Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013

06:06, 04/06/2013

Ngày 3/6, tại Hà Nội, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013.

Ngày 3/6, tại Hà Nội, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013.


Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn tồn tại không ít thách thức như đầu tư trong nước còn thấp, hàng tồn kho cao, số các doanh nghiệp ngừng hoạt động ngày một gia tăng…

Chính vì lẽ đó, VBF là diễn đàn để Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng các nhà tài trợ, cơ quan ngoại giao có cơ hội đối thoại, qua đó thúc đẩy và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.  

Với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: Từ chương trình tới hành động”, tại chương trình nghị sự của VBF, các phòng công nghiệp và thương mại bao gồm: AmCham, EuroCham, VCCI. AusCham, JBAV, KorCham đã trực tiếp đặt ra những câu hỏi cho Chính phủ Việt Nam .

Theo đó, Chủ tịch các hiệp hội đều nhất trí quan điểm cho rằng trong thời gian tới, để nâng cao vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ Việt Nam cần phải có những cải cách cần thiết để khuyến khích khối doanh nghiệp này phát triển thông qua hỗ trợ các nguồn vốn vay, tiếp cận đất đai…

Tại Diễn đàn, các nhóm công tác của VBF cũng đã đưa ra những kiến nghị tập trung vào nhiều lĩnh vực như ngân hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, đầu tư thương mại…

Theo đó, về lĩnh vực ngân hàng, mặc dù Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 về phân loại nợ, trích lập dự phòng đã được lùi thời hạn áp dụng tới tháng 6/2014 nhưng VBF cho rằng để có thể nâng cao chất lượng hoạt động, các ngân hàng nên sớm tự nguyện áp dụng.

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo VBF, Việt Nam cần phải có tiến trình cụ thể, trong đó hai ngành chính cần được cổ phần hóa đầu tiên là viễn thông và ngân hàng.

Liên quan tới lĩnh vực bất động sản, VBF cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài còn bị nhiều hạn chế trong việc mua bán, chuyển nhượng các tòa nhà hoặc quyền sử dụng đất với cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, VBF cũng đề nghị đẩy nhanh lộ trình loại bỏ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, và tại dự thảo Luật lần này nên nới lỏng mức khống chế lên ít nhất ở mức 25%...

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp thu các phản hồi chính đáng trên để tiếp tục có những chính sách và giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn thách thức.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nên tích cực hơn trong việc tái cơ cấu, tự đổi mới để có thể nâng cao hiệu quả của chính doanh nghiệp mình.

 

Theo ĐCSVN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh