Lúc thăng lúc trầm nhưng “vương quốc gạch gốm” chưa bao giờ lại suy tàn như gần đây- khi phải đối mặt với hàng loạt những thách thức: giá nguyên- nhiên liệu tăng, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, khả năng cạnh tranh thấp… Trước thực trạng đó, đổi mới công nghệ sản xuất đang là đòi hỏi mang tính sống còn để cứu lấy làng nghề bên bờ vực thoái trào.
Lúc thăng lúc trầm nhưng “vương quốc gạch gốm” chưa bao giờ lại suy tàn như gần đây- khi phải đối mặt với hàng loạt những thách thức: giá nguyên- nhiên liệu tăng, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, khả năng cạnh tranh thấp… Trước thực trạng đó, đổi mới công nghệ sản xuất đang là đòi hỏi mang tính sống còn để cứu lấy làng nghề bên bờ vực thoái trào.
Ngành gạch gốm cần một lộ trình phù hợp để chuyển đổi công nghệ.
Đang lao đao trong cơn vật vã tồn vong thì chủ trương về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) cũng như lộ trình hạn chế, xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công như đòn chí mạng đánh vào làng gạch Vĩnh Long.
Từ chủ trương hạn chế gạch nung
Đã qua rồi thời vàng son, vương quốc gạch, gốm Mang Thít đã và đang đối mặt với những thách thức cố hữu: giá nguyên- nhiên liệu tăng, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường,… nhưng đó chưa phải là tất cả. Mà, thách thức thật sự đã đẩy “vương quốc gạch gốm” đứng bên bờ vực thoái trào bởi chủ trương chuyển đổi VLXKN cũng như lộ trình hạn chế, xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.
Ông Huỳnh Hữu Đức- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, dẫn chứng: Quyết định số 567 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 nêu rõ, sẽ thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ từ 20- 25% vào năm 2015 và từ 30- 40% vào năm 2020.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 10 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Thực hiện các chủ trương trên, Bộ Xây dựng có Công văn 896. Theo đó, Vĩnh Long phải chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến vào năm 2012 và chậm nhất vào năm 2015 đối với lò đứng liên tục. Đối với lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng phế phẩm của ngành nông nghiệp thì tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương có thể cho phép tồn tại.
Gần đây nhất là Thông tư số 09 của Bộ Xây dựng quy định kể từ ngày 15/1/2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN.
Theo thông tư này, tại TP Vĩnh Long (đô thị loại III) các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước phải sử dụng 100% VLXKN. Công trình xây dựng tại các khu vực còn lại trong tỉnh phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
Tăng cường sử dụng gạch không nung cộng với áp lực về việc tiến đến xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất gạch của tỉnh vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, như là lời cáo chung cho làng gạch Vĩnh Long.
Gạch đất nung Vĩnh Long thiếu sức cạnh tranh do công nghệ đã lỗi thời.
Đi tìm lộ trình chuyển đổi
Tính đến tháng 6/2012, toàn tỉnh có 1.082 cơ sở sản xuất gạch, ngói với 2.284 miệng lò và 45 cơ sở sản xuất gốm với 380 miệng lò. Trong số đó, hiện có đến 748 cơ sở (1.547 miệng lò) ngưng hoạt động (chiếm khoảng 70%) và chỉ còn 334 cơ sở (737 miệng lò) còn hoạt động cầm chừng.
Hầu hết cơ sở sản xuất trên đều sử dụng lò thủ công (lò tròn). Hiện chỉ có 1 lò tuynel công suất 5- 7 triệu viên gạch mỗi năm và 4 lò vòng (lò hoffman) sử dụng nhiên liệu trấu.
Đánh giá của ngành xây dựng, bên cạnh những khó khăn về công nghệ, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tăng cường sử dụng VLXKN đã tạo áp lực không nhỏ đến hoạt động của ngành nghề sản xuất gạch, gốm.
Nguồn vốn để các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến hoặc đầu tư dây chuyển sản xuất gạch không nung gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, lực lượng lao động không đủ năng lực để vận hành, quản lý cơ sở sản xuất theo quy mô và dây chuyền công nghệ tiên tiến nếu được đầu tư chuyển đổi hoặc xây dựng mới.
Từ đây, ngày 9/5/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp đã ký tờ trình gởi Bộ Xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận về kế hoạch phát triển VLXKN và lộ trình chuyển đổi sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.
Theo đó, việc tháo dỡ, xóa bỏ các lò thủ công từ năm 2012- 2015 sẽ được thực hiện trước tiên tại các cơ sở sản xuất nằm trong khu vực TP Vĩnh Long (gồm 14 cơ sở với 26 miệng lò); từ năm 2016- 2020 kế đến là các cơ sở ngoài cụm, tuyến quy hoạch của tỉnh, huyện gồm 261 cơ sở với 459 miệng lò tại các huyện: Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn và Bình Tân; và sau năm 2020 là các cơ sở trong cụm, tuyến quy hoạch gồm 807 cơ sở với 1.799 miệng lò tại các huyện: Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình và Vũng Liêm.
Như vậy tùy từng thời kỳ, những lò gạch nung vẫn còn có thể tồn tại, kể cả sau thời điểm năm 2020 nhưng đòi hỏi các lò này phải phù hợp quy hoạch và được cải tiến đảm bảo môi trường theo quy chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, để xóa bỏ lò gạch thủ công, chuyển đổi sang công nghệ sản xuất tiên tiến đòi hỏi phải có lộ trình thích hợp, nguồn vốn ngân sách lớn để hỗ trợ chính sách chuyển đổi công nghệ, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề đối với các cơ sở không đủ điều kiện chuyển đổi công nghệ.
Thông qua tờ trình gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị cho phép các cơ sở sản xuất trong cụm, tuyến quy hoạch của tỉnh, huyện (kể cả các lò sản xuất gốm) được giữ lại các lò tròn đã được cải tạo đảm bảo quy chuẩn môi trường khi thực hiện lộ trình chuyển đổi, do đây là giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, vừa đảm bảo môi trường vừa nằm trong khả năng đầu tư của các cơ sở sản xuất gạch, gốm. |
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: SƠN- HIỀN- LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin