Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á năm 2013 tổ chức tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar với chủ đề “Sự chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới hội nhập và phát triển toàn diện”, dự kiến tập trung thảo luận 3 nội dung chính.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á năm 2013 tổ chức tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar với chủ đề “Sự chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới hội nhập và phát triển toàn diện”, dự kiến tập trung thảo luận 3 nội dung chính.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á năm 2013 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng tương đối khả quan. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới đã vượt qua 2 rủi ro ngắn hạn là khả năng Eurozone tan vỡ và “vách đá tài khóa” tại Mỹ.
Ở khu vực Đông Á, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì được tốc độ khá cao. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2013 đạt khoảng 7,8%. Cùng với tín hiệu khả quan này, tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế trong khu vực tiếp tục được thúc đẩy, đặc biệt là các nước ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Bên cạnh đó, các chính sách kích thích kinh tế tại nhiều nước trong thời gian qua đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới còn thiếu các yếu tố bền vững, nhất là tỷ lệ nợ công cao tại Mỹ, Nhật Bản, các nước EU, làm giảm mức độ linh hoạt khi lựa chọn các chính sách kinh tế, trong khi đó các nền kinh tế mới nổi đối mặt với thách thức cải cách cơ cấu kinh tế và tăng cường các quy định và biện pháp giám sát tài chính.
Trong bối cảnh trên, WEF Đông Á 2013 tại Myanmar (diễn ra từ ngày 5-7/6) dự kiến tập trung thảo luận 3 nội dung chính, bao gồm: sự thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện Myanmar; nhận diện hội nhập khu vực; quy mô của các giải pháp khu vực và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên Myanmar tổ chức Hội nghị WEF về Đông Á khi mà đất nước Đông Nam Á này đang nỗ lực tiến hành tái cơ cấu kinh tế và xã hội cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần vào sức mạnh kinh tế tổng hợp của khu vực ASEAN.
Về quan hệ của Việt Nam với WEF, kể từ khi có quan hệ từ năm 1989, WEF đã mời đại diện Việt Nam tham dự các Hội nghị thường niên tại Davos (Thụy Sỹ) và các Hội nghị của WEF về Đông Á.
Đặc biệt, đánh giá cao những thành tựu kinh tế ấn tượng của Việt Nam, năm 2007 Chủ tịch WEF đã mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị. Sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong các thành viên của WEF.
Năm 2010, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị WEF về Đông Á lần thứ 19. Qua nhiều năm, quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và WEF, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong cộng đồng WEF.
Tại Hội nghị WEF 2013, đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ đến Myanmar dự sự kiện quan trọng này.
Theo Chinhphu.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin