Mua sắm dè chừng

07:08, 16/08/2013

Dù nhà sách, cửa hàng đồ dùng học sinh đã chuẩn bị các mặt hàng phục vụ năm học mới từ 2 tháng trước, nhưng hầu hết các chủ cửa hàng đều cho rằng thị trường năm nay ít sôi động, sức mua giảm.


Kinh tế khó khăn, nhiều phụ huynh đắn đo khi mua đồ dùng học tập cho con.

Dù nhà sách, cửa hàng đồ dùng học sinh đã chuẩn bị các mặt hàng phục vụ năm học mới từ 2 tháng trước, nhưng hầu hết các chủ cửa hàng đều cho rằng thị trường năm nay ít sôi động, sức mua giảm.

Sức mua giảm

Ông Nguyễn Phong Mỹ- tiệm sách Phong Mỹ (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít) cho biết: “Hàng hóa đa dạng, nhiều mẫu đẹp. Ngoài một số sách có chỉnh lý thì tăng vài ngàn đồng/cuốn, còn hầu hết giá cả sách giáo khoa, tập, viết, cặp… đều như năm trước. Nhưng bán chỉ được chừng 70- 80% so năm rồi. Nhiều người than thấy thương: lò gạch nghỉ nên mất việc, lúa không bán được giá,… và họ thường mua nhiều lần cho đỡ ngán”.

Còn cô Mai Thị Phương Loan- chủ quầy sách báo văn phòng phẩm Thanh (thị trấn Cái Nhum) nói: “Cặp, túi sách cho học sinh từ 40.000- 200.000 đ/cái. Khách hàng chọn mua những mặt hàng vừa phải. Năm nay lượng khách đến mua sách ít hơn năm trước, các đồ dùng học tập cũng đều bán chậm. Nhiều phụ huynh mượn sách cũ cho con học, thiếu quyển nào thì mới mua”.

Tiết kiệm và “mua lần lần” là tâm lý trong mua sắm năm nay. Như chị Lê Thị Kim Tước (xã Chánh Hội- Mang Thít): “Tôi mua gần đủ đồ dùng học tập cho con hết rồi, mua nhiều lần để không ngán tiền. Năm nay, tiết kiệm tôi không mua cặp, quần áo mới mà cho con xài lại đồ của năm rồi”.
 
Được cha mua cho cặp mới, em Lê Ánh Hồng- học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Long Mỹ (Mang Thít) khoe: “Năm nay, em được mua cặp mới nè. Cặp cũ em xài 2 năm bị rách rồi. Không có quần áo mới nhưng có cặp mới, hộp bút mới, viết mới là vui rồi”.

Bên cạnh sách vở, đồ dùng học sinh, các mặt hàng quần áo, giày dép, xe đạp… khách coi nhiều, nhưng các chủ cửa hàng than “chỉ bán được lai rai”. Đại diện nhà phân phối Việt Long (Phường 1- TP Vĩnh Long) nói: “So với những năm trước thì năm nay không bằng. Sắp vào học rồi mà chỉ bán chừng 10 chiếc/ngày. Đắt hơn thì 20- 30 chiếc/ngày, giảm 30- 40%”.

Xe đạp Martin chính hãng giá tăng hơn từ 200.000- 250.000 đ/chiếc, khoảng 2,1 triệu đồng/chiếc, Martin bằng chất liệu nhôm 2,8 triệu đồng/chiếc. Xe đạp điện giá từ 7,8- 9,8 triệu đồng/chiếc, có khuyến mãi ống bơm, áo mưa…

Một tiểu thương chợ Vĩnh Long cho biết: quần áo học sinh, vải may áo dài, nón… đều bán chậm hơn. Còn cô Phan Thị Dẩu- tiệm giày dép túi xách Vũ (thị trấn Long Hồ) than: “Thời điểm này năm trước phụ huynh đến mua nhiều mà mua nhanh. Còn bây giờ đắn đo dữ lắm mới mua. Như chú mới mua rồi nè, đứa con trai chọn cái ba lô giá 300.000đ, biết con thích nhưng cũng lắc đầu, rồi mua cái ba lô giá hơn trăm ngàn”.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh Trang- cửa hàng phó Fahasha Vĩnh Long, cho biết: “Năm nay, khách chuộng hàng Việt Nam , ngại hàng Trung Quốc. Mẫu mã hàng Việt cũng đã đa dạng, phong phú không kém hàng Trung Quốc”.

Kinh tế khó khăn, vật giá leo thang, nhiều phụ huynh chọn cách tiết kiệm để cân đối chi tiêu. “Vợ chồng tôi khuyên con tận dụng đồ dùng năm rồi, chỉ mua những cái thật sự cần thiết thôi”- anh Lê Quốc Phong (xã Long Mỹ- Mang Thít) cho biết.

Hàng Việt Nam được ưa chuộng

Dù vậy, thị trường vẫn có những điểm sáng, với việc người tiêu dùng ưu tiên chọn mua hàng Việt Nam , nhiều phụ huynh “né” các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc vì nghi ngại chứa chất độc hại.

Là điểm bán hàng bình ổn giá thị trường, từ ngày 1/4/2013- 1/4/2014, cửa hàng Fahasha Vĩnh Long áp dụng chương trình giảm giá từ 10-17% các mặt hàng như tập học sinh fahasha, sách giáo khoa, sách tham khảo, túi xách, ba lô, cặp học sinh Mr.Vui, Hami các loại… Ông Lâm Phong Mỹ nói: Phụ huynh đến mua hỏi nhiều về xuất xứ dụng cụ học tập, cặp học sinh. Nghe Trung Quốc là người ta “de” liền.

Bên cạnh đó, mặt hàng xe đạp Việt Long cũng được ưa chuộng vì có giá mềm, chất lượng hơn và luôn được hướng dẫn phân biệt để tránh hàng giả, hàng nhái.

Bài, ảnh: HUỆ LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh