Hồn quê du lịch xứ dừa

06:10, 15/10/2013

Có thể nói, du lịch Bến Tre chỉ mới thật sự phát triển trong khoảng 10 năm nay. Nhưng trong định hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, Bến Tre đã biết tận dụng, phát huy tối đa tính khác biệt để tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo riêng của vùng đất được mệnh danh là “vương quốc dừa”.

Có thể nói, du lịch Bến Tre chỉ mới thật sự phát triển trong khoảng 10 năm nay. Nhưng trong định hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, Bến Tre đã biết tận dụng, phát huy tối đa tính khác biệt để tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo riêng của vùng đất được mệnh danh là “vương quốc dừa”.


Sản phẩm từ dừa hấp dẫn du khách.

“Đồng thuận và định hướng”

Nhớ lại trước đây, khi du lịch Vĩnh Long, rồi sau đó là du lịch Tiền Giang đón những “đợt sóng” ào ạt của du khách quốc tế từ những năm 90 của thế kỷ trước, du lịch Bến Tre hình như vẫn là con số “0”.

Giờ đây, không riêng gì ở khu vực miền Tây Nam Bộ, mà ngay cả trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh đang cho thấy, dù nguồn khách quốc tế vẫn tăng đều hàng năm, nhưng lợi nhuận thì ngày càng giảm sút, do đã mất đi tính hấp dẫn của các tour tuyến, sự “non tay” trong cách “móc hầu bao” của du khách, bởi những dịch vụ ngày càng trở nên đơn điệu và “bèo bọt” về chất lượng.
 
Trong khi đó, du lịch Bến Tre lại đang thu hút mạnh mẽ nguồn khách, thu hút mạnh mẽ cả sự đầu tư vào lĩnh vực này từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Nhiều người cho rằng du lịch Bến Tre phát triển là nhờ vào cái “thiên thời, địa lợi”. Điều này không sai, nhưng chưa đúng với bản chất của vấn đề. Có rất nhiều địa phương, cũng có những thế mạnh riêng, nhưng vì sao cho đến nay vẫn đang “ngày càng đi xuống” trên một tiềm năng, tài nguyên du lịch rất dồi dào?

Để có sự nhìn nhận khách quan, chúng tôi đã đặt câu hỏi này với ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long. Theo ông thì: “Đây là câu chuyện dài trong nghề, là đề tài lớn, một bài toán lớn cho du lịch vùng. Nhưng đối với du lịch Bến Tre, theo cá nhân tôi, có thể tóm gọn trong 2 từ là: đồng thuận và định hướng”.

Ông giải thích rằng: Sự đồng thuận ở đây trước hết thể hiện ở yếu tố con người. Sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương đã được cụ thể hóa trong nghị quyết, chỉ đạo; thêm vào đó là có sự “gặp nhau” với những người làm lãnh đạo trong lĩnh vực du lịch, các đơn vị du lịch. Thứ hai là có định hướng chiến lược đúng đắn, kèm theo là những giải pháp, những bước đi trên một lộ trình phù hợp.

Nếu như trong định hướng chung của du lịch cụm 4 tỉnh phía Đông ĐBSCL, nổi bật là khai thác theo hướng sinh thái sông nước miệt vườn, thì Bến Tre vẫn có lối đi riêng trên cái nền chung đó.

Rõ ràng, họ đã khá thành công khi đưa làng nghề, sản phẩm truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào dịch vụ khai thác. Chuyện này ai cũng biết và ai cũng muốn làm, nhưng làm như thế nào mới là điều đáng nói, điều cần rút ra là để có những kinh nghiệm đáng giá.

Cho đến nay, phải nhìn nhận rằng, bước đầu Bến Tre đã thành công trong chiến lược quảng bá và khẳng định cái thương hiệu “xứ dừa” của mình. Nhưng du lịch Bến Tre đâu chỉ có dừa!

Tìm lối đi riêng

Ông Trần Duy Phương- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre- có một câu nói đùa làm chúng tôi… nhớ đời: “Trong người tôi bấm chỗ nào cũng ra nước cốt dừa”.

Nếu nói quảng bá, chiến lược tạo thương hiệu gì gì đó, nghe nó quá chữ nghĩa. Chúng tôi nghĩ, một câu nói như thế của người quản lý ngành du lịch đủ sức quyến rũ con người ta phải ở lại thật lâu, tìm hiểu thật sâu cái miệt vườn này. Và chúng tôi lại tiếp tục những chuyến đi, dù không xa lạ gì với vùng đất Bến Tre.

Những ngày lang thang len lỏi giữa xứ dừa, những buổi “bám đuôi” các đoàn khách quốc tế, thâm nhập sâu vào thế giới ẩm thực với những câu chuyện dễ gợi lại những hồi ức tuổi thơ, chúng tôi đã bị thuyết phục bởi hồn quê du lịch xứ dừa.

Anh Hà Ngọc Thành- hướng dẫn tiếng Nhật cho biết: “Những năm 2000- 2001, đã bắt đầu có tour đi thuyền về Bến Tre, tuy nhiên lúc đó cù lao Thới Sơn, Cồn Phụng (Tiền Giang) vẫn đang là “điểm nóng”.

Đến khi lượng khách lắng lại, người ta nhận ra nét đẹp riêng, sức hấp dẫn riêng của tuyến mới này. Đặc biệt, đối với du khách Nhật thì tour ngắm đom đóm (hotarư wo mirư), thật sự điểm đúng tâm lý của khách “nhà giàu”.

Anh Thành kể lại kỷ niệm rất hay gắn với tour ngắm đom đóm này. Lần đó cũng như mọi khi tour xuất phát từ TP Hồ Chí Minh khoảng 3 giờ chiều, sau khi dùng bữa ở Trung Lương, đoàn di chuyển về bến tàu để qua Bến Tre, vào đến những con rạch nhỏ trời cũng đã sẩm tối, gió thổi nhẹ trên sông làm dịu đi cái nóng mùa hè, những hàng bần de ra hai bên lay nhẹ, mọi người đang yên lặng tận hưởng không gian yên bình của miền sông nước.

Bỗng ở mũi thuyền có người hô to: “Hotarư! Hotarư!” (đom đóm), mọi người nhổm dậy. Một cảnh đẹp ngỡ ngàng hiện ra, hàng ngàn con đom đóm như những bóng đèn nhỏ xíu chớp tắt liên hồi thắp sáng trong những lùm cây. Riêng có vị khách ngồi yên ra vẻ rất trầm tư.

Sau đó, anh Thành đã được vị khách đó “thuyết minh” cho mình nghe về cái văn hóa “đom đóm” của người Nhật.

Ông là Isao Shioiri, là kiến trúc sư cao cấp của Liên Hợp Quốc đang làm việc ở Tokyo, những con đom đóm đã làm ông nhớ đến quê mình ở vùng Kansai, nhớ đến mẹ ông hồi đó hay dẫn ông đi bắt đom đóm bỏ vào những cái ve thủy tinh rồi treo lên những cành thông.

Đom đóm phải trải qua gần 12 tháng mới thành hình và bay lên, nhưng chúng chỉ sống có hơn 1 tuần lễ. Còn đom đóm nghĩa là môi trường sinh thái còn tốt. Nhưng trong tâm hồn người Nhật lại rất mẫn cảm với văn hóa “shưnkan”, tức là những gì chỉ diễn ra thật ngắn ngủi.
 
Do đó, họ rất mê hoa anh đào, võ sưmo, thơ haikư, hay như cuộc đời ngắn ngủi của con đom đóm vậy. Ngược lại, ông khách được nghe chủ nhà đọc 2 câu ca dao rất hay:

“Bần de đom đóm lập lòe

Thấy em nhỏ xíu anh de để dành”.

Dài dòng về một tour như vậy, để thấy rằng trong cách làm du lịch, không đơn giản là mình có gì thì bày ra, rồi bắt người ta thưởng thức. Nó là chiều sâu văn hóa, là khơi gợi những hồi ức, những cảnh vật, sản vật độc đáo riêng biệt của mỗi đất nước, mỗi vùng miền. Ngắn gọn là đánh trúng tâm lý, nhu cầu hưởng thụ của du khách. Khi khách thích thì họ sẵn sàng “mở hầu bao”.

Do đó, khi nói đến sự liên kết du lịch giữa các địa phương, nó không đơn giản là sự liên kết “vật chất”, mà phải làm sao thể hiện được cái độc đáo của đặc sản, vẻ đẹp và cái hồn của văn hóa bản địa. Bến Tre đã chứng minh được điều đó.

Trong cái nét tương đồng na ná giống nhau, vẫn có lối đi riêng cho những con người chịu tìm tòi, sáng tạo. Cho nên, đến Bến Tre, du khách còn được trải nghiệm với những tour… không giống ai như đi xe ngựa giữa đường làng, hay cùng nông dân bắt con đuông dừa, rồi… nhậu ngay tại chỗ.

Bến Tre còn nhiều điều hấp dẫn nữa, đang chờ đón sự khám phá, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Bến Tre còn nhiều câu chuyện dài hấp dẫn, mà chúng tôi sẽ “trở lại” trong những bài viết khác.

Ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long: “… Đối với du lịch Bến Tre, theo cá nhân tôi, có thể tóm gọn trong 2 từ là: đồng thuận và định hướng”.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh