Kỳ cuối: Liên kết sản xuất- giải pháp căn cơ để tồn tại

07:10, 30/10/2013

Liên kết (LK) sản xuất không phải là giải pháp mới, tuy nhiên đã có mấy mô hình LK thật sự và bền vững. Đến lúc ngành hàng đã chạm tận đáy nên phải cần chung tay hành động ngay giải pháp này.

>> Kỳ 1: Thực trạng liên kết sản xuất trong ngành hàng cá tra

Liên kết (LK) sản xuất không phải là giải pháp mới, tuy nhiên đã có mấy mô hình LK thật sự và bền vững. Đến lúc ngành hàng đã chạm tận đáy nên phải cần chung tay hành động ngay giải pháp này.


Ngành hàng cá tra rất cần cuộc “đại phẫu” để lành mạnh hóa
 thị trường này. Ảnh: THÀNH CÔNG (Tiền Giang)

Cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa người nuôi cá, cung cấp giống và thức ăn cùng với các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu, nhằm ổn định “đầu vào, đầu ra”, giảm đến mức thấp nhất rủi ro về giá cả, thị trường.

Phải có một đầu mối LK dựa trên sự hợp tác tự nguyện giữa chính quyền, ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng cung cấp và tiếp nhận thông tin để mỗi khi gặp khó khăn phát sinh, cùng hợp lực giải quyết.

Cần tăng cường LK “chuỗi”, trọng tâm

Người nuôi: nên tổ chức lại sản xuất theo hướng quản lý cộng đồng thông qua việc thành lập các hợp tác xã, cùng hỗ trợ và giám sát lẫn nhau trong việc ứng dụng các quy trình nuôi tiên tiến để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo yêu cầu thị trường với giá thành hợp lý có khả năng cạnh tranh cao; nên có hợp đồng tiêu thụ có giá trị pháp lý ngay từ đầu vụ nuôi (đây là cơ sở tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn vay) để an tâm sản xuất và có cơ sở tự bảo vệ mình nếu có xảy ra tranh chấp.

DN cần minh bạch trong việc cung cấp các thông tin thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm của khách hàng cho người nuôi, cho nhà khoa học và Nhà nước để tổ chức sản xuất ra sản phẩm theo yêu cầu của thị trường và khách hàng; lấy việc cải tiến nâng cao giá trị sản phẩm, chủ động sáng tạo phát triển, mở rộng thị trường và quan tâm chia sẻ quyền lợi với người nuôi là phương châm kinh doanh để góp phần phát triển ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững.

Ngoài ra, các DN chế biến cần đoàn kết lại và thành lập những hội, đoàn, tập đoàn kinh tế để hỗ trợ lẫn nhau trong chế biến, trong cân đối nguồn nguyên liệu, bảo quản và điều tiết giá thị trường. Tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại kinh tế cho sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Đoàn kết trong kinh tế, trong việc nâng cao uy tín, thương hiệu và sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu trên trường quốc tế chính là cách các DN tự bảo vệ quyền lợi của mình và góp phần phát triển bền vững cá tra của Việt Nam.

Nhà nước: Ở cấp quốc gia: hoàn thiện thể chế để có đủ khung pháp lý quản lý chấn chỉnh ngành hàng cụ thể khẩn trương ban hành nghị định sản xuất và xuất khẩu cá tra, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng cá tra và quy định các lĩnh vực liên quan khác.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc thu thập, phân tích thông tin đưa ra dự báo dài hạn, trung hạn và ngắn hạn giúp nông dân định hướng sản xuất theo hướng đón đầu thị trường, định hướng người tiêu dùng.
 
Ở cấp địa phương: Nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch địa phương, triển khai quản lý quy hoạch vùng và vận dụng các chủ trương chính sách (chính sách đất đai, chính sách đầu tư, tín dụng, khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ...) của Đảng và Nhà nước trong từng điều kiện cụ thể để hỗ trợ người nuôi và DN tổ chức lại sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu có giá trị hàng hóa cao.

Nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong phương pháp chẩn đoán nhanh và điều trị hiệu quả các loại bệnh gây tác hại lớn cho nghề nuôi; lai tạo con giống có chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt; nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp có chất lượng cao với giá thành hợp lý; ứng dụng thực hiện các phương pháp cải tiến kỹ thuật cho ăn (gián đoạn tần suất và hàm lượng đạm cho ăn...) để giảm chi phí thức ăn, ứng dụng tiêm chủng vắc xin phòng bệnh gan thận mủ trên cá tra, tăng cường hàm lượng oxy trong ao nuôi để cải thiện sức khỏe vật nuôi… để góp phần làm giảm tối đa giá thành sản xuất, nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho người nuôi.

Hợp đồng mở trong thu mua cá nguyên liệu

Đổi mới phương thức hợp đồng thu mua nguyên liệu giữa người nuôi cá tra và các DN, tăng cường hiệu lực thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Cụ thể như DN thực hiện hình thức ứng trước vốn, vật tư (con giống, thức ăn...), hỗ trợ kỹ thuật công nghệ và trực tiếp tiêu thụ thủy sản hàng hóa (mua lại cá tra nguyên liệu); LK sản xuất trong đó hộ nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, LK, liên doanh với DN hoặc các DN thuê ao sau đó nông dân được sản xuất trên ao đã góp cổ phần liên doanh, LK hoặc cho thuê và bán lại cá tra nguyên liệu cho DN, tạo sự gắn kết bền vững giữa nông dân và DN…

Hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu cá tra giữa các DN và người nuôi phải là hợp đồng mở. Trong đó giá mua cá tra cho người nuôi phải là giá sàn bình quân tại thời điểm thu mua. Bãi bỏ lối tư duy thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản với giá cứng nhắc lúc ký kết, loại bỏ yếu tố thị trường làm nảy sinh vấn nạn vi phạm hợp đồng do tác động biến động giá đã kéo dài nhiều năm.
 
Và nên chăng, trong mỗi hợp đồng cần phải có điều khoản quy định tỷ lệ chia sẻ lợi ích và rủi ro khi có chênh lệch về giá do có biến động thị trường để các bên có sự ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau?

Cần xác định rõ trách nhiệm để ngành hàng “cùng cực” như hiện nay thuộc về ai? Rất cần một cuộc “đại phẫu” để trong sạch hóa ngành hàng và rất cần đích thân Chính phủ là “bác sĩ” cắt những khối u nhọt đã tồn tại bấy lâu nay ở một số DN kinh doanh không “đàng hoàng tử tế”- cạnh tranh không lành mạnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT” phải là người “bốc thuốc” để điều trị các “vết thương” trên cơ thể ngành hàng cá tra bằng các khung pháp lý đủ nguồn lực để hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Bài toán thực hiện LK “chuỗi” thật sự chưa có đáp số và “con sâu làm rầu nồi canh” của ngành hàng này ngày nào vẫn còn thì ngày ấy người nuôi chưa hết lao đao, nghề nuôi chưa thể phát triển ổn định và bền vững để đem lại hiệu quả kinh tế nhiều mặt, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho cả vùng như đã từng.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực rà soát, đánh giá lại và ổn định sản lượng nuôi, không tăng nhà máy chế biến trong vùng và tổ chức sắp xếp lại sản xuất; trên cơ sở đó, xây dựng hoàn thiện quy hoạch phát triển đồng bộ nghề nuôi và chế biến cá xuất khẩu.

Điều chỉnh diện tích nuôi như thế nào, sản lượng bao nhiêu là ổn định để giữ vững giá trị ngành hàng? Phải tính đến yếu tố cân bằng sinh thái của sông Tiền và sông Hậu để phân vùng nguyên liệu, tránh gây suy kiệt nguồn lợi và ô nhiễm môi trường.

Cân đối và kiểm soát được các khâu từ sản xuất thức ăn, dịch vụ kỹ thuật, con giống đến việc nuôi cá, chế biến, tiêu thụ và thị trường xuất khẩu.

ThS. PHẠM THỊ THU HỒNG

(Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam )

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh