Nông nghiệp chưa bền vững

07:04, 02/04/2013

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó: số doanh nghiệp phá sản tăng, hàng hóa ứ đọng, lạm phát tiếp diễn… thì nông nghiệp vẫn đứng vững, sản xuất ổn định, vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa có dư để xuất khẩu.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó: số doanh nghiệp phá sản tăng, hàng hóa ứ đọng, lạm phát tiếp diễn… thì nông nghiệp vẫn đứng vững, sản xuất ổn định, vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa có dư để xuất khẩu.
 
Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông- lâm- thủy sản ước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản đạt hơn 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nông nghiệp vẫn chưa thật sự phát triển bền vững và thu nhập của người nông dân vẫn thấp.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc phải quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phải thực sự khởi động quá trình phát triển theo chiều sâu, bắt đầu từ ngành nông nghiệp. Hiện Nhà nước vẫn cố giúp dân phần sản xuất như trồng cây gì, nuôi con gì, chỉ đạo thời vụ sản xuất, cấp nước… nhưng dân chủ yếu vẫn phải tự lo tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, nông dân lo nhất là thị trường và họ chỉ biết trông chờ vào doanh nghiệp. Nhưng ngay bản thân doanh nhân cũng chẳng muốn đầu tư vào nông nghiệp. Không ít doanh nghiệp chỉ chăm chăm “hớt váng, hớt ngọn” để thu lời, đẩy phần rủi ro cho người nông dân.

Lấy ví dụ tình hình tiêu thụ gạo năm nay được nhận định nhiều khó khăn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã điều chỉnh quy định đối với giá sàn (hay còn gọi là giá định hướng xuất khẩu) theo hướng không quản lý chặt, nhằm giúp khơi thông dòng chảy xuất khẩu gạo, “giải cứu” thị trường nội địa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, lợi nhuận của nông dân liệu có được bảo đảm? Khi mà, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, quý I/2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 1,4 triệu tấn, trị giá trên 616 triệu USD, tăng trên 34% về lượng nhưng giảm gần 6% về giá trị so với cùng kỳ.

Theo một số nhà chuyên môn, trị giá xuất khẩu gạo giảm đã phản ánh đúng thực tế việc doanh nghiệp hạ giá xuất khẩu để giành hợp đồng trong những tháng đầu năm nay.

Đã đến lúc các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cần phải có tầm nhìn thị trường toàn cầu và các tính toán rất thực tế, cụ thể để đưa ra định hướng đầu tư chuẩn xác cho nền nông nghiệp bền vững.

LÝ AN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh