Lúa gạo đồng loạt giảm giá

09:04, 22/04/2013

Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông xuân 2012-2013 tại ĐBSCL đã kết thúc. Về cơ bản, nhiều doanh nghiệp đã thu mua vượt chỉ tiêu đề ra. Thế nhưng, giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL lại bất ngờ sụt giảm liên tục khiến nông dân như ngồi trên lửa.

Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông xuân 2012-2013 tại ĐBSCL đã kết thúc. Về cơ bản, nhiều doanh nghiệp đã thu mua vượt chỉ tiêu đề ra. Thế nhưng, giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL lại bất ngờ sụt giảm liên tục khiến nông dân như ngồi trên lửa.

Lúa, gạo đều giảm

Ông Nguyễn Văn Tư, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) tỏ ra lo lắng khi mấy ngày nay giá lúa gạo ở ĐBSCL liên tục sụt giảm. Hiện lúa khô loại thường đã rớt xuống mức 4.900-5.000 đồng/kg; lúa khô hạt dài 5.100 đồng/kg; lúa Jasmine 5.600-5.700 đồng/kg…

Giá giảm đã đành nhưng ngặt nỗi kêu bán rất khó do thiếu người mua. Theo ông Nguyễn Văn Phương, thương lái ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, sau khi vừa kết thúc chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo thì giá gạo đảo chiều giảm mạnh.

Hiện gạo 5% tấm được các kho gạo ở Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang… mua chỉ 6.800 đồng/kg; gạo 15% tấm dao động mức 6.700 đồng/kg… bình quân sụt 200-250 đồng/kg so thời điểm còn thu mua tạm trữ.

Gạo giảm giá, cộng với các doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế tối đa thu mua thêm vào nên rất nhiều thương lái ở ĐBSCL chấp nhận “neo ghe” tạm nghỉ. Thương lái ngưng mua nên nông dân không bán được lúa và giá đi xuống là điều hiển nhiên.

Giá lúa sụt giảm, nông dân ĐBSCL rất lo.


Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, 80.024ha lúa Đông xuân ở tỉnh đã thu hoạch xong với năng suất 7,3 tấn/ha. Trong số này có hơn 60% diện tích trồng lúa thơm và lúa chất lượng cao.

Thế nhưng, thời gian qua các doanh nghiệp chỉ tập trung mua lúa thường IR 50404, trong khi lúa thơm và chất lượng cao rất ít mua, cộng với giá chênh lệch thấp nên nông dân rất rối.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, qua báo cáo của các huyện thì lượng lúa đang tồn đọng trong dân hàng trăm ngàn tấn, chủ yếu là lúa thơm và lúa chất lượng cao. Tỉnh đang đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh thu mua giúp dân, bởi 290.000ha lúa Hè thu cũng đang đồng loạt xuống giống, nhu cầu cần kinh phí để tái đầu tư cho vụ mới là rất lớn.

Hệ lụy của xuất khẩu gạo giá thấp

Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL nhìn nhận, việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, chỉ đẩy giá lên trong thời gian ngắn và chủ yếu nông dân sản xuất lúa thường loại IR 50404 tiêu thụ được. Sau khi xong tạm trữ thì lúa gạo quay trở về mức cũ, và tình hình tiêu thụ khó khăn hơn, đặc biệt là lúa thơm và lúa chất lượng cao.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng, thực tế cho thấy nông dân hưởng lợi từ cơ chế tạm trữ không bao nhiêu. Do đó, cần tính toán lại việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo bài bản hơn nhằm tránh tình trạng ùn ứ.

Theo các nhà chuyên môn, giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL thấp là do tác động của giá gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay quá thấp.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được các doanh nghiệp chào giá chỉ 390-400 USD/tấn, thấp hơn từ 40-50 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Ấn Độ, và thấp khoảng 150 USD/tấn so với gạo của Thái Lan; gạo 25% tấm của Việt Nam được chào bán giá 360-370 USD/tấn, thấp hơn 30 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Ấn Độ và thấp hơn 10 USD/tấn so với gạo của Pakistan…

Giá gạo xuất khẩu do các doanh nghiệp chào bán thấp nên giá mua lúa cho nông dân ĐBSCL thấp khoảng 1.000-1.200 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái là điều khó tránh khỏi. Điều trớ trêu là 3 tháng đầu năm 2013, khá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không lời, thậm chí lỗ do bán giá thấp vì phải cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…

Đáng lo ngại là 2 thị trường lớn Philippines và Indonesia bị mất khá nhiều, khiến không ít doanh nghiệp bị hụt chân. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhìn nhận, thị trường xuất khẩu gạo năm nay khó khăn dồn dập nên VFA chỉ nỗ lực thu mua hết lúa Đông xuân cho nông dân ĐBSCL, còn vụ Hè thu ở ĐBSCL đang gieo sạ hơn 1,68 triệu héc-ta với 9,2-9,3 triệu tấn lúa thì chưa lấy gì đảm bảo?

Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, xuất khẩu gạo lâu nay thiếu cái nhìn căn cơ dài hạn.

Ai cũng biết, gạo Jasmine của Thái Lan là hàng đầu thế giới nhờ chất lượng tuyệt hảo, trong khi gạo Jasmine của ta không thuần chủng, lẫn lộn khá nhiều, cộng với thời gian sản xuất ngắn chỉ 3 tháng, nên chất lượng không thể cạnh tranh được với Thái Lan.

Điều này cho thấy, thực tế xuất khẩu với định hướng sản xuất bị “lệch pha” nên ùn ứ lúa Jasmine là khó tránh khỏi. UBND các tỉnh ĐBSCL cho rằng, cơ chế thu mua tạm trữ dù có giúp giá lúa tăng nhẹ, nhưng sau đó giá giảm trở lại và nông dân hưởng lợi không nhiều. Về lâu dài nên xóa tạm trữ để tính hướng đi khác căn cơ hơn.

Thêm vấn đề bức xúc là trong lúc sản lượng lớn lúa thơm và lúa chất lượng cao tồn đọng, thì Bộ NN&PTNT tiếp tục khuyến cáo nông dân ĐBSCL hạn chế sử dụng các giống lúa phẩm cấp thấp, đẩy mạnh gieo sạ các giống chất lượng cao và lúa thơm phục vụ xuất khẩu với giá cao.

Ai cũng thấy, việc chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm vừa để nâng chất lượng hạt gạo, vừa tăng giá trị xuất khẩu, giúp nông dân trồng lúa thu về lợi nhuận nhiều hơn. Song, vấn đề trớ trêu là những khuyến cáo cũng như định hướng sản xuất của ngành nông nghiệp lại không được doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng ứng nhiệt tình.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, có thể nói sản xuất giống lúa nào cũng đạt năng suất cao.

Thế nhưng, định hướng nhu cầu thị trường thế giới cần loại gạo phẩm cấp cao, thấp, trung bình… thì ngành công thương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải nắm cụ thể và “đặt hàng” để ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất. Song, việc “đặt hàng” của các doanh nghiệp gần như rất hiếm, vì thế nông dân tự bơi, để rồi dẫn đến chuyện “dội chợ - rớt giá - khó tiêu thụ”.

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là hướng đi đúng để xóa tình trạng sản xuất kiểu cũ, tiến tới sản xuất lớn hiện đại theo hướng bền vững.

Giải quyết việc này, UBND các tỉnh ĐBSCL kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương bổ sung những quy định chế tài đối với 100 doanh nghiệp vừa được cấp phép tham gia xuất khẩu gạo trong thời hạn 5 năm.

Theo đó, nên quy định các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu gạo phải có năng lực như xuất từ 10.000 tấn/năm trở lên; đầu tư bao tiêu “cánh đồng mẫu lớn” từ 5.000ha trở lên, đây được xem là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nông dân và nền sản xuất lúa gạo bền vững.

Một khi các doanh nghiệp đồng loạt tham gia “cánh đồng mẫu lớn”, thì việc trồng giống lúa gì, vụ nào, bán ở đâu, giá bao nhiêu… sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Theo Hậu Giang Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh