Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đang tạo ra các bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhằm đi trước một bước cho yêu cầu phát triển trong tương lai.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Liên kết giữa các địa phương trong vùng đang ngày càng rõ hơn. Trong ảnh: Khu công nghiệp Bình Minh với lợi thế cận kề trung tâm TP Cần Thơ có nhiều khả năng thu hút đầu tư (ảnh TL).
Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đang tạo ra các bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhằm đi trước một bước cho yêu cầu phát triển trong tương lai.
Nhận diện vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL
Quy hoạch phát triển lãnh thổ ĐBSCL đến năm 2020 xác định rõ việc phát triển có trọng điểm, tạo ra các vùng động lực, các trung tâm kinh tế phát triển mạnh, trong đó lấy TP Cần Thơ và các đô thị của tỉnh, gắn với trục kinh tế theo các quốc lộ (QL), đường tỉnh, vành đai ven biển, vành đai biên giới Campuchia gắn với các khu kinh tế cửa khẩu làm hạt nhân.
ĐBSCL có các khu kinh tế lớn như: đặc khu kinh tế đảo Phú Quốc, khu kinh tế ven biển Năm Căn, các khu kinh tế biên giới Hà Tiên, An Giang, Khánh Bình và 26 khu- cụm công nghiệp lớn phân bổ ở các tỉnh, thành phố trong vùng đã và đang thu hút nhiều dự án đến với vùng kinh tế trọng điểm.
Hành lang ven biển Đông và ven biển Tây (từ Cà Mau đến Kiên Giang) trong tương lai sẽ là hành lang kinh tế quan trọng của vùng, sẽ tập trung để phát triển các đô thị công nghiệp, dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng như: Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên (Kiên Giang), Năm Căn, Sông Đốc (Cà Mau) gắn với các khu kinh tế lớn đã được Chính phủ quyết định thành lập như:
khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, đặc khu kinh tế đảo Phú Quốc, khu kinh tế Năm Căn,… gắn với các đô thị đào tạo Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá,... sẽ hình thành chuỗi đô thị công nghiệp- dịch vụ mới song song với các công trình hạ tầng, khai thác dầu khí, phát triển công nghiệp khí- điện- đạm, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy, các dịch vụ cảng và vận tải biển,... gắn với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đang cho phép các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nhiều cơ hội lựa chọn khi đến đầu tư ở vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Hệ thống đô thị vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đang từng bước được nâng cấp, phát triển mở rộng cho tương xứng với chức năng là trung tâm thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng và các tiểu vùng; đồng thời phát triển các thị trấn, khu dân cư, khu đô thị mới có tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Phát triển hạ tầng, mở đường phát triển
Việc phát triển kết cấu hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã được Chính phủ và các địa phương trong vùng quan tâm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Sang- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hạ tầng giao thông sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương- Cần Thơ- Cà Mau; nâng cấp và mở rộng các tuyến QL quan trọng: QL1, QL80, QL91, tuyến N1, N2, tuyến Nam sông Hậu, tuyến Quản Lộ- Phụng Hiệp và các cầu còn lại trên sông Tiền, sông Hậu và các sông lớn khác; cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống cầu- đường trên địa bàn, đặc biệt là đường vào các khu- cụm công nghiệp, đường nhánh kết nối với hệ thống quốc lộ, đường cao tốc.
Cửa Định An đang được nạo vét dẫn vào cảng Cần Thơ khai thông luồng cho các tàu có tải trọng lớn. Kinh Quan Chánh Bố, cảng An Thới (Phú Quốc) cũng được xây dựng gắn liền với việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các cảng, cụm cảng, cơ sở đóng tàu, thuyền vận tải biển nhằm khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa xuất- nhập khẩu của vùng.
Trong tương lai gần, sẽ đầu tư hệ thống đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tăng nhanh ở ĐBSCL và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở tuyến đường sắt đến đất mũi Cà Mau sau khi hoàn thành tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ.
Trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL hiện có 4 sân bay, trong đó 1 sân bay quốc tế Cần Thơ đang ngày càng được nâng cấp, mở rộng và 3 sân bay nội địa gồm: Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, trong đó cảng hàng không Phú Quốc đã được chính thức mở cảng và trở thành cảng hàng không quốc tế thứ 2 tại vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Đây là một thuận lớn cho việc đi lại của nhân dân và nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư ở đặc khu kinh tế này.
Theo quy hoạch mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, giao thông vùng sẽ phát triển lên một bước mới hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao của vùng.
Sáu tuyến quốc lộ dọc vùng song song sẽ hoàn chỉnh, 12 tuyến QL ngang nối các tuyến dọc và các đường tỉnh, đường huyện kết hợp với giao thông đường thủy, đường hàng không,... sẽ tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi cho vùng, hàng hóa dễ dàng tiếp cận các cảng hàng không, cảng biển, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Sang, việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm này có ý nghĩa rất lớn đối với vùng ĐBSCL và cả nước, do đó cần tập trung nhiều hơn nữa về nhân tài vật lực để nhanh chóng phát triển vùng này tạo tác động lan tỏa đến các vùng lân cận.
Hiện nay ở các địa phương trong vùng đã và đang cải cách các thủ tục hành chính về đầu tư, tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư, tính minh bạch ngày càng được đề cao, sự phân công và tính liên kết giữa các tỉnh với trung tâm TP Cần Thơ đang ngày càng rõ hơn trong một thể thống nhất vùng.
Đây là những điều thuận lợi cơ bản cho các nhà đầu tư chọn lựa và tham gia đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm nói riêng và cả ĐBSCL nói chung.
Theo kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Long sẽ đầu tư tổng kinh phí trên 9.127 tỷ đồng cho phát triển giao thông vận tải, nông nghiệp- thủy lợi- thủy sản, điện lực, hệ thống cấp nước sinh hoạt và thông tin truyền thông. |
Vĩnh Long- điểm đến đầu tư
Vĩnh Long khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trong nuôi trồng, chế biến nông- lâm- thủy sản; sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng và giống vật nuôi mới.
Cụ thể:
+ Đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm.
+ Sản xuất nước hoa quả đóng chai, đóng hộp.
+ Sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.
+ Dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
+ Sản xuất giống nhân tạo, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao.
+ Nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản.
LÊ SƠN |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin