Rào cản kỹ thuật: Thách thức hay cơ hội?

07:04, 11/04/2013

Gần đây, hàng loạt vấn đề liên quan đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam như Ethoxyquin, thuế chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp… được các nước nhập khẩu đặt ra. Điều này, có thể làm kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong năm 2013. Tuy nhiên, xét ở góc độ nào đó, đây sẽ là cơ hội tốt để ngành thủy sản trong nước chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Gần đây, hàng loạt vấn đề liên quan đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam như Ethoxyquin, thuế chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp… được các nước nhập khẩu đặt ra. Điều này, có thể làm kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong năm 2013. Tuy nhiên, xét ở góc độ nào đó, đây sẽ là cơ hội tốt để ngành thủy sản trong nước chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất, xuất khẩu.


Cá đông lạnh đạt chứng nhận ASC giá cao gấp 3 lần so với sản phẩm không có chứng nhận này.
Ảnh minh họa: VINH HIỂN

Nhận diện thách thức

Sau gần 1 thập kỷ (2002- 2011) phát triển không ngừng, ngành thủy sản Việt Nam , đặc biệt đối với thủy sản nuôi trong những năm gần đây có dấu hiệu phát triển thiếu ổn định. Nếu giai đoạn năm 2002- 2011, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng 3 lần về trị giá, đạt 6,1 tỷ đô la Mỹ ở năm 2011 và chưa năm nào “hụt” chỉ tiêu đề ra, thì sang năm 2012, kim ngạch xuất khẩu lại “hụt” mất 300.000 đô la Mỹ so với chỉ tiêu 6,5 tỷ đô la Mỹ.

Và mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm nay cũng chỉ tương đương năm ngoái, nghĩa là chỉ kỳ vọng đạt 6,5 tỷ đô la Mỹ. Thế nhưng, sau 4 tháng hoạt động, ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ông chỉ “hy vọng” kim ngạch năm nay đạt 6- 6,5 tỷ đô la Mỹ.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, rào cản kỹ thuật Ethoxyquin (Ethoxyquin được sử dụng làm chất chống oxy hóa phổ biến trong thức ăn chăn nuôi. Tại Nhật Bản, chất này được phép sử dụng trong thức ăn nuôi tôm với hàm lượng cho phép tối đa 150 mg/kg thức ăn.

Trong khi đó, mức giới hạn cho phép đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ 0,01 mg/kg tôm) đối với con tôm ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; kiện chống trợ giá ở thị trường Mỹ hay những khó khăn nội tại như tài chính, dịch bệnh… tiếp tục là những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói riêng và ngành thủy sản nói chung trong năm nay.

Đối với cá tra, ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ- cho biết cấu trúc chuỗi giá trị và chiến lược cạnh tranh; sự suy yếu của thị trường nước ngoài và chính sách tín dụng trong nước là những nguyên nhân gây khó khăn và thách thức đối với ngành thủy sản Việt Nam hiện nay.

Theo ông Dũng, trong những khó khăn và thách thức trên thì yếu tố bên trong, cấu trúc của chuỗi giá trị và chiến lược cạnh tranh của ngành là vấn đề phải mất nhiều công sức giải quyết.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ của nhà quản lý, ông Hòe của VASEP, cho biết đó là những tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản Việt Nam .
 
Ông cho biết: “Bước vào hoạt động xuất khẩu một, hai tháng đầu năm 2013, dù xuất khẩu có giảm nhưng doanh nghiệp cũng vui bởi vì đây là dấu hiệu cho thấy một giai đoạn ổn định của ngành thủy sản Việt Nam đang bắt đầu”.

Theo ông Trương Đình Hòe, một số vấn đề liên quan đến ngành thủy sản như khó khăn về tín dụng, thị trường hay dịch bệnh… sẽ giúp doanh nghiệp định hướng lại sản xuất, không phải căng thẳng chạy đua đạt giá trị cũng như sản lượng như trước, từ đó giúp cho hoạt động xuất khẩu thời gian tới ổn định hơn.

Sản phẩm an toàn- xu thế tất yếu của phát triển

Trong lịch sử phát triển, nếu một chế độ cũ chuyển sang chế độ mới sẽ có một giai đoạn mà người ta thường gọi là “thời kỳ quá độ”, thì với ngành thủy sản Việt Nam có lẽ cũng đang trong “thời kỳ quá độ” để tìm một lối đi mới, phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải biết nhu cầu của thị trường nhập khẩu cần sản phẩm ra sao thời gian tới? Từ đó, xác định hướng đi cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Xét ở góc độ nào đó, những yêu cầu, quy định hay rào cản kỹ thuật được nhà nhập khẩu đặt ra sẽ là cơ hội cho chính ngành thủy sản nước nhà nhìn nhận, đánh giá lại bản thân. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại ĐBSCL (yêu cầu không nêu tên) cho biết:
 
“Việc người ta (nhà nhập khẩu) yêu cầu cao về sản phẩm họ mua về là xu thế tất yếu của phát triển thôi. Như ở Việt Nam , trước đây đất nước còn nghèo khó, thu nhập của người dân còn hạn chế thì việc ăn no, mặc ấm là mục tiêu hướng đến. Tuy nhiên, theo thời gian đất nước có bước tiến mới, đời sống người dân cũng được cải thiện, thì nhu cầu ăn no, mặc ấm đã chuyển thành ăn ngon, mặc đẹp”.

Theo vị này, đó là chưa kể những tác động bất lợi từ các yếu tố bên ngoài lên sản phẩm vì đi liền với sự phát triển là nguy cơ dịch bệnh. Do đó, việc nhà nhập khẩu có đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao hơn (thông qua các tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật nhà nhập khẩu đặt ra) cũng không có gì lạ.

Xu thế chung của sự phát triển là thế, vì vậy muốn tồn tại ngành thủy sản Việt Nam phải biết chấp nhận và tìm cách vượt qua bằng cách đổi mới quản lý, sản xuất; đổi mới cách làm; công nghệ chế biến… vì đây là điều kiện không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn mà còn giúp trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân tăng lên.


Đòi hỏi sản phẩm an toàn là xu hướng tất yếu của nhà nhập khẩu.
Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL cho cá tra ăn. Ảnh: TRUNG CHÁNH

Thực tế, trong khi sản phẩm cá tra sản xuất thường xuất sang các nước liên minh Châu Âu (EU) gặp khó khăn, thì với sản phẩm đạt chứng nhận ASC (ASC là tên viết tắt của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản- một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm) được tiêu thụ rất tốt.

Theo VASEP, đối với cá tra fillet đông lạnh đạt chứng nhận ASC bán tại Đức có giá tới 12 Euro/kg, cao gần 3 lần so với sản phẩm không có chứng nhận này.

Ông Trương Đình Hòe cho biết hiện các nhà nhập khẩu và bán lẻ ở EU đang dần chuyển sang sử dụng dòng sản phẩm đạt chứng nhận ASC. Trong khi đó, đánh giá của Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), cho biết xu thế nhập khẩu cá tra đạt chứng nhận ASC đang ngày được các nhà nhập khẩu, các tập đoàn chế biến thực phẩm lớn và kể cả người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.

Như vậy, rõ ràng sản phẩm an toàn, chất lượng là đòi hỏi tất yếu của nhà nhập khẩu, là xu thế của phát triển. Và đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp thủy sản sắp xếp lại sản xuất, xây dựng sản phẩm có chất lượng, an toàn với những thương hiệu mạnh để tăng trị giá xuất khẩu vào các nước thời gian tới.

TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh