Đối mặt với giá tăng

06:04, 05/04/2013

Chưa hết sốc sau các đợt tăng giá của điện, nước, xăng dầu và sữa… vào năm ngoái thì đầu năm nay, nhiều mặt hàng thiết yếu lại đua nhau tăng giá khiến người tiêu dùng vốn đã “thắt chặt chi tiêu” nay càng co bóp lại.


Giá tăng, người tiêu dùng lo lắng, ngày càng thắt chặt chi tiêu.

Chưa hết sốc sau các đợt tăng giá của điện, nước, xăng dầu và sữa… vào năm ngoái thì đầu năm nay, nhiều mặt hàng thiết yếu lại đua nhau tăng giá khiến người tiêu dùng vốn đã “thắt chặt chi tiêu” nay càng co bóp lại.

Tăng theo xăng dầu

Từ 20 giờ ngày 28/3/2013, Bộ Tài chính có văn bản thông báo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối được tăng giá tối đa thêm 1.430 đ/l, dầu diezel tăng 362 đ/l, dầu hỏa: 480 đ/l, mazút: 807 đ/kg.

Sau khi có hướng dẫn của bộ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam- đơn vị chiếm hơn 50 thị phần xăng dầu trong nước đã có thông báo mức giá mới xăng A92: 24.550 đ/l, diezel: 21.900 đ/l, dầu hỏa: 22.050 đ/l; mazút: 18.750 đ/kg. Sau đợt tăng giá này, nhiều hàng hóa cũng rục rịch tăng theo.


Dịch vụ vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng dầu.

Chịu ảnh hưởng trực tiếp là các dịch vụ vận tải, chuyên chở hàng hóa, xe ôm… Anh Thạch Bảo Lộc (Phường 4- TP Vĩnh Long) chạy xe ôm ở chợ Vĩnh Long cho biết, sau khi xăng tăng giá, anh cũng điều chỉnh giá xe tăng thêm 2.000 đ/km.

Anh chia sẻ: “Mấy mối quen thì có người thông cảm trả thêm tiền, người thì yêu cầu giữ nguyên giá cũ mới đi. Nhưng xăng tăng thì mình phải tăng chạy mới có lời”. Cũng chạy xe ôm, chú Trần Chí Hiếu (Long Phước- Long Hồ) nói: “Chỉ chạy được chừng 3- 4 cuốc/ngày nên xăng tăng thì phải tăng theo chớ nhiều người đi xe cũng than dữ lắm”.

Sau mấy ngày tăng giá xăng, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã rục rịch chuẩn bị chờ tăng giá cước.

Anh Nguyễn Thế Vinh- tài xế Taxi Mai Linh Vĩnh Long cho biết, cước taxi vẫn chưa tăng. Hiện giá xe 4 chỗ là 14.500 đ/km đối với 30km đầu, từ km thứ 31 trở đi là 11.000 đ/km; xe 7 chỗ: 16.500 đ/km đối với 30km đầu, từ km thứ 31 trở đi là 13.000 đ/km.

Tuy nhiên, theo anh Vinh, giá cước thường được điều chỉnh tăng theo những lần tăng giá xăng dầu trước đây. Lần này chắc cũng không ngoại lệ.

“Trước mắt, chúng tôi chia sẻ gánh nặng với hành khách nên tạm thời chưa tăng giá cước nhưng… đang chờ xem sắp tới giá xăng dầu có giảm xuống hay không?”- anh Đặng Thanh Măng- Giám đốc chi nhánh Phương Trang Vĩnh Long cho biết.

Ông Nguyễn Minh Giang- Chủ nhiệm HTX Xe khách Vĩnh Long cho biết, mấy ngày qua, nhiều chủ xe khách đang rất “nóng lòng” xin tăng giá. Tuy nhiên, do việc tăng giá đòi hỏi các thủ tục này nọ nên mới chưa tăng được.

 “Giá tăng, tăng mãi!”

“Ế lắm!” là trả lời chung của nhiều tiểu thương khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình mua bán do phần lớn người tiêu dùng ngày càng chi tiêu dè sẻn.

Chị Ngọc Phương- Tạp hóa Lợi (chợ Vĩnh Long) nói: Sau tết, nhiều mặt hàng thiết yếu như: các sản phẩm sữa, tã giấy Huggies, nước mắm Chinsu, dầu gội, dầu ăn... đều tăng giá bán. Tăng mạnh nhất là sữa và tã giấy. Riêng sữa, đầu tháng 3 tới nay, hầu hết các hãng đều báo giá tăng từ 7- 15%.

Chị Phương cho biết thêm, giá càng tăng thì sức mua ngày càng giảm, ngay cả sữa là mặt hàng thiết yếu cũng vậy. Nhiều người thu nhập thấp đã “nhịn đủ thứ để nhường con uống sữa” mà vẫn không chạy theo nổi giá tăng đành cho con “cai sữa”. Ngay như con chị cũng phải chuyển qua uống một nửa sữa bột, một nửa sữa tươi cho đỡ tốn.


Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu “nhạy cảm”, cần bình ổn giá.

Tối 28/3/2013, vừa nghe cô bạn điện thoại báo tin: “20 giờ hôm nay xăng tăng giá thêm 1.430 đ/lít”, Nguyễn Cẩm Nhung (Tân Hạnh- Long Hồ) phát hoảng: “Sao hồi chiều không cho hay sớm đặng mình ghé đổ xăng. Sao lần này tăng nhiều quá vậy?”

Sở dĩ Nhung lo lắng là bởi công việc thường phải đi công tác xa nhưng chỉ được khoán công tác phí 15.000 đ/lần đi. Nhung than vãn: “Kiểu này “viêm túi” nặng luôn. Rồi còn bao nhiêu thứ khác tăng theo. Vậy mà, nghe đâu sắp tới, giá điện còn tăng nữa. Trời ơi, giá tăng gì tăng mãi”.

Chị Trương Tuyết Nhung (Thạnh Quới- Long Hồ) buồn bã: “Vợ chồng tui thu nhập chỉ chừng 1 triệu đồng/tháng mà giá cái gì cũng tăng hoài hoài, không thấy giảm. Đủ thứ tiền điện, nước, sữa, xăng dầu… Riết rồi tiền chợ chừng 600.000 đ/tháng cũng không có đủ, cả nhà phải ăn uống kham khổ. Trông cho giá cả đừng tăng nữa”.

Thiết nghĩ, điệp khúc “giá tăng” đã trở thành nỗi ám ảnh và ngày càng làm tăng gánh nặng đối với người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp. Vì thế, rất cần có những biện pháp cụ thể để bình ổn giá, đặc biệt đối với những mặt hàng thiết yếu.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh