
Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013 – 2015.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013 – 2015.
Mục tiêu chung của Chương trình là tổ chức huy động và quản lý sử dụng vốn vay với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp, đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Việc phân bổ, sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ. Duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Về những mục tiêu cụ thể, Chương trình xác định: vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 (tính cả trái phiếu chính phủ) dưới 4,5% GDP. Trong đó, năm 2013 là 4,8% GDP; năm 2014 khoảng 4,7% GDP.
Cùng với đó, tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước cho chương trình đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục giai đoạn 2011 – 2015; huy động vốn vay bổ sung để thực hiện đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện tái cơ cấu lại một số khoản nợ công nhằm giảm thiểu rủi ro về thị trường, tín dụng và thanh khoản, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn an toàn và an ninh tài chính quốc gia…
Đặc biệt, Chương trình cũng đặt mục tiêu nợ công (bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia hàng năm trên 200%.
Về nguyên tắc quản lý Chương trình, Quyết định nêu rõ: Nhà nước quản lý thống nhất, toàn diện nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, từ việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay đến việc trả nợ; bảo đảm an toàn nợ trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và cân đối vĩ mô nền kinh tế; bảo đảm hiệu quả trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay; không vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn.
Vốn vay thương mại nước ngoài chỉ sử dụng cho các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và bảo đảm khả năng trả nợ.
Ngoài ra, cần công khai, minh bạch trong việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ. Chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, chính quyền địa phương phải được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước hoặc kiểm toán độc lập. Mọi nghĩa vụ nợ được đối xử bình đẳng. Người vay chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay.
Chương trình cũng đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm đạt được mục tiêu đề ra, đó là: Tổ chức huy động vốn vay bổ sung cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.
Tăng cường công tác quản lý rủi ro và thực hiện tái cơ cấu lại một số khoản nợ công. Xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin để phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững về nợ công. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế chính sách quản lý nợ. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại.
Theo ĐCSVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin