Kỳ 2: “Bắt bài” doanh nghiệp “ma”

06:05, 25/05/2013

Doanh nghiệp (DN) “ma” đã “di chuyển” từ khu vực trung tâm về vùng sâu vùng xa. Chạy khỏi Long Hồ, xuống Tam Bình, những vụ việc DN “ma” bỏ trốn gần nhất là năm 2012 ở Trà Ôn. Hiện DN “ma” đang có dấu hiệu tái xuất ở một số địa bàn cũ và nhen nhóm ở địa bàn mới.

>> Kỳ 1: Chưa “bứt dây” đã bỏ trốn

Doanh nghiệp (DN) “ma” đã “di chuyển” từ khu vực trung tâm về vùng sâu vùng xa. Chạy khỏi Long Hồ, xuống Tam Bình, những vụ việc DN “ma” bỏ trốn gần nhất là năm 2012 ở Trà Ôn. Hiện DN “ma” đang có dấu hiệu tái xuất ở một số địa bàn cũ và nhen nhóm ở địa bàn mới.


Đối thoại với người nộp thuế là hoạt động thường xuyên của ngành thuế, nhằm phổ biến chính sách thuế mới, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của DN.

DN “ma” quá bài bản

Khi nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ, sau 5 ngày theo quy định DN được thành lập và sau đó hoạt động ra sao thì đến nay chưa có cơ quan nào chủ trì hậu kiểm. Vấn đề phát hiện, ngăn chặn tình trạng DN thành lập với mục đích sử dụng hóa đơn bất hợp pháp- DN “ma”- đã khó, trong khi với điều kiện có hạn về đội ngũ, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ thuế cấp huyện lại càng khó khăn hơn.

Trường hợp 9 DN “ma” bỏ trốn năm 2012 ở huyện Trà Ôn, cho thấy các DN này đã nắm bắt địa bàn khá rõ. “Trà Ôn là địa phương có tình hình kinh tế- xã hội khó khăn, có nhiều ưu đãi về chính sách, nên nhiều DN “ma” đến đây đăng ký hoạt động nhiều ngành nghề.

Thực tế chỉ kinh doanh gạo, với doanh số giao dịch số lượng lớn”- ông Phan Tấn Thành- Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Trà Ôn cho biết. 9 DN “ma” này hoạt động từ cuối năm 2011 đến năm 2012, khi bị phát hiện vi phạm đã cao chạy xa bay.
 
Thậm chí có DN thành lập tháng 11/2012 vẫn kịp kê khai thuế 1- 2 lần rồi bỏ trốn. Ông Thành cho rằng, thiệt hại về thuế chỉ vài chục triệu, nhưng nếu đặt vấn đề khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì lên đến vài tỷ đồng.

Các DN “ma” này đăng ký thuế, hóa đơn chứng từ, mua bán chuyển khoản qua ngân hàng… rất bài bản. Họ làm ăn có hóa đơn xuất chuyển hàng hóa đàng hoàng. Phát sinh thuế nộp đầy đủ. Không gì sai sót nên ngành thuế đâu bắt bẻ được”- ông Thành nói.

Ông Trần Văn Thoi- Đội trưởng Đội Kiểm tra Chi cục Thuế huyện Tam Bình cũng cho rằng: “Phân tích hồ sơ của các DN “ma” kê khai thuế rất đều, nhịp nhàng đâu ra đó không mắc lỗi gì. DN không nợ thuế, có phát sinh nộp đủ nên dù nghi làm ăn không hợp pháp cũng không có cơ sở kiểm tra”. Tam Bình từng có 20 DN “ma” chọn làm nơi “đóng đô” và lần lượt bỏ trốn khi bị phát hiện hồi năm 2011.

Cùng với sự bài bản của DN “ma”, ông Trương Minh Luân- Trưởng Phòng Thanh tra (Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long) cho rằng: “Theo quy định xử phạt, xử lý vi phạm hành chính, phải chứng minh được hành vi vi phạm. Khi có chứng cứ chắc chắn thì mới dám làm”.
 
Thế nên, khi nhận diện được DN “ma”, ngành thuế hoặc phải phối hợp với công an, âm thầm giám sát hoạt động của DN đó. Hoặc tới kỳ kê khai thuế tháng mới có cơ sở phân tích, rồi tiến hành xác minh hồ sơ.

Không chỉ riêng Vĩnh Long, hoạt động của DN “ma” rộng khắp ở nhiều tỉnh, nhất là ở TP Hồ Chí Minh nên việc xác minh DN có mua bán hóa đơn bất hợp pháp hay không ở địa bàn ngoài tỉnh rất khó. Khi có kết quả xác định hành vi DN “ma”, chưa kịp ra quyết định xử lý thì họ đã… “biến”.
 
Việc xử lý DN “ma” thời gian qua được ví như “bắt trộm”, theo đuôi và do đó chưa giải quyết được cốt lõi đầu dây mối nhợ của DN “ma” ở đâu, ai điều khiển.

Chân dung “bí ẩn” của giám đốc mướn

Theo ông Phan Tấn Thành, khi kiểm tra nhiều trường hợp DN “ma” bỏ trốn tại Trà Ôn thì địa điểm đăng ký kinh doanh chỉ thuê nhà máy chà gạo làm trụ sở giao dịch và “cắm” 1 giám đốc tại đó. Nhưng thực tế, giám đốc này trình độ thấp và đặc biệt… không biết gì hết. Khi DN “ma” chưa bị phát giác thì còn gặp giám đốc, DN bỏ trốn thì giám đốc cũng “chạy lấy người”.

Khi thanh tra tại Tam Bình, ông Trương Minh Luân kể có lần gặp giám đốc trong 1 buổi làm việc, nhưng ngay sau đó “biết có chuyện” giám đốc này đã bỏ trốn. Thường rất ít khi gặp được giám đốc của DN “ma”.
 
Cuộc chiến với DN “ma” đôi khi cũng thật cam go, bị “khủng bố”… Đến mức “khi chúng tôi xử lý DN “ma” trên địa bàn, đã liên tục nhận được điện thoại lạ “khủng bố”, đe dọa đủ chuyện. Có lúc còn không dám đi đêm”- ông Thoi kể lại.

Chân dung giám đốc mướn càng bí ẩn sau DN “ma” bỏ trốn. Ông Thành cho biết Chi cục Thuế đã phối hợp với công an xác minh tận Hậu Giang, Sóc Trăng theo địa chỉ thường trú trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Đặc điểm chung là nhiều địa phương cùng xác nhận “giám đốc” đã bỏ địa bàn cư trú từ lâu. Có gia đình còn bất ngờ khi “con mình làm giám đốc” và đã lâu không có liên lạc.

Do vậy, chân dung giám đốc mướn tạm phác thảo: trong hoặc ngoài tỉnh, trình độ thấp, nghề nghiệp không ổn định hoặc thất nghiệp, thậm chí có tiền án, tiền sự. Đúc kết ngắn gọn của ông Luân: “Giám đốc DN “ma” đa số không đàng hoàng”.

Tìm cách “bắt bài”

Đấu tranh với DN “ma” là công việc không phải một sớm một chiều, với thái độ kiên quyết nhưng thận trọng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Quan điểm đó được ông Trương Minh Luân nêu rõ ràng:

“Cơ quan thuế tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả DN hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ những DN có dấu hiệu khả nghi làm ăn không chân chính (10 dấu hiệu nhận diện), thì ngành thuế mới đặc biệt quan tâm, chiếu cố ngay từ tháng đầu khai thuế. Qua đó, phân tích cụ thể hồ sơ, xác minh làm rõ các giao dịch mua bán, nhằm có biện pháp chặt chẽ quản lý đối tượng này, ngăn ngừa hành vi vi phạm”.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên theo ông Phan Tấn Thành, phải ngăn chặn DN “ma” sớm để giảm thiệt hại. Kinh nghiệm của Chi cục là tuy phát hiệm sớm DN “ma” nhưng chậm đi xác minh.

Do đó, để “bắt bài” hoạt động của DN “ma”, ông Thành cho rằng sẽ phải cảnh giác hơn bằng cách xác minh nhân thân giám đốc, chủ DN. Phân tích, nắm chắc hoạt động của DN ngay từ tờ khai đầu tiên, để có thể phát hiện chân tướng DN “ma”.

Sau thời gian áp dụng các biện pháp mạnh ngăn chặn DN “ma” tái xuất, địa bàn “chưa phát hiện trường hợp khả nghi”, nhưng quan điểm của Chi cục Thuế huyện Tam Bình là “không chủ quan”.

“Khi DN đăng ký thuế, chúng tôi mời họ lên phòng Đội Kiểm tra để cung cấp thông tin trước, tư vấn, hướng dẫn từng văn bản quy phạm pháp luật về thuế cụ thể cho DN hiểu biết. Rồi sau mới yêu cầu DN cung cấp thông tin của họ về kho tàng, bến bãi, tài sản, lao động… DN địa phương nên trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ngành thuế hỗ trợ họ yên tâm làm ăn và rất sẵn lòng cung cấp thông tin. Ngược lại DN “ma” thấy không êm sẽ tự rút lui”- ông Trần Văn Thoi cho biết đó là giải pháp “mềm” khá hiệu quả. Khi DN biết có sự quản lý chặt thì không thể tồn tại.

Kỳ sau: Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng

Bài,ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh