Môi trường đầu tư tốt- đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

06:04, 16/04/2013

Ngay khi ông Nguyễn Thành Phan- Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Bình Minh phát đi thông điệp: “Doanh nghiệp (DN) đã đầu tư (ĐT) rồi phải tạo thuận lợi hơn, nếu chưa ĐT thì tạo môi trường sao cho DN tới”, đã có những phản hồi tích cực.


Vĩnh Long quyết tâm cải thiện môi trường ĐT với những giải pháp quyết liệt
và sự cầu thị cao.

Ngay khi ông Nguyễn Thành Phan- Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Bình Minh phát đi thông điệp: “Doanh nghiệp (DN) đã đầu tư (ĐT) rồi phải tạo thuận lợi hơn, nếu chưa ĐT thì tạo môi trường sao cho DN tới”, đã có những phản hồi tích cực.

Điều này cũng là mong muốn cam kết cải thiện môi trường ĐT của Vĩnh Long, để thu hút các nhà ĐT.

Cải thiện môi trường ĐT- nhìn từ kết quả PCI

Phân tích PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2012 của Vĩnh Long, ông Nguyễn Phương Lam- Trưởng Phòng Pháp chế VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng, Vĩnh Long cải thiện tốt 8/9 chỉ số trong năm 2012; có 4/9 chỉ số nằm ở tốp 10 cả nước, được đánh giá cao nhất là tính năng động của lãnh đạo (xếp thứ 2/63).

Theo ông Phạm Thành Khôn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, cảm nhận của DN về thái độ tích cực của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2012 tăng mạnh từ 44,58% (2011) lên 67,21%.

Tỷ lệ % DN cho rằng cán bộ tỉnh nắm vững các chính sách, quy định hiện hành trong khuôn khổ pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN tăng từ 39,13% (2011) lên 51,16%. Năm 2012 có 83,08% DN cho rằng tỉnh sáng tạo và sáng suốt trong việc giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân (năm 2011 là 60,92%).

Chuyển biến đáng được ghi nhận của các địa phương là thông qua PCI, học tập thực tiễn của các tỉnh dẫn đầu để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình, tạo ra sự đột phá mới. PCI hàng năm đã góp phần giúp các tỉnh nhận thấy những lĩnh vực cần cải thiện, đặt mục tiêu cải cách. Riêng với Vĩnh Long, quyết tâm cải thiện PCI thông qua ban hành các văn bản pháp quy.

Như Chỉ thị 05-CT/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Công văn số 27/TB-UBND ngày 11/4/2012 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao PCI. Những hạn chế của năm 2012 đã khắc phục được như: rút ngắn thời gian khởi sự DN; rút ngắn thời gian giao đất cho nhà đầu tư; giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của DN; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu…
 
Đáng ghi nhận, lãnh đạo các cấp, các ngành nghiêm túc xem xét, đánh giá tính năng động và tiên phong trong việc chỉ đạo, điều hành công việc. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc giải quyết công việc, không để DN chờ đợi quá lâu, đi lại nhiều lần. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc và lắng nghe tâm tư, vướng mắc của DN.

Tuy nhiên, trong khi các tỉnh ĐBSCL đều cải thiện tốt về chi phí gia nhập thị trường, thì Vĩnh Long chưa được đánh giá cao; tính minh bạch còn nhiều hạn chế, thiết chế pháp lý có điểm số cao nhưng lại giảm so với năm 2011.

Mất điểm trong một số chỉ tiêu thành phần như, tỷ lệ % cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu kế hoạch của tỉnh có giảm nhưng vẫn cao, “Khả năng có thể dự đoán được trong thực thi pháp luật của tỉnh” cũng giảm sút.

Những thành công, hạn chế trên đây đã được mổ xẻ sâu sắc. Vì việc cải thiện và giữ vững thứ hạng PCI cũng là cách mà Vĩnh Long cho thấy quyết tâm tạo môi trường ĐT tốt, đồng hành cùng DN.


Vĩnh Long đã tích cực tháo gỡ khó khăn, giúp DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Để trở thành điểm đến thu hút ĐT

Sự cầu thị, quyết tâm xây dựng môi trường ĐT tốt và xây dựng hình ảnh một Vĩnh Long mới năng động, sáng tạo trong điều hành của lãnh đạo tỉnh đã được thể hiện rõ tại hội nghị phân tích “nhìn thẳng sự thật” PCI của tỉnh.

Vĩnh Long đưa ra 9 nhóm giải pháp cụ thể, được đánh giá là “mạnh” và “đánh thẳng” vào những yếu kém bộc lộ qua các chỉ số thành phần PCI. Ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng mổ xẻ từng chỉ số thành phần yếu kém, hạn chế không mang tính phê bình, mà chủ yếu để rút kinh nghiệm, khắc phục.

Trong giai đoạn khó khăn, DN rất cần sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền. Lãnh đạo phải có những việc làm cụ thể chứng minh, chứ không thể nói nhiều mà làm khác đi.

Trong 9 nhóm giải pháp, có thể kể đến những “đòn mạnh” như: không mời chủ tịch và các phó chủ tịch tỉnh dự họp, hội nghị vào tuần đầu của các tháng trong năm để thời gian tiếp và giải quyết vướng mắc cho DN.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong quá trình triển khai dự án, tổ chức sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư của tỉnh.

Thực hiện cơ chế một cửa, giải quyết trọn gói hồ sơ. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có hành vi gây trở ngại, nhũng nhiễu hoặc thỏa hiệp với DN làm trái quy định của nhà nước để trục lợi. Tạo điều kiện cho DN thuận lợi trong việc tố cáo hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, thái độ phục vụ không tốt, quan liêu, hách dịch của CBCC trong thực thi công vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý với kiến nghị nâng Công văn số 27/TB-UBND (ngày 11/4/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao PCI) lên thành chỉ thị. Thành lập Hội đồng tư vấn, xem xét các dự án ĐT và tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình ĐT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh, giao Sở Nội vụ sớm xây dựng quy trình “DN chấm điểm lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành”.

 

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ:

Thu hút ĐT ngoại trừ các yếu tố về tài nguyên, cơ sở hạ tầng tốt, gắn bó quê hương, nguồn nhân lực,… thì đa số nhà ĐT luôn tìm đến những địa phương có môi trường kinh doanh tốt. Nhà ĐT ngày càng chú ý nhiều hơn đến ĐBSCL, với nỗ lực cải thiện CPI cho thấy quyết tâm rất lớn của các lãnh đạo địa phương. Thứ hạng của Vĩnh Long được khôi phục là quyết tâm rất lớn của tỉnh để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Đây cũng là điều kiện mà tỉnh cần quan tâm để xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lượng- Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh:

Tôi đề nghị thay đổi Công văn 27 của UBND tỉnh thành Chỉ thị, để chỉ đạo thực hiện toàn diện, đầy đủ, rõ ràng hơn. Trong quá trình tiếp cận DN, chúng ta cần thể hiện mối quan hệ thân thiện hơn nữa, tốt hơn nữa vì có những khuất tất mà DN chưa dám nói.

Ông Huỳnh Vân Hải- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh:

Ngành thuế là ngành mà cảm nhận xã hội ít có thiện cảm. Khi nghe nói “thương lượng với cán bộ thuế” thì không hiểu là thương lượng như thế nào. Chúng tôi rất ái ngại và đã triệu tập lãnh đạo các phòng, chi cục để rút kinh nghiệm. Chúng tôi đang thực hiện tốt tuyên ngôn của ngành thuế, cam kết trước dân: “Minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới”.

Ông Nguyễn Thành Phan- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Bình Minh:

Đánh giá PCI tốt thì phấn khởi, chưa tốt phải nhìn nhận lại. Chúng ta cần vận dụng cơ chế chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Phải làm tốt thể chế pháp lý DN mới an tâm ĐT, khắc phục khó khăn và có lòng tin vào phát triển của DN mình. Chúng ta phải cam kết được rằng, DN đã ĐT rồi phải tạo thuận lợi hơn, nếu chưa ĐT thì tạo môi trường sao cho DN tới.

Ông Nguyễn Hoàng Học- Chánh Văn phòng UBND tỉnh:

Không chủ quan và không thỏa mãn với thứ hạng PCI. Theo tôi, giải pháp đào tạo cán bộ công chức phải đáp ứng 2 yêu cầu: đạo đức và năng lực chuyên môn. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Có một số DN nói với tôi, làm ăn “thân” với cán bộ thì không sao, không “thân” thì bị phạt không thể chịu nổi. DN tới lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành rất tốt, nhưng “mấy ông con” lại hành quá. Đó là những thông tin một phía, nhưng ý tôi là phải tăng cường giám sát, gắn với cải cách hành chính quyết liệt hơn.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC – TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh