Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương nói chắc nịch tại buổi họp mặt doanh nghiệp (DN) gạch, gốm gần đây, qua đó khẳng định việc cần thiết phải đổi mới công nghệ để tồn tại! Bởi viên gạch Vĩnh Long nức tiếng một thời giờ đang “thoi thóp” ngay trên sân nhà. Đổi mới để những “ông hoàng gạch, gốm” không phải “chết” trên chính vương quốc của mình.
>> Kỳ 1: Gạch nung- đi tìm lộ trình chuyển đổi
Vương quốc gạch thời khủng hoảng
Làng gạch, gốm đã vắng những ngọn khói lò, nhưng áng mây ảm đạm như phủ trùm lên cả vương quốc gạch, gốm. Bởi hiện có hơn 70% cơ sở sản suất đã ngừng hoạt động (784 cơ sở với 1.547 miệng lò tắt lửa), chỉ còn 334 cơ sở (737 miệng lò) còn hoạt động cầm chừng.
Trong tổng số 7 làng nghề sản xuất gạch, ngói, gốm mỹ nghệ của tỉnh được công nhận thì Mang Thít đã có đến 6 làng nghề. Tuy nhiên, đến nay trên 1.000 DN, cơ sở sản xuất gạch, gốm trên địa bàn đang gặp khó và nhiều cơ sở đã ngừng hoạt động.
Ông Trương Thành Phi- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, cho biết: Từ năm 2010, tình hình sản xuất gạch, gốm lâm vào khủng hoảng và ngày càng nghiêm trọng vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào liên tục tăng.
Nhiều cơ sở co cụm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Số lượng lao động tại các lò hiện khoảng 5.500 lao động. Từ khi lâm khủng hoảng, cứ sau một năm thì số lao động lại giảm đi gần một nửa. Từ năm 2010 đến nay, khoảng 10.300 lao động đã mất việc.
Chị Trịnh Thị Lam (Chánh Hội- Mang Thít) than: “Tui làm gạch được 5- 6 năm rồi. 2 năm gần đây, lò gạch ế ẩm, làm bán không ai mua. Tui phải tìm việc khác, chứ bám theo lò gạch thì không đủ sống”. Cô Tư Na cũng vậy: “Lò gạch lúc đầu phất lắm, mỗi lò có gần 20 người mà làm không xuể. Giờ còn 4 người mà không có gì làm”.
Hỏi chuyện chuyển nghề, cô Tư Na ngán ngẩm: “Giờ 50 tuổi rồi, có làm ngày nào thì hay ngày nấy chứ bây giờ không biết chuyển đâu? Tui thấy mấy cái lò gạch gần đây cũng nghỉ hết rồi, có lò còn dỡ tôn, cột ra bán rồi dẹp luôn. Có lò tui làm là chủ lò còn đốt lửa cầm chừng cho đỡ nhớ nghề”.
Chú Huỳnh Văn Mười- chủ lò gạch Hưng Thuận (xã Long Phước- Long Hồ) có mấy chục năm bám nghề cũng than bây giờ làm ăn gặp khó, vốn liếng không nhiều nên lò gạch chỉ hoạt đồng bằng phân nửa so với trước, nhân công cũng cắt giảm theo, “trước có 20 lao động, giờ chỉ còn 10 người, để giảm chi phí nhân công tôi huy động thêm người nhà làm”.
Theo ông Tàu Xíu Châu- chủ lò gốm Nam Hiệp Hưng (xã Thanh Đức- Long Hồ), hiện lò gốm cũng có đơn đặt hàng nhưng ông không dám nhận nhiều vì thiếu nhân công trầm trọng. “Lúc trước có đến 160- 180 nhân công, bây giờ kiếm phân nửa hổng ra”- ông Châu nói.
Ông Châu xót xa nhớ lại thời hoàng kim, mỗi ngày có đến 30- 40 chuyến lấy hàng còn bây giờ dưới bến vắng hoe, buồn hiu, lâu lâu mới có một chuyến lấy hàng. Trong xã, lúc trước có đến mấy chục lò sản xuất gốm mà giờ chỉ còn chừng 5 lò. Nhiều chủ lò nghỉ sản xuất hoặc chuyển sang nuôi gà, heo, cá. Ngẫm lại mà buồn!
Đổi mới để tồn tại
Theo ông Hồ Văn Vàng- Chủ tịch Hội Nghề gốm tỉnh Vĩnh Long, gạch, gốm gặp khó vì công nghệ lạc hậu nên kéo dài thời gian nung, cộng với chi phí nguyên nhiên liệu tăng kéo giá thành sản xuất cao nên khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các tỉnh miền Đông như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương.
Đồng tình với nhận định này, ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai cho rằng: Trước đây ở Trà Vinh, Bến Tre, gạch Vĩnh Long gần như thống lĩnh thị phần, thì nay gạch Tây Ninh chiếm đến 80%.
Gạch miền Tây cả tháng trời mới ra một lò nhưng gạch miền Đông sản xuất theo kiểu lò Hoffman liên hoàn nên chỉ 12 tiếng là có gạch xuất lò. Giá thành chỉ khoảng 500 đ/viên, còn gạch Vĩnh Long thì tới 720 đ/viên. Nếu ra tới cửa hàng thì gạch Tây Ninh chỉ 750- 800 đ/viên, còn gạch Vĩnh Long là 1.100 đ/viên.
Ông Bùi Hữu Mai thông tin thêm, mặc dù không phủ nhận chất lượng gạch của Vĩnh Long nhưng thời gian qua, một số bạn hàng ở Trà Vinh đã ngừng lấy gạch Vĩnh Long vì giá không cạnh tranh nổi với gạch miền Đông.
Từ thực tế này, ông Bùi Hữu Mai nhận định, nếu cứ tiếp tục sản xuất gạch theo lối truyền thống trước nay thì chẳng khác nào tự làm khó mình vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Trong bối cảnh khan nguồn nguyên liệu, giá trấu lại tăng, DN muốn tồn tại cần phải đổi mới công nghệ sản xuất nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của gạch Vĩnh Long.
Gạch, gốm Vĩnh Long cần đổi mới công nghệ để tồn tại.
Trước áp lực chuyển đổi ngày càng đè nặng, bên cạnh việc giải quyết nguồn lao động dôi dư, công tác quản lý cũng như những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, việc đổi mới công nghệ đặt ra những thách thức về nguồn vốn.
Bởi lộ trình chuyển đổi chỉ cho phép các lò thủ công cải tiến tồn tại. Tuy nhiên, chi phí cho việc cải tạo này là không nhỏ. Điều này khiến nhiều DN tỏ ra băn khoăn với việc làm sao tận dụng được lò tròn cũ để cải tiến, nếu đập bỏ để xây mới rất tốn kém và việc làm này thì nằm ngoài khả năng của đa số các DN, cơ sở sản xuất gạch, gốm hiện nay.
Ông Trương Thành Phi đề xuất: Trong quá trình chuyển đổi cần xem xét việc cho phép tồn tại hoặc giải thể đối với các nghề gạch, gốm, không thể phát triển gạch nung tràn lan và cần thiết hỗ trợ làng nghề chuyển đổi sang mô hình khác.
Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Sản xuất gạch nung cần có thay đổi nhất định để theo kịp thời đại. Hướng chuyển đổi có thể là đổi mới công nghệ lò nung, chuyển sang sản xuất vệ tinh, sản xuất vật liệu xây không nung hoặc những ngành nghề khác. Việc chuyển đổi phải theo lộ trình, có tổ chức để tránh phát triển tràn lan.
Theo dự thảo đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm Vĩnh Long, đến 2020, toàn tỉnh cần đầu tư 20 dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung, cải tiến 98 lò nung; hỗ trợ đào tạo nghề cho 13.660 lao động và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; hỗ trợ tháo dỡ 2.664 lò gạch thủ công. Tổng dự toán kinh phí trên 338,9 tỷ đồng. |
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: SƠN- HIỀN- LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin