Lúa trên đồng lại vào mùa gặt mới. Nhìn những đồng lúa no hột, trĩu bông, sao lòng người nông dân cũng trĩu nặng buồn.
Lúa trên đồng lại vào mùa gặt mới. Nhìn những đồng lúa no hột, trĩu bông, sao lòng người nông dân cũng trĩu nặng buồn.
Lãnh đạo huyện Bình Tân cám cảnh “giá lúa quá rẻ, chỉ từ 70.000- 75.000đ một giạ”. Với giá này, nông dân may ra hòa vốn, thậm chí lỗ, nói chi chuyện có lời vài ba chục phần trăm.
Người trồng lúa than không có lời, nhưng cơ cực là không lời mà vẫn phải làm lúa. Anh nông dân ở xã Tân Long Hội (Mang Thít) rầu rầu “vùng này làm lúa trúng lắm cũng chỉ chừng 25 giạ một công, giá này cầm lỗ chắc. Nhưng rồi cũng phải làm lúa vụ ba chớ không thì làm gì bây giờ?”
Đây ắt hẳn là câu hỏi của không riêng ai mà nó đang giăng khắp các cánh đồng. Lý do rất đơn giản, nói như một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp “trồng màu nhiều quá thì bán đi đâu?”
Tạm trữ vẫn đang là vấn đề “chưa biết đi đến đâu” trên thị trường lúa gạo hiện nay. Bởi giá lúa sau quyết định tạm trữ thường chỉ tăng thêm vài trăm đồng mỗi ký sau vài ngày đầu, để rồi lại “lối cũ ta về”. Trong khi đó, do xuất khẩu gặp khó về giá cả lẫn thị trường, nên lượng gạo tồn kho năm nay vẫn khá nhiều và tình hình tương lai cũng chưa có gì
sáng sủa.
Rất nhiều băn khoăn về giải pháp tạm trữ đang thực hiện, bởi lợi nhuận thật sự có tới được nông dân hay không và tới bao nhiêu phần trăm so những gì Nhà nước chi ra vẫn còn là câu hỏi. Điều này khiến cho ngày càng có nhiều giải pháp khác được đề xuất thêm, chẳng hạn như tạm trữ lúa trong dân.
Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có những ưu khuyết điểm của nó, không khéo sẽ chỉ là đi lòng vòng mà thôi. Tìm lại những mùa vui đang trở thành câu hỏi bức thiết cho người trồng lúa hôm nay.
NGUYÊN CHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin