ĐBSCL có tiềm năng lớn nhưng những hạn chế, nhất là về hạ tầng, khiến các nhà đầu tư chưa “mặn” với vùng này. Nhưng sau khi kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 được công bố, ĐBSCL đã cho thấy một “phong độ” khác.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, kể cả trong khu vực nông nghiệp ở ĐBSCL.
ĐBSCL có tiềm năng lớn nhưng những hạn chế, nhất là về hạ tầng, khiến các nhà đầu tư chưa “mặn” với vùng này. Nhưng sau khi kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012 được công bố, ĐBSCL đã cho thấy một “phong độ” khác.
PCI 2012: Ấn tượng ĐBSCL!
Lần đầu tiên, tỉnh Đồng Tháp dẫn đầu PCI và tiếp bước với Đồng Tháp, có đến 5 tỉnh khác nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu là An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh. Ngoài ra, còn phải kể đến tỉnh Hậu Giang hạng 11, Cần Thơ hạng 14 và Long An ở vị trí 16.
So với năm 2011, những bứt phá trên là rất đáng kể. Chẳng hạn, Vĩnh Long đã từ thứ hạng 54 nhảy lên vị trí thứ 5, An Giang từ 19 lên 2, Kiên Giang từ 28 lên 6, Bạc Liêu từ 39 lên 7, Trà Vinh từ 42 lên 8, Hậu Giang từ 43 lên 11. Những bước nhảy vọt này cho thấy, các địa phương đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thời gian qua.
Ông Nguyễn Hữu Đệ- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, thông tin: Cùng với thời điểm công bố PCI 2012, VCCI cũng đã giới thiệu môi trường đầu tư của ĐBSCL tại Hà Nội. Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn và giới truyền thông.
Điều này được xem là bước khởi đầu tốt đẹp để ĐBSCL thu hút đầu tư và phù hợp với mục tiêu gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL trong năm 2013. PCI 2012 phản ảnh, các tỉnh ĐBSCL đã giữ được “phong độ” trong cuộc đua này.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh- chuyên gia kinh tế cao cấp, cũng cho rằng, những bứt phá trên cho thấy chính quyền các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã tạo được bước tiến mới ở sự cầu thị, đối thoại và cải cách nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết: ĐBSCL đang có lợi thế địa chính trị rất lớn với nhiều khả năng liên kết với Campuchia, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hiện ĐBSCL đã hình thành các chuỗi ngành, cụm ngành và có xu hướng tích tụ, thu hút các dịch vụ hỗ trợ phát triển.
Đây là địa bàn khá năng động với sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Hiện nay, các DN của Nhật Bản có xu hướng đầu tư vào ĐBSCL để tiếp cận với Campuchia. Bên cạnh, tiềm năng thu hút FDI vào ĐBSCL là khá lớn bởi dòng vốn này có sức lan tỏa mạnh theo quy luật từ miền Đông Nam Bộ vào TP Hồ Chí Minh rồi đến ĐBSCL.
Ngoài ra, thu hút được FDI giúp cải thiện nguồn nhân lực, nâng cao khả năng quản lý của DN. Cùng đó, cải cách thể chế là thế mạnh trong thu hút đầu tư và có đầu tư thì hạ tầng kỹ thuật, giao thông sẽ hình thành và dần hoàn thiện theo.
Nhận diện những rào cản
Tại buổi họp mặt DN hội viên VCCI thường niên, ông Nguyễn Hữu Đệ đánh giá, năm 2012 thật sự là một năm khó khăn đối với cộng đồng DN. Trong 51.000 DN thành lập mới thì số DN giải thể, ngừng hoạt động đã chiếm trên 40.000 DN. Riêng 2 tháng đầu năm 2013, cũng đã có 8.600 DN ngừng hoạt động, cao hơn số DN thành lập mới.
Kết quả khảo sát động thái DN năm 2012 của VCCI cũng cho thấy, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đều có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số, hàng tồn kho. Những nguyên nhân được xác định như các DN phải tái cấu trúc để tồn tại, lãi suất cao, tồn kho bất động sản cao…
Đối với ĐBSCL, những hạn chế về hệ thống cảng, dịch vụ hậu cần, quy hoạch đô thị, du lịch… cũng được cho là những trở ngại lớn để ĐBSCL thu hút đầu tư.
Doanh nghiệp và ngân hàng chưa tìm được tiếng nói chung là rào cản lớn cho phát triển kinh tế.
Ông Dương Quốc Xuân- Phó Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ nhìn nhận: Cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực, các chỉ số về giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong vùng còn thấp; kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào khai thác tiềm năng sẵn có là chính, tăng trưởng chưa ổn định và vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và DN trong vùng còn thấp, thu hút FDI còn hạn hẹp; tầm nhìn chiến lược trong phát triển vùng còn nhiều lúng túng, thiếu tập trung.
Từng tụt hạng PCI ở năm 2011, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL hiểu rằng, trong khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nếu không cải thiện về thể chế, thu hút đầu tư sẽ rất khó khăn. Trong khi các địa phương đã cố gắng cải thiện thứ hạng PCI, thì một trong những vấn đề nan giải hiện nay là DN tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn, lãi suất cao.
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, hiện nay ngân hàng đang “phòng thủ”, DN và ngân hàng vẫn còn “đường ai nấy đi”, trong khi chưa “gặp” được nhau thì rất khó để có được “tiếng nói chung”. Chưa kể, lâu nay các DN nhỏ và vừa luôn gặp khó trong tiếp cận vốn vay ngân hàng thì với tình hình hiện tại các DN này cũng không có nhiều hy vọng từ phía ngân hàng.
Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để tiếp cận vốn vay ngân hàng, các DN phải tạo được niềm tin và chứng minh được khả năng của mình, bởi xét cho cùng, ngân hàng cũng chỉ là 1 DN. Qua đó, ông đề nghị các hiệp hội ngân hàng và DN cần “ngồi lại”, xem xét xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN có hợp đồng, có thị trường nhằm phá “tảng băng” tín dụng, giải quyết nợ xấu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin