Tuần này, khởi động tăng dần thu phí ATM nội mạng

04:02, 26/02/2013

Ngày thứ Sáu, 1/3/2013, thu phí rút tiền nội mang qua máy ATM sẽ chính thức được áp dụng, khởi động cho việc thu phí ATM tăng dần theo từng năm. Hiện một số ngân hàng đã chủ động phân loại khách hàng để có mức ưu đãi phí.

Ngày thứ Sáu, 1/3/2013, thu phí rút tiền nội mang qua máy ATM sẽ chính thức được áp dụng, khởi động cho việc thu phí ATM tăng dần theo từng năm. Hiện một số ngân hàng đã chủ động phân loại khách hàng để có mức ưu đãi phí.

Gấp rút báo cáo biểu phí dịch vụ thẻ

Từ ngày 01/3/2013, Thông tư số 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 (Thông tư 35) quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo biểu khung mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa ( đi kèm theo Thông tư số 35):

Bắt đầu từ ngày 1/3/2012, Phí rút tiền nội mạng áp dụng cho năm 2013 tối đa là 1.000 đồng/giao dịch. Từ 1/1/2014, mức phí này sẽ tăng lên 2.000 đồng/giao dịch và từ 1/1/2015 sẽ là 3.000 đồng/giao dịch.

Phí rút tiền mặt ngoại mạng cao nhất vẫn là 3.000 đồng/giao dịch. Ngoài ra, thông tư còn cho phép các ngân hàng được thu phí chuyển khoản với mức tối đa 15.000 đồng/giao dịch.

Thông tư cũng quy định phí phát hành thẻ cao nhất là 100 nghìn đồng/thẻ (chưa bao gồm thuế VAT); Phí thường niên cao nhất là 60 nghìn đồng/thẻ chưa bao gồm thuế VAT).

Phí in sao kê tài khoản hoặc chứng từ vấn tin tài khoản được quy định bắt buộc nhưng ở mức thấp từ 100 đồng đến 800 đồng/sao kê, nhằm mục đích chủ yếu là hạn chế việc in sao kê tràn lan không cần thiết, lãnh phí.


Thu phí rút tiền nội mạng qua ATM sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/3/2013

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang gấp rút yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ phải báo cáo biểu phí dịch vụ thẻ theo quy định tại Thông tư 35.

Theo NHNN, đến nay, đa số các tổ chức phát hành thẻ đã xây dựng biểu phí này và báo cáo NHNN. Các biểu phí dịch vụ thẻ đều tuân thủ đúng biểu khung mức phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa ban hành kèm theo Thông tư 35.

Trong đó, đối với phí rút tiền mặt ATM nội mạng, nhiều tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí 0 đồng/giao dịch, 02 tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí từ 200 đồng đến 500 đồng/giao dịch và 10 tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí tối đa 1.000 đồng/giao dịch.

Cùng với đó, nhiều tổ chức phát hành thẻ cũng đã chủ động đề ra những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người lao động thu nhập thấp, sinh viên nghèo theo đúng hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 35.

Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức phát hành thẻ chấp hành tốt việc xây dựng, báo cáo và niêm yết công khai biểu phí dịch vụ thẻ theo quy định, hiện vẫn còn một số tổ chức phát hành thẻ chưa báo cáo biểu phí dịch vụ thẻ về NHNN.

Do vậy, để đảm bảo tính công khai minh bạch khi áp dụng thu phí, NHNN yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ khẩn trương hoàn thành biểu phí dịch vụ của đơn vị mình, báo cáo NHNN (Vụ Thanh toán) trước ngày 28/02/2013.

Trường hợp tổ chức phát hành thẻ báo cáo chậm thì phải chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN, đồng thời quy trách nhiệm cụ thể và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chủ động phân loại khách hàng để tính phí

Trả lời trên cổng thông tin NHNN về mức biểu phí mà các ngân hàng sắp áp dụng có thay đổi gì so với mức phí hiện hành, ông Bùi Quang Tiên- Vụ Trưởng Vụ Thanh toán- NHNN cho biết, đến nay, qua công tác tổng hợp báo cáo biểu phí dịch vụ thẻ của ngân hàng cho thấy, đa số các ngân hàng vẫn chưa thu phí rút tiền ATM nội mạng (áp dụng mức phí 0 đồng/giao dịch), một vài tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí từ 200 đến 500 đồng/giao dịch và một số còn lại thì áp dụng mức phí tối đa 1.000đồng/giao dịch.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng (NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam,...) cũng đã chủ động phân loại sản phẩm dịch vụ, phân loại khách hàng và đề ra những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với người lao động có thu nhập thấp (đặc biệt là công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, sinh viên nghèo,...), chẳng hạn: giảm 50% phí rút tiền mặt ATM nội mạng, giảm phí phát hành thẻ lần đầu, miễn, giảm phí thường niên,...

Khách hàng cần chia sẻ các sự cố ATM

Cũng theo ông Bùi Quang Tiên, việc thu phí dịch vụ thẻ nói chung, phí rút tiền ATM nói riêng chỉ là một trong các biện pháp giúp các NHTM có thêm động lực đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, duy trì và cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ.

NHNN cũng đã ban hành Thông tư 36 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của ATM, do đó, trong thời gian tới, chất lượng dịch vụ ATM chắc chắn sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, ông Tiên cũng cho rằng, để khẳng định sẽ không còn hiện tượng xếp hàng chờ rút tiền hoặc ATM bị trục trặc thì cũng không ai dám chắc chắn 100%.

“Tôi nghĩ chúng ta nên có cái nhìn khách quan hơn đối với vấn đề này vì không có một nhà cung ứng dịch vụ nào có thể khẳng định dịch vụ của mình là hoàn hảo và chắc chắn các ngân hàng cũng không muốn khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của mình. Hơn nữa, đối với dịch vụ ATM, chất lượng dịch vụ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của bản thân ngân hàng mà còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan khác như: Chất lượng các dịch vụ tiện ích bổ trợ cho dịch vụ thẻ như điện, viễn thông và áp lực giao dịch rút tiền dồn vào thời điểm trả lương, dịp Lễ, Tết,... “, ông Bùi Quang Tiên chia sẻ.

Theo VnMedia

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh