Nhiều điểm du lịch hấp dẫn tại Tri Tôn

01:04, 15/04/2013

Những ngày giữa tháng 4 này, dự kiến lượng người đổ về huyện miền núi Tri Tôn sẽ khá đông. Cùng với các hoạt động vui Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer, Tri Tôn còn đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ IX-2013.

Những ngày giữa tháng 4 này, dự kiến lượng người đổ về huyện miền núi Tri Tôn sẽ khá đông. Cùng với các hoạt động vui Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer, Tri Tôn còn đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ IX-2013.

Ngoài địa điểm tổ chức chính là chùa Tức Phôs (Chikaêng trên), ấp An Lợi (xã Châu Lăng), nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, các chùa Khmer có truyền thống lâu đời trên địa bàn huyện cũng đã sẵn sàng đón chân du khách, bà con Khmer về hòa chung niềm vui.

Đến Tri Tôn, những người yêu thích tìm hiểu truyền thống cách mạng khó có thể bỏ qua địa điểm Khu di tích lịch sử Ô Tà Sóc (xã Lương Phi). Từ chùa Chikaêng trên đi ngược về chợ Cây Me cũ, hướng theo Tỉnh lộ 955B vài cây số là đến chợ Lương Phi.

Từ chợ đi theo tuyến đường nhựa một đoạn ngắn là đến khu vực Ô Tà Sóc nằm dưới chân núi Dài. Đây vừa là một căn cứ cách mạng nổi tiếng của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vừa là một quần thể du lịch mang nét đẹp hoang sơ, không khí trong lành, thoáng mát.

Từ chân núi lên đến hang Trời Gầm, hay còn gọi là hang Tỉnh ủy, dài khoảng 780m đã đầu tư tuyến đường bậc thang thuận lợi, du khách có cơ hội khám phá các địa điểm gắn liền với chiến công của quân dân An Giang, như: Ô Tà Sóc, bụng Ông Địa, đồi Ma Thiên Lãnh...

Với diện tích rộng hơn 70 héc-ta, Khu di tích lịch sử Ô Tà Sóc là nơi lý tưởng để thực hiện các hoạt động dã ngoại, sinh hoạt tập thể, khám phá thiên nhiên...

Cách khu di tích không xa, dự án xây dựng hồ chứa nước Ô Tà Sóc với quy mô rộng 30 héc-ta, kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, cũng sắp hoàn thành, tạo nên một điểm nhấn đẹp dưới chân núi Dài.

Gần đó còn có các “lữ quán” dã chiến do người dân làm rẫy, trồng cây ăn trái trên núi xây dựng. Giá nước uống, thức ăn ở các “lữ quán” này còn rẻ hơn cả các quán bình dân dưới đồng bằng.

Chùa Xà Tón với lịch sử trên 300 năm tuổi.

Rời Ô Tà Sóc, lại đi theo Tỉnh lộ 955B hơn chục cây số là đến Nhà mồ Ba Chúc (ấp An Định, thị trấn Ba Chúc), nơi ghi dấu tội ác man rợ của bọn Polpot Ieng Sari trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Nhà mồ hiện còn lưu giữ, trưng bày 1.159 bộ hài cốt của đồng bào bị bọn diệt chủng tàn sát năm 1978. Tại đây, còn có chùa Tam Bửu – Phi Lai, nơi gắn với phong trào yêu nước, lập làng, giữ đất của tín đồ theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Ngoài những địa điểm nổi tiếng này, thị trấn Ba Chúc còn có Khu du lịch núi Nước. Đây là nơi có những dấu ấn thiên nhiên mang màu sắc tín ngưỡng, như : Mộ Tiên, Đầu Gối Tiên, Ông Rùa... thích hợp với khách hành hương.

Cũng cách chùa Chikaêng trên (địa điểm tổ chức Ngày hội VHTT-DL dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ IX) không xa, những người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên chắc sẽ ngỡ ngàng khi được khám phá vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí của đồi Tà Pạ (xã Núi Tô).

Cùng với ngôi chùa cổ rộng lớn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, trên đồi Tà Pạ còn có hồ nước được bao quanh bởi những vách đá với màu nước xanh trong như ngọc.

Từ đỉnh đồi, người ta vừa có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Tri Tôn, vừa đắm mình trước vẻ đẹp của những ô ruộng lúa nhiều màu sắc chạy dọc theo chân núi Tô.

Nước trong hồ vừa mát rượi vừa trong vắt, có thể nhìn thấu đến tận đáy. Ngâm mình trong hồ, du khách có cảm giác thư thái như hòa mình trong cảnh tiên bồng.

Từ đồi Tà Pạ, du khách chịu khó di chuyển khoảng 10km theo con đường nhựa về hướng xã An Tức sẽ đến đồi Tức Dụp, vốn nổi tiếng với cái tên “Ngọn đồi 2 triệu đô-la” và gắn với trận đánh oai hùng 128 ngày đêm của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Dù Công ty Cổ phần Du lịch An Giang đã đầu tư, cải tạo nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái nhưng Tức Dụp vẫn còn mang vẻ đẹp hoang sơ, chứa đựng nhiều huyền bí để du khách khám phá.

Đến Tri Tôn vào dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer, du khách không nên bỏ qua địa điểm chùa Xà Tón (Xvayton), nằm trong trung tâm thị trấn Tri Tôn.

Ngôi chùa này nổi tiếng không chỉ vì có lịch sử hình thành hơn 300 năm tuổi mà còn được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi lưu giữ nhiều sách kinh lá nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, chùa còn được Bộ Văn hóa công nhận danh hiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1986. Cùng với hơn 100 quyển kinh lá chép tay được đồng bào Khmer coi như báu vật vô giá, chùa Xà Tón còn là một trong những trung tâm diễn ra hoạt động vui Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay (còn gọi là Tết chịu tuổi hay Tết mừng năm mới) cũng như các dịp lễ lớn của đồng bào Khmer, như: Pisat Bochia (ngày Phật đản sinh), Chol Neasa, Kà Thận và lễ Dolta.

Đến chùa Xà Tón vào dịp này, du khách sẽ có dịp chứng kiến văn hóa vui Tết cổ truyền của đồng bào Khmer, được thưởng thức các món bánh truyền thống của đồng bào và giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em…

Theo An Giang Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh