Giá khoai lang tăng trở lại sau một thời gian sụt giảm. Người trồng phấn khởi nhưng cũng không khỏi lo ngại: liệu giá khoai có lặp lại “kịch bản” sụt giảm như năm 2012 khi thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc?
Giá khoai lang tăng trở lại sau một thời gian sụt giảm. Người trồng phấn khởi nhưng cũng không khỏi lo ngại: liệu giá khoai có lặp lại “kịch bản” sụt giảm như năm 2012 khi thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc?
Xuất khẩu khoai vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hết khoai, giá tăng
Ở vùng “đất rẫy” huyện Bình Tân thời điểm này, giá khoai đang là chuyện thời sự. Bởi cách nay hơn tuần, giá khoai lang tím Nhật lên đến 1,5 triệu đồng/tạ (60kg) và theo ông Sơn Văn Luận- Chủ nhiệm Hợp tác xã Khoai lang Tân Thành (Bình Tân): Đến ngày 28/2, khoai lang tím Nhật đã giảm nhưng vẫn ở mức 850.000 đ/tạ, khoai lang đỏ 370.000 đ/tạ, khoai lang trắng 350.000 đ/tạ, khoai lang sữa 250.000 đ/tạ.
Tuy nhiên, theo nhiều người trồng, “khoai đang vào vụ nghịch nên giá tăng là đương nhiên”. Nhận định này cũng có lý, khi đi dọc Đường tỉnh 908 về vùng rốn khoai lang xã Tân Hưng, Tân Thành thời điểm này, ít thấy cảnh nông dân thu hoạch khoai rôm rả như thời điểm trước Tết Nguyên đán, mà chủ yếu họ đang chuẩn bị đất xuống giống vụ khoai mới.
Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân- cho hay: Tuần qua, toàn huyện đã xuống giống mới 281,9ha, nâng tổng diện tích lên 3.597,9ha, tăng 21,6ha so cùng kỳ. Trong khi đó, tổng diện tích khoai đã thu hoạch chỉ khoảng 142ha.
Đặc biệt, năm nay diện tích khoai tím Nhật lại tiếp tục tăng đột biến, chiếm 67,6% tổng diện tích khoai hiện có và chiếm 71,8% so cùng kỳ. Chính điều này, theo Thạc sĩ Võ Văn Theo là rất đáng lo ngại, bởi: “Loại khoai này chủ yếu xuất khẩu, nhưng trong điều kiện thị trường còn nhỏ hẹp thì rủi ro rất lớn nếu cung vượt cầu”.
Còn nhớ những tháng đầu năm 2012, vào thời điểm cuối vụ giá khoai lang tím Nhật đã tăng hơn 1 triệu đồng/tạ. Nông dân sang nhiều tỉnh khác mướn đất trồng, mở rộng diện tích. Riêng tại Vĩnh Long, diện tích xuống giống cũng hơn 8.000ha. Sau đó, cung vượt cầu, Trung Quốc giảm nhập khẩu nên giá khoai rớt thảm, chỉ còn khoảng 200.000 đ/tạ.
Thạc sĩ Võ Văn Theo cho biết: Sở dĩ giá khoai lang tím Nhật tăng cao do thị trường xuất khẩu (chủ yếu sang Trung Quốc) tiêu thụ hàng khá mạnh, trong khi đang vào vụ nghịch nên không đủ sản lượng khoai cung ứng.
Trong khi đó, những hộ trồng khoai sớm, năng suất đạt rất thấp, chỉ khoảng 20 tạ/công, bằng 50% so với trồng khoai chính vụ. Khoai được giá nên dây khoai giống cũng… ăn theo. Giá 10.000 dây khoai giống khoảng 1,8 triệu đồng.
Tìm thị trường mới cho khoai lang
Tìm thị trường mới, quy hoạch lại vùng trồng phù hợp đáp ứng yêu cầu thị trường là cấp thiết để phát triển vùng khoai một cách bền vững. Thạc sĩ Võ Văn Theo cho biết: Sở dĩ diện tích trồng khoai lang tăng là do vùng đất này phù hợp với khoai lang, nên tỉnh khuyến khích nông dân canh tác theo mô hình “2 màu, 1 lúa”.
Việc này hoàn toàn đúng với chủ trương tăng diện tích cây trồng mang lại hiệu quả cao để tăng thu nhập cho nông dân. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, trồng khoai lang thu lợi nhuận tăng gấp 3- 5 lần trồng lúa. Nếu khoai lang tím Nhật ở mức 200.000 đ/tạ thì vẫn có lời so với trồng lúa. Trong khi hiện nay giá khoai lang ở mức gần 1 triệu đồng/tạ, nên nông dân rất phấn khởi.
Ông Sơn Văn Luận cho biết: Hiện ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thông qua cung ứng hàng cho một công ty rau quả ở Bình Thuận, hợp tác xã còn xuất khoai lang sang thị trường Malaysia, Indonesia, Singapore với số lượng 30- 40 tấn/tuần, với điều kiện khoai tốt, không sâu bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm.
Hợp tác xã sẽ chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, “hợp tác xã còn đang ký hợp đồng cung ứng vài chục tấn khoai lang trắng mỗi tuần với một công ty thực phẩm ở Huế có vốn đầu tư của Nhật Bản để chế biến rượu khoai”.
Cũng theo ông Luận, để tránh thừa hàng dội chợ, năm nay hợp tác xã đã vận động xã viên cân đối sản xuất và chọn giống trồng. “Nếu như năm trước khoai lang tím Nhật chiếm tỷ lệ gần 100% diện tích đất trồng thì năm nay chỉ còn khoảng 50%. Do đó, không sợ hụt hàng các loại khoai khác”- ông Luận cho biết thêm.
Cách mà Hợp tác xã Khoai lang Tân Thành đang làm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, lượng khoai mà hợp tác xã xuất khẩu hiện còn quá ít so diện tích trồng.
Thạc sĩ Võ Văn Theo cho biết: Khoai lang Bình Tân sắp có thương hiệu là tín hiệu vui để có thể dễ dàng mở rộng thị trường xuất khẩu.
Song, định hướng lâu dài mà địa phương cũng đang thực hiện là quy hoạch vùng trồng, đa dạng giống. Phía người trồng phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP để đáp ứng thị trường và mở rộng xuất khẩu.
Ông Sơn Văn Luận: Với giá 850.000 đ/tạ khoai lang tím Nhật, sau khi trừ chi phí nông dân có lời trên 20 triệu đ/công. Lao động lựa khoai, trồng khoai thu nhập khoảng 200.000 đ/ngày. Đến mùa vụ, hợp tác xã giải quyết việc làm cho gần 100 lao động. Dự báo khoảng 2 tuần nữa sẽ bước vào thời điểm thu hoạch rộ và giá khoai sẽ ổn định, không biến động nhiều như năm trước. |
Bài, ảnh: TRUNG THÀNH - THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin