Du lịch mùa nước nổi

09:08, 26/08/2013

Mùa nước nổi là cơ hội mưu sinh của người dân vùng sông nước. Mỗi khi đến nước nổi, ngoài nguồn tôm cá về thì phù sa còn làm tốt tươi ruộng đồng. Không những thế, những cảnh sắc tuyệt vời của sông nước làm ngơ ngẩn lòng khách du lịch.

Mùa nước nổi là cơ hội mưu sinh của người dân vùng sông nước. Mỗi khi đến nước nổi, ngoài nguồn tôm cá về thì phù sa còn làm tốt tươi ruộng đồng. Không những thế, những cảnh sắc tuyệt vời của sông nước làm ngơ ngẩn lòng khách du lịch.

Mùa lũ ở miền Tây Nam Bộ được các người dân gọi bằng một cái tên thân thuộc: Mùa nước nổi. Hằng năm, bắt đầu từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông ồ ạt đổ về hạ lưu, An Giang và Đồng Tháp là nơi đón lũ về sớm nhất.

Giữa bốn bề sông nước mênh mông, cảnh vật ở An Giang như khoác lên chiếc áo đẹp hoang sơ làm nao lòng du khách. Thi thoảng trên đường đi, xen với những thửa ruộng xanh tươi bát ngát, họ bắt gặp những cánh đồng mênh mông nước.

Không chỉ là mùa thả lưới, giăng câu, hái bông điên điển của nông dân Nam Bộ, đây cũng là thời điểm thú vị để tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, như: Búng Bình Thiên, rừng tràm Trà Sư, lễ hội đua bò của đồng bào người Khmer vùng Bảy Núi…

Tham gia các tour du lịch mùa nước nổi tại An Giang, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi hòa mình vào một không gian mới mẻ, đầy sức cuốn hút với vẻ đẹp của thiên nhiên đến những nét văn hóa độc đáo trong cộng đồng cư dân hiền hòa, mến khách.

Rừng tràm Trà Sư.

Du khách theo tour du lịch của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể ngồi thuyền rong ruỗi trên đồng, câu cá, hái bông điên điển, nhổ bông súng đồng…

Một trong những điểm tham quan chính là rừng tràm Trà Sư (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Đây là một trong những cánh rừng ngập nước đẹp nhất của khu vực Tây Nam Bộ. Đến rừng Tràm Trà Sư, đi thuyền nhỏ len lỏi vào rừng tràm để tận hưởng âm vang của các loài chim xôn xao cả khu rừng, tận mắt ngắm những tổ chim chi chít, dơi quạ treo mình trên cây, cò vạc tíu tít rỉa lông, cồng cộc lao mình xuống nước săn cá.

Đặc biệt, du khách sẽ đắm mình trong không gian của một hồ nước mênh mông, những thảm bèo xanh phủ kín cả khu rừng và con đường nước, chiếc xuồng như xẻ thảm cỏ mà đi, những cánh bèo cám bé li ti sinh sôi nối kết nhau lại thành một tấm thảm màu xanh ngọc bích làm cho cả khu rừng mênh mông như bừng sáng.

Rời rừng tràm Trà Sư, du khách có thể đến búng Bình Thiên (An Phú), còn có tên gọi hồ Nước Trời. Hồ nằm giữa ba xã biên giới của tỉnh là Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội, với chu vi khoảng 300 héc-ta vào mùa khô, tỏa rộng hàng nghìn héc-ta vào mùa nước nổi. Búng Bình Thiên được coi là một trong những hồ nước ngọt rộng nhất miền Tây Nam Bộ.

Đến nơi đây, con người hòa mình vào thiên nhiên êm ả, cảnh đẹp yên tĩnh của trời nước hữu tình, ngắm những hàng cây xanh ngút, tạo cảnh quan thơ mộng và thưởng thức những món ăn dân dã vùng quê Nam Bộ. Món ăn thường được nhắc đến là cá linh và bông điên điển. Đây là hai sản vật được thiên nhiên ưu ái dành riêng cho vùng đất An Giang, với hương vị vô cùng đặc trưng.

Một trong những ưu thế của ngành Du lịch An Giang là văn hóa, với những nét đẹp đan xen trong cộng đồng bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Du lịch mùa nước nổi tại An Giang cũng thường kết hợp đưa du khách đến với cộng đồng Chăm (ở Châu Giang, Khánh Hòa, Phú Hiệp…).

Ngoài việc mua sắm các loại thổ cẩm, du khách còn được chiêm ngưỡng các thánh đường Hồi giáo, hình ảnh những thiếu nữ Chăm cần mẫn ngồi dệt lụa bên khung cửi với tiếng thoi đưa lách cách, hoặc nghe những giai điệu bập bùng, sôi động của tiếng trống pa-ra-nưng hòa nhịp cùng những lời ca tiếng hát trong vắt, ngọt ngào của những đoàn ca nhạc dân tộc…

Mùa nước cũng là thời điểm đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An Giang có những lễ hội quan trọng. Vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch, sẽ diễn ra lễ hội đua bò của đồng bào người Khmer vùng Thất Sơn – lễ hội đặc trưng của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi hằng năm.

Vào lễ hội, hàng chục ngàn người từ các vùng, phum, sóc đổ vể để thưởng thức và hòa mình trong không khí náo nhiệt. Đua bò trở thành tập quán và là lễ hội truyền thống vào dịp lễ Sel Đôl-ta của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An Giang.

Theo An Giang Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh