Năm 2012 đầy sóng gió của nền kinh tế cả nước trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến hơn 49.000 doanh nghiệp (DN) giải thể và ngừng hoạt động, các DN vừa và nhỏ đối mặt vô vàn khó khăn.
Năm 2012 đầy sóng gió của nền kinh tế cả nước trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến hơn 49.000 doanh nghiệp (DN) giải thể và ngừng hoạt động, các DN vừa và nhỏ đối mặt vô vàn khó khăn.
Nền kinh tế của Vĩnh Long cũng không ngoại lệ, hàng loạt DN, ngành nghề điêu đứng. Vì thế, vấn đề tái cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả nổi lên như một nhiệm vụ hàng đầu. Đã đến lúc cần gạn lọc để tìm kiếm những thời cơ vàng trong cơn bão suy thoái kinh tế.
Những khó khăn, suy thoái trong kinh doanh vừa qua thật sự là một kinh nghiệm lớn cho những DN có quyết tâm “vượt bão”.
Trong cơn bão khủng hoảng
Chưa lúc nào các DN lại “rơi rụng” hàng loạt như trong năm qua. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long đã có 70 DN giải thể (gần gấp đôi năm 2011), 40 DN ngưng hoạt động với tổng số vốn trên 206 tỷ đồng. N
goài ra, số DN giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh, đăng ký kinh doanh nhưng không đăng ký thuế là 1.298 DN. Số lượng 407 DN đăng ký thành lập mới trong năm là tăng, nhưng nếu trừ đi 230 DN kinh doanh vàng đăng ký lại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thì con số “DN thành lập mới không đáng là bao” chỉ 177 DN, chưa bằng phân nửa năm trước.
Nhiều DN tiếng tăm lừng lẫy một thời với hàng loạt khu phố, khu thương mại, khu công nghiệp, khu nuôi thủy sản, nhà máy chế biến, cơ sở gạch gốm sầm uất... cũng trở nên lao đao, lận đận.
Nhiều nhà kinh doanh bất động sản “thú thiệt”: “Tôi bây giờ chỉ đi làm mướn kiếm ăn cho thợ thuyền, công nhân. Để họ theo mình trước nay, giờ bỏ bơ vơ tội nghiệp.”
Các DN đã trải qua một năm nhiều sóng gió, trong đó, nhiều DN duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. |
Có người nhanh chân hơn, đã “sang tay” để lại một cục nợ bất động sản nằm… bất động hàng vài hec ta cho người khác.
Có người làm gạch lỗ, bỏ gạch sang gốm, làm gốm hết lời, bỏ gốm sang nuôi cá, cá gặp khủng hoảng, bỏ cá đi… may quần áo gia công, đi làm nước đá, đi nuôi heo, nuôi gà. Có những cuộc “tháo chạy” thành công, nhưng cũng có những DN xấc bấc xang bang, như “cục nợ” đóng tàu, xà lan là một ví dụ.
Rồi đến lượt người lao động “tháo chạy”, khi hàng ngàn lao động mất việc làm ở những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, ở làng bè, ở các DN kinh doanh, đầu tư bất động sản.
Những người thợ lành nghề, gắn bó hàng chục năm với nghề bây giờ đành phải tha hương tìm một công việc mới. Một giám đốc DN xây dựng trong “top” nợ tiền thuế, bảo hiểm đã phân trần “DN rất khó khăn”, do không thu hồi được đồng vốn, đã phải cắt giảm đến 50% lao động, nhưng 5 tháng cuối vẫn “thiếu tiền trả lương”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng- Bí thư xã Nhơn Phú (Mang Thít), “vương quốc gạch” số 1 của huyện với 553 hộ và 1.087 miệng lò chuyên sản xuất gạch chiếm hơn phân nửa số lò của huyện, trăn trở: “Thời hoàng kim giải quyết đến 5.000 lao động, đóng góp ngân sách mỗi năm trên 5 tỷ đồng.
Nhưng giờ có đến 80% lò ngưng nghỉ. Rất nhiều gia đình dắt díu nhau đi thành phố, khu công nghiệp tìm việc, nhưng chỉ một số thích nghi được, một số phải quày quả trở về, cuộc sống rất bấp bênh”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo chủ trương của Chính phủ, từ quý II/2012, kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến tích cực.
Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, hàng tồn kho vẫn ở mức cao, nợ xấu tăng, đòi hỏi phải tiếp tục có các giải pháp đồng bộ để nền kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2013.
Tái cơ cấu vốn và đầu tư
Các nhà kinh tế nói, DN mình có cái khác hơn DN nước ngoài, đó là vay vốn ngân hàng mà kể là “vốn mình”. Trong khi đó, đây là “nợ” chứ không phải vốn. Cho nên, bây giờ, khi tái cơ cấu lại vốn đầu tư, cũng có nghĩa là cần tái cơ cấu lại… nợ.
Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, cho rằng: “Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Vĩnh Long đã quyết liệt xử lý nợ xấu bằng nhiều giải pháp. Như vấn đề cơ cấu lại nợ, ngân hàng cùng khách hàng tái cơ cấu tài chính DN, giúp DN bán bớt tài sản để thu hồi nợ.
DN đẩy mạnh bán hàng tồn kho, phải chấp nhận chịu lỗ để giảm bớt lãi suất ngân hàng. Ngân hàng dùng quỹ dự phòng xử lý nợ xấu, cơ cấu nợ ngắn hạn sang trung, dài hạn đúng quy trình, chứ không che giấu nợ xấu”.
Và để làm được điều đó, ông Nguyễn Trọng Nghiệp nhấn mạnh: DN và ngân hàng phải có đồng thuận.
Doanh nghiệp may mặc nỗ lực vượt khó để giữ công nhân lành nghề. |
Đến cuối năm 2012, theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, với sự quyết tâm rất cao đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu còn dưới 6%, so với mức 9,5% ở thời điểm cao nhất.
Vĩnh Long đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu còn dưới 6% trong năm 2012 |
Hàng tồn kho nhiều, bán không được là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Trong đó, lĩnh vực bất động sản nợ xấu rất cao, kế đó là đóng tàu- xà lan, có cả chế biến thủy sản…
Đầu tư tràn lan vào những lĩnh vực không chuyên môn cũng khiến làm ăn thua lỗ. Nên vấn đề hiện nay là phải tái cơ cấu đầu tư: thu gọn DN, chỉ đi vào lĩnh vực chuyên sâu, quen thuộc của mình.
Giám đốc một ngân hàng thương mại dứt khoát: “Lĩnh vực nào đầu tư không hiệu quả phải mạnh tay cắt ngay. Kinh doanh, đầu tư “lướt sóng” như thời gian qua thực sự là không bền vững”.
Đối với ngành ngân hàng, mà thực chất cũng là DN, năm nay cũng đã thấy rõ khó khăn. Sang năm 2013, Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Long Nguyễn Trọng Nghiệp cho biết: Các ngân hàng sẽ kéo giảm nợ xấu, cho vay mới sẽ thẩm định các dự án kỹ hơn.
Nếu Vĩnh Long có thêm ngân hàng mới, cũng ít thôi, vì “cái gì cũng cần có ngưỡng của nó”. Còn để hỗ trợ cho DN có điều kiện vay vốn, tái đầu tư, trong năm 2012, NHNN đã 4 lần cho giảm lãi suất. Hiện lãi suất huy động còn 8%, lãi suất cho vay cũng giảm nhiều.
Bước qua năm 2013, Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo giảm lãi suất cho vay từ 13% xuống còn 12%, ưu tiên 5 lĩnh vực: xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, và DN có công nghệ cao. Điều này nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào, giảm giá bán đầu ra cho DN.
Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Long nhận định: Tình hình kinh tế năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với lãi suất giảm, các chính sách từng bước cải thiện, tạo điều kiện cho DN vượt qua. Còn vốn thì không sợ thiếu.
Năm 2012 cũng là lần đầu tiên trong “lịch sử ngân hàng” tỉnh nhà đã cân đối được giữa vốn huy động và vốn cho vay, với mức huy động tăng 23%.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 của NHNN Việt Nam: “Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến lạm phát và các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ và ngoại hối; hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo Quyết định số 154/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đúng lộ trình đề ra, đảm bảo an toàn của hệ thống”. |
Bài, ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin