Nền kinh tế tiếp tục trải qua một năm đầy biến động, với hàng loạt khó khăn vây quanh doanh nghiệp (DN). Có DN bước qua được, nhưng cũng có nhiều DN phải vật lộn tìm kiếm lối. Dù sóng gió quyết không ngã tay chèo, trong khó khăn nhiều DN trong tỉnh đã tìm thấy cơ hội vượt lên phía trước.
Nền kinh tế tiếp tục trải qua một năm đầy biến động, với hàng loạt khó khăn vây quanh doanh nghiệp (DN). Có DN bước qua được, nhưng cũng có nhiều DN phải vật lộn tìm kiếm lối. Dù sóng gió quyết không ngã tay chèo, trong khó khăn nhiều DN trong tỉnh đã tìm thấy cơ hội vượt lên phía trước.
Vật lộn trong khó khăn
Bước vào năm 2012 với những áp lực lớn khi tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN trì trệ, hoạt động cầm chừng, hàng hóa không bán được. Một bức tranh kinh tế đã được phác họa đầy nét khó khăn.
Ngành gạch gốm ngày càng trống vắng. |
Các DN (bao gồm DN và các cơ sở) sản xuất gạch gốm trải qua 1 năm đầy sóng gió, hàng loạt DN ngưng hoạt động. Không còn hình ảnh nhộn nhịp và thịnh vượng của “vương quốc” gạch, gốm trước đây.
Thay vào đó, lò gạch lạnh queo, nhà xưởng vắng hoe, công nhân thưa thớt. Khép lại năm 2012, đã có 60% DN ngưng sản xuất, còn lại một số hoạt động yếu ớt, cầm chừng. Bà Hồ Thị Thắm- Phó Chủ tịch Hội Nghề gốm tỉnh, đúc kết: “2012 là năm khó nhất, khó hơn bao giờ hết!” Đầu vào “muốn nín thở”- như cách nói của một DN, khi nguyên vật liệu tăng giá vùn vụt; còn đầu ra “đắm đuối”, gạch khó cạnh tranh giá bán nội địa, thị trường xuất khẩu của gốm giảm đến 60%. Làm gạch gốm phá huề đã là mừng.
Khủng hoảng kinh tế thế giới như một “cơn địa chấn” đổ ập lên đời sống sản xuất, khiến nhiều DN mắc kẹt ngay trên đống tài sản của mình.
Thị trường bất động sản đóng băng, sản phẩm không tiêu thụ được, nhiều DN lâm vào tình cảnh khốn đốn, thiếu vốn, nợ ngân hàng, nợ thuế chồng chất, thu nhập người lao động giảm sút.
Dù “đây là việc ngoài ý muốn của DN”, nhưng hoạt động DN khó càng chồng thêm khó khi “ôm” cả đống nhà, cả đống đất, bán không ai mua. Có DN thủy sản nợ thuế tiền tỷ do nguyên liệu ế, bờ bao sạt lở “cá bơi hết ra sông”. Có DN hàng nông sản xuất khẩu không được, buộc phải tiêu hủy…
Trong bối cảnh đó, nhiều DN tìm lối thoát cho mình trước những áp lực về lãi suất ngân hàng, thị trường tiêu thụ. Một số DN gốm đã nhanh tìm hướng đầu tư khác như nuôi cá, nuôi heo, nuôi gà, trồng thanh long…
Trong khi một số DN trở lại làm gạch nung, hoặc hoạt động cầm chừng, hoặc phá sản. Hàng chục ngàn công nhân mất việc phải chuyển sang ngành nghề khác.
Ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh, nhận định: “Năm qua ngành thủy sản gặp vô vàn khó khăn, nhất là người nuôi cá tra luôn bán cá dưới giá thành. Giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 20.000-22.000 đ/kg, trong khi giá thành đã lên tới 24.000 đ/kg, người nuôi cá cầm chắc lỗ 2.000- 4.000 đ/kg, tùy thời điểm”.
Tiết kiệm, nâng cao năng suất lao động là quyết sách hàng đầu của Vĩnh Tiến |
Đối với ngành nghề sử dụng nhiều lao động, trình độ không cao, nữ chiếm đa số như ngành may, theo ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến, DN cũng phải vật lộn đối phó với chi phí tăng cao.
Dù có một số thuận lợi hơn ngành khác, nhưng năm 2012 cũng là năm khó khăn của ngành may do thị trường hàng hóa không dồi dào như những năm trước. Đơn hàng không lớn, thiếu ổn định, giá đơn hàng không tăng, DN giữ được sản xuất đã là tốt.
“Mở đường máu” để vượt lên
Đối với Vĩnh Tiến, ông Tuệ cho rằng DN phải tìm mọi cách để duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một trong những cách đó là tổ chức lại các khâu tổ chức, quản lý, bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý… nhằm tiết kiệm triệt để chi phí. Đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ mới, nâng cao trình độ lao động để tăng năng suất cũng đã được thực hiện.
Cùng với các chính sách về giảm giãn thuế, hỗ trợ lãi suất ưu đãi của nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho DN duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều DN đã tự vượt lên, tìm cơ hội trong khó khăn.
Theo ông Điền Hòa Tâm: Nghề cơ khí ở tỉnh lẻ phải đa dạng sản phẩm mới trụ nổi. Ảnh Vinh Hiển |
Ông Điền Hòa Tâm- Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí- Thương mại- Xây dựng Mười Tâm, chia sẻ kinh nghiệm: “Thời khó khăn phải giảm giá thành, tăng chất lượng.
Muốn vậy, phải có máy móc thiết bị chuyên dùng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm, giảm chi phí”. Bước tạo đà này giúp nhanh chóng bắt nhịp nhu cầu thị trường, không chuyên sản phẩm nào mà “cái gì cũng làm, thị trường muốn gì phải làm cái đó. Nghề cơ khí ở tỉnh lẻ phải đa dạng sản phẩm mới trụ nổi”.
Ảnh Vinh Hiển |
Đa dạng sản phẩm cũng là giải pháp mà các DN chuyên ngành nước chấm ở Vĩnh Long chứng tỏ sự năng động và sáng tạo của mình, trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Nhiều DN nhanh nhạy đã tìm được hướng ra, chẳng hạn DNTN sản xuất nước chấm Hòa Hiệp có nước tương protein “không có 3MCPD”, nước mắm 60 độ đạm.
Trong khi, có DN “đi một bước táo bạo, mạnh dạn đầu tư quy trình sản xuất hiện đại, cải tiến mẫu mã và chất lượng, theo quy trình ISO 22000”- ông Nguyễn Minh Vũ- Giám đốc DNTN Hồng Hương bảo vậy.
Và kết quả của quá trình đó là “sản phẩm nước mắm Gia Hỷ 60 độ đạm, không phải ai cũng sản xuất được.
Người tiêu dùng ngày càng coi trọng sức khỏe, đòi hỏi bữa ăn phải chất lượng. Đây là sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ăn ngon, ăn an toàn của họ”.
Từ đây cho thấy đã có những điểm sáng trong hoạt động của DN. Tuy nhiên, những hạn chế của DN về quy mô, vốn khiến DN đang gặp vô vàn khó khăn.
Theo số liệu đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 3.261 DN đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân khoảng 4,7 tỷ đồng/ DN. Phần lớn sản phẩm của DN qua sơ chế là chính, hàm lượng công nghệ thấp nên chưa tạo ra giá trị gia tăng cao.
Với hầu hết DN thuộc loại nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm thương trường. Bên cạnh, sự hoạt động mang tính đơn lẻ, chưa phát huy tính hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh cũng là những trở ngại để DN có thể vượt qua khó khăn khi gặp biến động.
Được dự báo khó khăn vẫn còn tiếp nối, nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như quyết tâm thật cao từ DN để có thể tiếp tục vững vàng bước vào năm 2013.
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin