Kỳ cuối: Mở đường đi tới

07:08, 25/08/2013

Lò nung liên hoàn Vĩnh Long- sản phẩm cải tiến lò thủ công thành lò nung gạch đốt trấu liên hoàn với những ưu điểm vượt trội vừa trình làng, hứa hẹn mở ra triển vọng mới để gạch, gốm Vĩnh Long “vượt vũ môn”.

>> Kỳ 1: Gạch nung- đi tìm lộ trình chuyển đổi 

>> Kỳ 2: “Đổi mới hay là chết?”

Kỳ cuối: Mở đường đi tới

 Lò nung liên hoàn Vĩnh Long- sản phẩm cải tiến lò thủ công thành lò nung gạch đốt trấu liên hoàn với những ưu điểm vượt trội vừa trình làng, hứa hẹn mở ra triển vọng mới để gạch, gốm Vĩnh Long “vượt vũ môn”.

Đây là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học do Sở Công thương Vĩnh Long phối hợp với bộ môn Vật liệu xây dựng (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Tân Mai (Mang Thít- Vĩnh Long) đã được nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh.

Với những ưu điểm vượt trội, lò gạch cải tiến tiếp tục đỏ lửa để vương quốc gạch, gốm sớm tìm lại ánh hào quang xưa.


Cờ đã phất!

Ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai, cho biết: Lò nung liên hoàn Vĩnh Long có 85% kết cấu theo dạng lò truyền thống, lửa đảo. Qua thực tế sản xuất, công nghệ phù hợp nguồn đất Vĩnh Long và có thể nung nhiều loại sản phẩm khác như gốm, gạch tàu, gạch thẻ.

So với các công nghệ tiên tiến hiện giờ thì có lò Tuynen nung gạch tối ưu nhưng không nung được gốm. Kinh phí xây lò rất cao từ 25- 30 tỷ đồng. Lò Hoffman cải tiến thì rút được thời gian nung nhưng cũng có nhược điểm là không nung được nguồn đất nguyên liệu ở Vĩnh Long và hoàn toàn không nung được gốm.

Đặc biệt, năng suất và chất lượng gạch lò nung liên hoàn cao hơn lò tròn từ 10- 15 lần. Thời gian ra lò chỉ từ 10- 12 giờ, tỷ lệ gạch hao vỡ sau nung dưới 1% , trấu chiếm 140- 150 g/viên, chỉ bằng 1/4 so với lò tròn, do đó giá thành sản xuất giảm, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nếu giá trấu ở mức 600 đ/kg thì giá thành mỗi viên gạch giảm được 270 đ/viên, với sản lượng sản xuất 750 triệu viên/năm thì sẽ tiết kiệm chi phí trấu mỗi năm trên 200 tỷ đồng.

Với sản phẩm ra lò từ công nghệ nung liên hoàn, ông Bùi Hữu Mai đã nhận được phản ứng tích cực từ khách hàng. Một số khách hàng không tin đây là sản phẩm từ lò nung liên hoàn, bởi chất lượng gạch vẫn giữ nguyên như lò truyền thống nhưng giá bán lại rất cạnh tranh.

Ông Mai phấn chấn: “Cải tiến công nghệ nhưng mình đã giữ được cái gốc sản phẩm đặc thù của Vĩnh Long mình rồi. Với sản phẩm này, theo tôi hiện bất cứ công nghệ nào thì gạch nung liên hoàn sẵn sàng cạnh tranh về giá, chưa kể chất lượng gạch Vĩnh Long tốt hơn nhiều”.

Đường dài phải đi

Theo Sở Công thương, số lò nung liên hoàn cần thiết là 53 lò (công suất 15 triệu viên/năm) đáp ứng nhu cầu sản xuất 800 triệu viên/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, theo dự thảo lộ trình chuyển đổi công nghệ mới này, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 98 lò nung liên hoàn.

Cụ thể từ 2013- 2015, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi 20 lò nung liên hoàn Vĩnh Long, trong đó chú ý xét chọn, thẩm định hỗ trợ 16 DN, cơ sở sản xuất gạch, gốm đã đăng ký chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài. Năm 2015, sẽ hỗ trợ chuyển đổi thêm 10 lò nung liên hoàn. Từ 2016- 2020, tiếp tục chuyển đổi 33 lò nung liên hoàn sản xuất gạch và 35 lò nung liên hoàn sản xuất gốm.

Theo ông Bùi Hữu Mai, hiện đã có 20 cơ sở đã gửi đơn xin được hỗ trợ chuyển đổi, trong đó, có khoảng 16 cơ sở gạch. Qua thăm dò thì nhu cầu này còn cao với trên 30 cơ sở có nhu cầu chuyển giao.

Do số lượng lò được hỗ trợ thấp hơn so nhu cầu nên ông Mai cũng đã đề cập đến việc DN ứng vốn ra trước để thực hiện và các DN cũng đồng tình.

Việc chuyển đổi công nghệ đang đặt ra thách thức về nguồn vốn khi kinh phí đầu tư cho mỗi dây chuyền khá cao, từ 2- 2,5 tỷ đồng.
 
Trong khi lò tròn thủ công khó cải tiến mà chủ yếu là xây mới nên cần có nguồn vốn vay. Điều này nằm ngoài khả năng của nhiều DN, cơ sở gạch, gốm hiện nay vì hầu hết tài sản của họ đã thế chấp ngân hàng.

Ông Bùi Hữu Mai thông tin: Nếu DN hoàn tất hồ sơ thiết kế, bản vẽ, hồ sơ hoàn công, sở hữu công trình thì có thể đem dây chuyền công nghệ để thế chấp sau đầu tư. Với kinh nghiệm của mình, ông Bùi Hữu Mai cho rằng nên đầu tư tùy túi tiền, quy mô phù hợp với mặt bằng để đạt hiệu quả cao nhất.

Nhằm khai thông nguồn vốn hỗ trợ, Sở Công thương cũng đã đề xuất UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ lãi suất, kinh phí tháo dỡ lò nung thủ công, hỗ trợ vốn vay chuyển đổi công nghệ lò nung từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Long cũng như từ kinh phí sự nghiệp môi trường.

Liên quan đến lộ trình chuyển đổi, nhiều DN cho rằng cần cân đối số lượng lò nung hợp lý để đảm bảo đủ sản lượng, không khủng hoảng thừa.

Ông Hồ Văn Vàng- Chủ tịch Hội Nghề gốm tỉnh Vĩnh Long cho rằng, tới đây nên chuyển đổi công nghệ mới theo một tổ chức chứ không nên để mạnh ai nấy làm thì lại phát triển tràn lan, không cân đối được thị trường.

Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương khẳng định, công nghệ lò nung liên hoàn đã thành công, việc chuyển đổi sản xuất theo công nghệ mới là cấp thiết nhưng cần phải thực hiện theo lộ trình, gắn với tổ chức, cân đối sản lượng, sản xuất có định hướng thị trường.

Thời gian qua, việc quản lý quy hoạch, quản lý kinh tế chưa chặt, hiệp hội ngành hàng chưa tổ chức tốt cộng với những khó khăn khách quan khiến làng gạch lao đao. Do đó, việc chuyển đổi lần này cần phải tổ chức bài bản để không đi vào “vết xe đổ” phát triển tràn lan.

Từ nỗ lực của ngành chuyên môn, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, cộng với tiềm lực của thương hiệu gạch, gốm Vĩnh Long, tin rằng áng mây ảm đạm che phủ làng nghề sẽ được xua tan, những miệng lò nung cải tiến tiếp tục đỏ lửa. Vương quốc gạch, gốm sớm tìm lại ánh hào quang xưa, xứng đáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo dự thảo lộ trình chuyển đổi, trong năm đầu tiên thực hiện đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm, 10 DN, cơ sở được hỗ trợ chuyển đổi công nghệ. Theo đó, lò nung liên hoàn loại 20 buồng, công suất 15 triệu viên/năm được hỗ trợ 100 triệu đồng. Trường hợp DN đầu tư loại lò ít hơn 20 buồng, công suất nhỏ hơn 15 triệu viên/năm thì mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/buồng. 10 DN cũng được hỗ trợ chuyển đổi trong năm tiếp theo nhưng mức hỗ trợ giảm đi 50% so năm đầu.

Chi hỗ trợ một lần cho DN, cơ sở khi khối lượng xây dựng lò hoàn thành 60%. Hỗ trợ vốn vay tối đa 70% giá trị lò nung liên hoàn, mỗi DN cơ sở chỉ được hỗ trợ xây dựng 1 lò nung, số lượng lò còn lại cần thiết cho nhu cầu sản xuất thì DN tự cân đối vốn đầu tư. Chi phí hỗ trợ tháo dỡ 1 lò tròn thủ công truyền thống là 1 triệu đồng.


Bài, ảnh: SƠN- HIỀN- LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh