
Gần đây, thông tin cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phát hiện 26 tấn khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về Đà Lạt, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần so với ngưỡng cho phép của Bộ Y tế, đã khiến người tiêu dùng hoang mang về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có sự khác biệt rõ rệt giữa khoai tây Việt
Gần đây, thông tin cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phát hiện 26 tấn khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về Đà Lạt, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần so với ngưỡng cho phép của Bộ Y tế, đã khiến người tiêu dùng hoang mang về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chúng tôi dạo quanh một số chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, sau khi có thông tin khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc độc hại, nhận thấy nhiều tiểu thương có vẻ thận trọng hơn. Khi chúng tôi hỏi thì không quầy nào nhận là khoai tây Trung Quốc mà chỉ nói là khoai tây Đà Lạt hay khoai tây Hà Nội.
Tiểu thương nói khoai Đà Lạt
Chúng tôi đi mua khoai tây tại một số sạp rau củ tại chợ Vĩnh Long, những củ khoai tây to hơn nắm tay giá 30.000 đ/kg, dính đầy đất đỏ mà cô bán hàng nói là hàng Đà Lạt loại lớn.
Cô N.T.C- tiểu thương chợ Vĩnh Long nhỏ nhẹ: “Hàng Đà Lạt đó con ơi, có nhiều loại lớn nhỏ, loại lớn này ăn ngon lắm”. Thấy chúng tôi e dè, cô tiếp lời: “Khoai Trung Quốc không có màu như vậy đâu!”. Hỏi về cách nhận biết sự khác biệt của khoai ta, khoai tàu, cô liền lảng đi nói chuyện khác.
Bày bán loại khoai tây tương tự như vậy, một tiểu thương khác thì trả lời cộc lốc: “Đà Lạt mới có khoai như vậy, Trung Quốc không có đâu, chợ này ai mà bán của Trung Quốc đâu mà lo”.
Thấy chúng tôi xem kỹ củ khoai, hỏi có loại khoai vỏ vàng không dính đất đỏ, thì cô tỏ vẻ khó chịu: “Nó là khoai Đà Lạt luôn chứ gì nữa. Khoai ngon như vậy mà lựa hoài. Củ khoai Đà Lạt dính đất về chà rửa khó ra chứ Trung Quốc là rửa ra cái một”.
Có “thâm niên” đi chợ, cô Nguyễn Thị Bé Bảy (Long Hồ) chia sẻ: Khoai tây ta có nhiều điểm để phân biệt với khoai Trung Quốc lắm, để ý kỹ sẽ nhận thấy.
Khoai tây Đà Lạt có màu vàng nhạt, vỏ mỏng nên hay bị trầy xước, có thể dễ dàng cạo bằng vỏ bằng dao, khi nấu có vị ngọt, chắc thịt. Khoai tây Trung Quốc củ to, có củ dài như khoai lang, mẫu đẹp hơn, vỏ dày hơn nên không bị trầy xước, mắt củ rộng và cạn, khó cạo bằng dao, nấu chín thường bị bở, mềm.
Người tiêu dùng lo lắng
Nhìn bề ngoài khoai ta, khoai Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn còn mù mờ. Nhiều người chỉ mua đại cho xong chứ ít để ý đến nguồn gốc. Hoặc có người kỹ hơn thì “không ăn khoai tây cho chắc ăn”. Chị Mai Hương (Phường 2- TP Vĩnh Long) lắc đầu:
“Từ khi nghe thông tin khoai tây Trung Quốc bị nhiễm độc, tôi chưa dám mua khoai tây sử dụng. Cà rốt thì còn dễ nhận biết chứ khoai tây thì chịu thua. Chỗ nào cũng nói của Đà Lạt, Hà Nội. Ngoài chợ có nhiều loại quá, mà tôi thì không phân biệt đâu là khoai Đà Lạt, đâu là khoai Trung Quốc. Thấy củ to là không dám mua, nên thôi né khoai tây luôn”.
Khoai tây Trung Quốc bày bán tràn lan, dư tồn thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến nông dân Đà Lạt. Đồng thời, còn dấy lên một lo ngại khác: liệu còn loại nông sản nào bị thương lái làm giả và sử dụng các tiểu xảo xóa nguồn gốc nhập nhòa từ Trung Quốc?
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ông Trần Quốc Linh- Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh.
Bên cạnh cũng tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cho người tiêu dùng cách phân biệt. Người tiêu dùng cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức tiêu dùng cần thiết để mua đúng hàng, đảm bảo chất lượng để đảm bảo an toàn sức khỏe khi sử dụng.
Chị Thùy Dung- (Phường 8- TP Vĩnh Long) phân biệt: “Khoai tây Trung Quốc thường to củ, mịn, tròn, vỏ không xước, trong khi khoai tây Đà Lạt vỏ rất dễ xước. Khoai tây Đà Lạt rửa để vài ngày sẽ bị thối, khoai tây Trung Quốc rửa rồi để lâu cũng không hề hấn gì”. |
Bài, ảnh: THẢO LY- HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin