Kinh tế chưa nhiều lạc quan

10:04, 02/04/2013

Kinh tế Vĩnh Long trong quý I/2013 có nhiều điểm sáng với tình hình sản xuất công- nông nghiệp có sự chuyển động đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những thách thức với vô vàn khó khăn đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt để hỗ trợ hiệu quả.


Kinh tế Vĩnh Long đã có sự chuyển động theo chiều hướng tích cực, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều.

Kinh tế Vĩnh Long trong quý I/2013 có nhiều điểm sáng với tình hình sản xuất công- nông nghiệp có sự chuyển động đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những thách thức với vô vàn khó khăn đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt để hỗ trợ hiệu quả.

Sản xuất khó khăn chứ không thuận lợi

Ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, sản xuất nông nghiệp khó khăn chứ không thuận lợi. Bởi theo ông, giá lúa đầu mùa có tăng, nhưng so năm rồi lại thấp.

Cây ăn trái phải đối mặt với nhiều loại sâu bệnh diễn biến phức tạp, mà đôi khi các nhà khoa học còn “chạy theo không kịp”. Việc tái đàn gia cầm, gia súc, thủy sản gặp khó. Trong khi thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản còn rất nhiều trở ngại.

Số liệu của ngành thống kê cho thấy, giá heo hơi đã giảm 10% so cùng kỳ năm ngoái, hiện ở mức 38.000- 40.000 đ/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, nên người nuôi bị lỗ từ 2.000- 4.000 đ/kg.

Giá bò giống tăng mạnh, quỹ đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò giảm, nguồn thức ăn tươi khan hiếm. Giá cá tra nguyên liệu giảm 17% so cùng kỳ năm trước, ở mức 22.000- 23.000 đ/kg, còn giá thành đã trên 23.000 đ/kg, nên người nuôi lỗ từ lỗ tới lỗ.

Kết quả điều tra chi phí sản xuất lúa Đông Xuân 2012- 2013 của Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long, cũng cho thấy chi phí đầu tư của vụ lúa Đông Xuân là 3.510 đ/kg, tăng 133 đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá lúa tươi tại ruộng chỉ 4.200- 4.700 đ/kg. Khi so sánh giữa chi phí sản xuất và giá bán, mỗi hecta lúa nông dân chỉ lời 4,5- 4,8 triệu đồng, giảm 4- 5 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm ngoái.

Hiện toàn tỉnh có 8.759ha nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng với tỷ lệ nhiễm 30- 80%; có 3.904ha bưởi bị sâu đục trái gây hại với tỷ lệ nhiễm 10- 30%.

Việc phòng trị sâu bệnh trên cây trồng thời gian qua theo đánh giá của ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- là chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

“Ngành nông nghiệp cần đưa ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục các loại sâu bệnh trên cây ăn trái, để người dân bớt hoang mang. Phải làm mạnh dạn, có giải pháp quyết liệt. Đến nay vẫn chưa đưa ra khuyến cáo và biện pháp phòng trị hiệu quả, chính xác”- ông Trương Văn Sáu nhận định.

Chính vì thế, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là sâu đục trái trên cây có múi, là nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm.

Trong khi đó, tình hình sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I/2013 tăng 12,12% so cùng kỳ năm trước; chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 2 tháng đầu năm tăng trên 15%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 15% so cùng kỳ, với các mặt hàng chủ lực: gạo tăng gấp 1,58 lần về sản lượng và tăng 33,99% về giá trị, giày da tăng 16,27%, hàng thủy sản tăng 6,16%... Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ phẩm công nghiệp tuy có cải thiện nhưng mức độ không lớn. Hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 99% so với cùng thời điểm năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2013 tăng 10,88% so cùng kỳ năm trước, đã có 29/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ có CPI bình quân trong quý tăng so cùng kỳ tác động làm cho CPI chung tăng 14,24%.

Vấn đề nợ xấu tuy đã được kéo giảm nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều. Tính đến 15/3, nợ xấu toàn địa bàn là 825 tỷ đồng, tăng so đầu năm 15 tỷ, chiếm 5,97%/ tổng dư nợ.

Một số ngành, lĩnh vực có tỷ lệ nợ xấu cao là: nuôi trồng, chế biến thủy sản 16,07%; kinh doanh bất động sản, xây dựng 12,79%; nông- lâm- thủy sản 7,5%... Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập BCĐ thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, tập trung giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Cần những giải pháp hỗ trợ hiệu quả

Theo ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành nông nghiệp đang khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn và sâu đục trái bưởi.
 
Đối với bệnh chổi rồng trên nhãn, ngành đã hướng dẫn người dân cách phòng trị, cắt đọt tỉa cành, hiện nhãn đang có dấu hiệu phục hồi. Ông Ái cũng đề xuất UBND tỉnh đặc cấp nghiên cứu đề tài phòng trị sâu đục trái trên bưởi. Ngành nông nghiệp tăng cường khuyến cáo nông dân các giải pháp phòng trị như: tiêu độc, vệ sinh vườn, bao trái...

Ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương, cho biết sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng nhiều sản phẩm truyền thống, thế mạnh của tỉnh có dấu hiệu giảm. Thời gian qua, sở đã có nhiều biện pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.


Động thái giảm lãi suất ngày 25/3 của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long- cho hay tình hình huy động vốn, cho vay trong 3 tháng đầu năm giữ tốc độ tăng trưởng khá. Tổng dư nợ cho vay đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 4,09% so đầu năm.

Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho 5.450 khách hàng, số dư nợ được cơ cấu lại nợ là 7.256 tỷ đồng, trong đó có 5.326 khách hàng được giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ 6.938 tỷ đồng. Các ngân hàng thực hiện tốt cho vay xuất nhập khẩu, thu mua tạm trữ lúa gạo, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác…

Lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh giảm. Lãi suất trần cho vay 11%/năm từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các món vay cũ trên 15%/năm đang tiếp tục được điều chỉnh.

Tín dụng cũng đã bắt đầu cho vay lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… Việc xử lý nợ xấu đang được thực hiện, quyết liệt rà soát các đối tượng để có giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ.

Tuy nhiên, ông Nghiệp cũng cho biết, có nhiều doanh nghiệp cơ cấu, gia hạn 4- 5 lần cũng không thanh toán được. Để giải quyết nợ xấu, doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại tài sản của mình.

Vĩnh Long thời gian qua đã có nhiều chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả không cao. Vì thế, tiếp tục thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Điều này đã được Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp nhấn mạnh: Phải khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, cần có giải pháp hiệu quả hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tái đàn gia súc, gia cầm, phòng trị dịch bệnh. Tiếp tục tháo gỡ cho doanh nghiệp như đầu tư vốn, khoanh nợ, trong giai đoạn đầu ra còn vô vàn khó khăn.

 

Chỉ số tồn kho cao thuộc các ngành: sản xuất cấu kiện làm sẵn cho xây dựng bằng xi măng, bê tông và ngành sản xuất thực phẩm tăng gấp 5,89 lần; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng gấp 2,82 lần; sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng gấp 2,64 lần; giày thể thao tăng 1,8 lần.

Bài, ảnh: LAN THƯƠNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh