Thay đổi khẩu vị với thực phẩm chay

02:02, 22/02/2013

Sau tết, nhất là gần đến rằm tháng Giêng, nhiều gia đình chuyển sang các món ăn chay. Nhiều người tuy không là phật tử cũng chọn món chay vì vừa thay đổi khẩu vị vừa có lợi cho sức khỏe. Thị trường thực phẩm chay nhờ đó cũng bắt đầu nhộn nhịp.

Sau tết, nhất là gần đến rằm tháng Giêng, nhiều gia đình chuyển sang các món ăn chay. Nhiều người tuy không là phật tử cũng chọn món chay vì vừa thay đổi khẩu vị vừa có lợi cho sức khỏe. Thị trường thực phẩm chay nhờ đó cũng bắt đầu nhộn nhịp.


Món ăn chay được chế biến công phu và bắt mắt.

Một số loại thực phẩm chay đang được ưa chuộng như đậu hủ, mì căn, chả chay… có lượng tiêu thụ gấp đôi ngày thường. Dù hút hàng nhưng giá các loại thực phẩm chay tương đối ổn định. Cụ thể: tàu hủ ky cọng và lá: 105.000- 110.00 đ/kg, “bong bóng cá”: 120.000 đ/kg, nấm đông cô: 240.000 đ/kg, “sườn non”: 117.000 đ/kg, “gà lát”: 120.000 đ/kg, “bò lát”: 130.000 đ/kg…

Vừa loay hoay ghi đơn đặt hàng, anh Văn Võ Hùng- chủ quầy gia vị Ông Chuối- chợ Vĩnh Long nói: “Từ mùng 6 đến nay, quầy không ngớt đơn đặt hàng từ các huyện. Nhưng hút khách nhất là thời gian này, quầy có 7 người mà làm không xuể”.

Cô Lương Mỹ Hinh- nhân viên cửa hàng hóa chất, nguyên liệu thực phẩm Kiệt Hưng (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: Ngoài thực phẩm chay, nhiều loại gia vị, hạt nêm, nước mắm chay, nước tương chay (có thành phần từ rong biển, nấm, đậu nành…) cũng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Đang lựa mua tàu hủ ky, cô Ngọc (Long Hồ) nói: “Ngày rằm, tôi mua một ít về để dành ăn, thay đổi khẩu vị, lại tốt cho đường ruột”.

Dịp rằm, các quán ăn chay cũng thu hút đông đảo thực khách với thực đơn phong phú được chế biến công phu. Mở cửa chưa đầy năm nhưng quán chay Thiện Duyên (Phường 1- TP Vĩnh Long) đã được khá nhiều người biết đến. Đại diện quán ăn cho biết, đông nhất là các dịp lễ, rằm, quán chuẩn bị nhiều món “hơi cao cấp một chút” cho khách để tránh sự nhàm chán, như: hủ tiếu Nam Vang, lẩu mắm, lẩu nấm, lẩu Thái… với giá từ vài chục ngàn đến trên trăm ngàn đồng/phần.

Có kinh nghiệm 2 năm làm đầu bếp quán ăn lớn ở TP Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Dung- chủ quán thức ăn chay Út Dung (chợ Phước Thọ- Phường 8) cho biết: Thực phẩm chay càng ngày đa dạng về hình dáng, màu sắc, tên gọi… Đồ mặn có món nào thì sẽ có món chay thế ấy. Khoảng 1 tuần nay, lượng khách đến quán đã tăng lên gấp 2- 3 lần so với ngày thường. Từ 4 giờ sáng, cô đã phải thức dậy chuẩn bị nguyên liệu cho kịp giờ bán.


Anh Phan Anh Tuấn- chủ quán ăn Phật Viên (Phường 4- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Nấu món chay đòi hỏi công phu, khéo léo và cực hơn nhiều so với món mặn. Nguyên liệu sẵn có nhưng phải biến cách chế biến, kết hợp sao cho đầy đủ dinh dưỡng, không làm mất chất món ăn. Quan trọng hơn hết là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Chị Trần Thị Bích Tuyền- vợ anh Tuấn thì cho biết, để có những thực đơn ngon cần phải phối hợp nhiều nguyên liệu và gia vị khác nhau, nên đôi khi giá thành ngang hoặc đắt không kém món ăn mặn.

Chị Tuyền còn luôn tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều món mới. Để không nhàm chán khẩu vị cho thực khách, quán luôn chuẩn bị vài chục món ăn. Thưởng thức xong tô hủ tiếu chay, chú Nguyễn Văn Út (Tân Long Hội- Mang Thít) cho biết: “Ngán thịt mỡ quá, tôi ăn chay. Lâu lâu ăn thấy ngon, thanh đạm và dễ tiêu hóa hơn”.

Nhiều chủ quán ăn, cửa hàng thực phẩm chay đều cho rằng, ngày càng có nhiều người quan tâm đến thực phẩm chay. Như cô Dung nói, không ít khách hàng đến ăn thấy ngon, sau đó… ghiền ăn chay. Còn thực khách giải thích: gần đây do có nhiều tin đồn về thịt, cá có chứa các chất gây bệnh nên khiến người tiêu dùng tìm tới thực phẩm chay. Một phần do món chay có chi phí, nguyên liệu nấu khá rẻ, nhiều rau củ, có lợi cho sức khỏe.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh