nhờ vậy mà mấy chục năm nay gia đình cô sống được.
Cần thiết nhưng còn bất cập
Cuối ngày, Nguyễn Thanh Hải- sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long thường cùng nhóm bạn dạo quanh TP Vĩnh Long hóng mát và ăn vặt. Hải vui vẻ: “Tụi em thường rủ nhau ghé một quán vỉa hè nào đó ăn súp, bánh cuốn, gỏi khô... Thỉnh thoảng ghé Quảng trường TP Vĩnh Long mua các thứ lặt vặt rồi túm tụm lại ăn, rất vui. Sinh viên như tụi em, quán vỉa hè là hợp túi tiền nhất rồi”.
Nguyễn Hồng Thảo Sương (Phường 1- TP Vĩnh Long)- sinh viên thực tập thì cho biết: “Lâu lâu em và mấy chị quen hay rủ nhau ra quán cà phê dọc bờ kè sông Tiền uống cà phê. Ngồi đó, tận hưởng gió sông rất mát mẻ”.
Giữ thói quen ăn sáng, uống cà phê vỉa hè trước khi bắt đầu ngày mới, anh Trần Thanh Linh (Phường 3- TP Vĩnh Long)- nhân viên tiếp thị cười: “Quen rồi, sáng ra quán cóc ngồi cho thoải mái”.
Chị Liên bên mớ hàng hóa, chuẩn bị cho ngày lao động mới.
Tuy vậy, việc mua bán lấn chiếm cũng gây mất mỹ quan đô thị và gây không ít khó khăn cho người đi bộ. Một số người dân cho rằng: Việc mua bán ở vỉa hè bờ kè choán hết lối đi, nhiều lúc muốn ra đó tập thể dục hoặc đi dạo cũng không được. Tốt nhất là không nên cho bán.
Thường tập thể dục buổi sáng ở Quảng trường TP Vĩnh Long, chú Nguyễn Công Răng (Phường 1) bức xúc: “Ngay đường đi mà chị bán nước giải khát bày bán choán hết vỉa hè, người qua lại toàn đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm. Góp ý thì chị ta tỏ vẻ không hài lòng, còn mắng. Chưa kể nhiều người mua bán xong, rác rến tứ tung cũng không thèm làm vệ sinh”.
Bạn Trần Xuân Lan (Phường 3- TP Vĩnh Long)- sinh viên ngành y thì băn khoăn: “Mình cà kê ở các quán vỉa hè nhưng thấy lo lo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Mình nghĩ, thức ăn vỉa hè cần được kiểm tra để đảm bảo vệ sinh”.
Theo lãnh đạo một số phường, hầu hết những người mua bán ở vỉa hè đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, trung bình hoặc cận nghèo.
Ông Hoàng Minh Khanh- Phó Chủ tịch UBND Phường 1 cho biết: Hầu hết những người bán vỉa hè đều là những hộ nghèo hoặc hoàn cảnh rất khó khăn, xem bán buôn vỉa hè là nghề chính để mưu sinh. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều hộ mua bán lấn chiếm, đổ chất thải ra lòng đường gây mất mỹ quan, lấn chiếm lối đi của người đi bộ... Vấn đề này rất cần chấn chỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, bán buôn vỉa hè là một nhu cầu mưu sinh và đã trở thành nét sinh hoạt lâu đời của người dân. Đây là những vấn đề cần suy nghĩ để có hướng xử lý, sắp xếp phù hợp. |
Kỳ 2: Cứ đuổi, cứ chạy và... vẫn bán
(Mời xem tiếp trên chuyên trang Đời sống đô thị kỳ tới)
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin