“Đầu ra” cho lúa Hè Thu lại... lận đận

07:06, 11/06/2013

Trong nỗ lực đảm bảo lợi nhuận 30% cho người trồng lúa, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa Hè Thu. Thế nhưng, thực tế nông dân có được hưởng lợi từ chủ trương này hay không?


Lúa Hè Thu đã vào mùa thu hoạch rộ nhưng giá bán quá thấp khiến nông dân thiệt thòi.

Trong nỗ lực đảm bảo lợi nhuận 30% cho người trồng lúa, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa Hè Thu. Thế nhưng, thực tế nông dân có được hưởng lợi từ chủ trương này hay không?

Vụ lúa Hè Thu tại nhiều tỉnh ĐBSCL đã vào mùa thu hoạch rộ. Thế nhưng khác mọi năm, lúa chín đầy đồng mà vắng bóng thương lái, lúa tươi bán tại ruộng chỉ còn khoảng 3.600 đ/kg. Nhiều nông dân cho biết, thấp hơn giá thành vài trăm đồng mỗi ký lúa.

Lúa giảm giá vẫn khó bán

Vừa thu hoạch xong 3 công lúa với năng suất 30 giạ/công, anh Nguyễn Văn Tiến (Châu Thành- Đồng Tháp) bán lúa tươi giá 3.600 đ/kg (72.000 đ/giạ), ngậm ngùi: “Vụ Đông Xuân giá còn được 4.000- 4.100 đ/kg, còn vụ này thấp quá trời. Mỗi công chi phí hơn 2 triệu đồng rồi, sau khi bán ra chỉ dư vài trăm ngàn thì làm sao sống nổi, chưa kể công sức bỏ ra suốt 3 tháng trời”.

Theo anh Tiến, hiện giá lúa tại địa phương chỉ từ 3.600- 3.850 đ/kg, tùy loại. Nhiều thương lái chấp nhận bỏ cọc đến cả chục triệu đồng vì giá lúa liên tục xuống thấp, nông dân phải vận chuyển về nhà phơi phóng rất cực khổ. Hiện anh Tiến còn mấy công ruộng ở Vĩnh Long chưa dám thu hoạch vì... chờ giá.

Tại Vĩnh Long, nhiều nông dân cũng đang “lên ruột” vì lúa tới thu hoạch mà giá cả bèo bọt. Anh Trần Văn Thanh (Thạnh Quới- Long Hồ) có gần chục công lúa chín hực ngoài đồng nhưng vẫn còn chần chừ chưa kêu máy gặt.
 
Anh nói: “Mấy ngày nay, thấy quanh đây lái mua chỉ 3.900- 3.950 đ/kg lúa tươi, thấp quá nên tui chưa cắt, chờ thêm vài bữa nữa coi sao rồi tính”. Chục công ruộng của anh Lê Văn Tám cạnh bên cũng đến thời điểm thu hoạch nhưng do giá giảm nên cũng đành neo lúa trên đồng.

Ông Lê Văn Chiến- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Tam Bình nói: “Mặc dù giá xuống thấp nhưng nông dân rất khó bán lúa, còn những hộ bán được lời cũng rất meo”. Toàn huyện đã thu hoạch dứt điểm hơn 1.000ha với năng suất hơn 6 tấn/ha.

Ông Tống Minh Châu (xã Tân Phú- Tam Bình) cho biết, hơn một tuần qua, trên 1ha lúa nhà ông đến kỳ thu hoạch nhưng kêu thương lái đến mua thì ai cũng lắc đầu.
 
Chờ hoài không được, cuối cùng ông phải kêu máy gặt rồi thuê xe chở lúa về phơi khô chất đầy nhà. “Một vụ lúa 3 tháng trời chỉ toàn mua thiếu: từ phân bón đến thuốc trừ sâu rồi thuê máy gặt. Bây giờ rất cần bán lúa lấy tiền trả nợ nhưng không ai mua mới chết chứ”- ông Châu than thở.

Theo tính toán của nông dân, giá thành sản xuất lúa Hè Thu này khoảng 4.100- 4.500 đ/kg. Những nơi lúa bị đổ ngã do mưa dông thì chi phí thu hoạch sẽ tăng cao hơn mỗi công cả trăm ngàn tiền thu hoạch bằng thủ công. Tuy nhiên, với giá lúa hiện nay dự kiến sẽ bị lỗ gần 1.000 đ/kg.

Tạm trữ trầm lắng

Dự kiến tổng sản lượng lúa Hè Thu năm nay ở ĐBSCL đạt trên 9 triệu tấn. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho năm ngoái là gần 800 ngàn tấn.

Theo một doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long, do áp lực lượng gạo tồn kho còn nhiều từ việc mua tạm trữ vụ Đông Xuân năm ngoái nên hiện các doanh nghiệp hạn chế mua vào dẫn đến nguy cơ tồn đọng rất cao, điều này khiến giá lúa giảm mạnh ngay khi chưa vào chính vụ.

Anh Nguyễn Minh Dũng- một thương lái mua lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL cho hay: Hiện cánh thương lái cũng khá nhát tay, sợ lỗ nên không dám cho ghe về đồng mua lúa. Mấy ngày qua, nhiều nông dân ở một số huyện tỉnh Đồng Tháp gọi điện kêu bán lúa nhưng chưa dám mua vì “khi mua giá cao, đem về sấy, xay xát xong thì doanh nghiệp mua vào giá thấp nên đành ngồi nhà cho khỏe”.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Văn Còn cho biết: “Thời điểm này, các doanh nghiệp Vĩnh Long vẫn chưa nhận được chỉ tiêu phân bổ thu mua tạm trữ từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)”. Còn theo ghi nhận của chúng tôi, việc thu mua tại các doanh nghiệp còn khá trầm lắng.

Nhân viên bộ phận kinh doanh một công ty lương thực ở Vĩnh Long cho biết: Hiện giá gạo xuất khẩu là 368 USD/tấn. Hợp đồng vẫn có nhưng giá đối tác đưa ra quá thấp so với giá sàn của VFA nên không thể ký. Bên cạnh, theo tình hình thu mua mọi năm chỉ triển khai trong vòng một tuần (thậm chí 3 ngày) đã đủ số lượng.

Thời điểm này, lượng gạo tồn kho của công ty hiện chiếm đến 2/3 công suất kho chứa, vì thế chỉ tiêu thu mua, giá cả năm nay chắc sẽ thấp hơn mọi năm. “VFA yêu cầu phải báo lượng tồn kho, năng lực thu mua của công ty mới phân chỉ tiêu nên đến nay chúng tôi vẫn chưa nghe chỉ tiêu phân bổ”- nhân viên này cho biết thêm.


Nông dân trông chờ giá lúa sẽ cao hơn khi triển khai thu mua tạm trữ.

Ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) trong vụ Hè Thu năm 2013 ở ĐBSCL. Thời hạn mua tạm trữ bắt đầu từ ngày 15/6- 31/7/2013 gồm lúa gạo thường và lúa gạo thơm. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ trong thời gian tối đa 3 tháng, tính từ ngày 15/6- 15/9/2013.

Do chưa có cơ chế tạm trữ mới nên phương thức mua tạm trữ vụ Hè Thu này vẫn giao cho VFA phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp. VFA tổ chức việc phân giao cho các thương nhân đủ tiêu chuẩn thực hiện mua số lúa gạo tạm trữ, đồng thời phối hợp với UBND các địa phương phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức mua tạm trữ.

Có ý kiến nên thay đổi phương thức tạm trữ, đó là để nông dân tự tạm trữ. Theo đó, Nhà nước thay vì hỗ trợ tín dụng các doanh nghiệp sẽ quay lại hỗ trợ nông dân. Khi đó, họ tự bán sản phẩm mình làm ra khi cần thiết.

Đây cũng là ý kiến hay, bởi thực tế nhiều năm qua, công tác tạm trữ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp. Khi thị trường gạo xuất khẩu chưa khơi thông, lượng lúa, gạo trong vùng không lo cạn nguồn cung và còn thời hạn tạm trữ thì các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ thường “ngồi chơi xơi nước”.

Trong khi đó, đội ngũ thương lái sau khi nhận giá tham khảo từ các doanh nghiệp, nhưng do biến động giá, nhất là mỗi khi nhận thấy tình hình các doanh nghiệp giảm nhịp độ thu mua, thương lái cũng đậu nghe nằm chờ thì thiệt thòi vẫn thuộc về nông dân.

“Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Văn Còn: “Thời điểm này, các doanh nghiệp Vĩnh Long vẫn chưa nhận được chỉ tiêu phân bổ thu mua tạm trữ từ VFA”.
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- TUYẾT HIỀN


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh