
Công nghệ, kỹ thuật ngày càng tiên tiến cho ra đời hàng loạt các sản phẩm hiện đại, tính năng vượt trội, giá cả hợp lý để chiếm lĩnh thị trường. Sự “chuyển mình” của công nghệ đã khiến cho một số nghề mất chỗ đứng do không chịu nổi sức ép, dần bị xóa sổ. Nhưng cũng có những người “không chịu để mất” mà tìm hướng đi phù hợp với thời đại…
Công nghệ, kỹ thuật ngày càng tiên tiến cho ra đời hàng loạt các sản phẩm hiện đại, tính năng vượt trội, giá cả hợp lý để chiếm lĩnh thị trường. Sự “chuyển mình” của công nghệ đã khiến cho một số nghề mất chỗ đứng do không chịu nổi sức ép, dần bị xóa sổ. Nhưng cũng có những người “không chịu để mất” mà tìm hướng đi phù hợp với thời đại…
“Hấp hối” vì công nghệ
Những năm gần đây, với sự phát triển, nâng cấp và ra đời liên tục các loại điện thoại di động, máy tính bảng cùng các thiết bị kỹ thuật số đã khiến cho máy nhắn tin; điện thoại bàn; đồng hồ; máy ghi âm; máy quay phim và chụp hình (loại dùng phim nhựa)… rơi vào tình trạng “hấp hối” và có khả năng bị “khai tử” trong tương lai không xa.
Công nghệ làm thay đổi cuộc sống
Chính thức ra đời ngày 3/4/1973, tại Việt Nam, điện thoại di động mới phổ biến từ những năm cuối thế kỷ XX và dần phổ thông, khiến nhiều thợ sửa đồng hồ phải “ngồi chơi, xơi nước”, do tính năng hiển thị giờ, báo thức… đã được cài sẵn.
Nghề sửa đồng hồ đã có thời hưng thịnh, doanh thu vài chỉ vàng mỗi tháng bởi nhu cầu xem giờ giấc, báo thức và thể hiện “đẳng cấp” của chủ sở hữu... Trị giá mỗi chiếc đồng hồ có khi lên đến mấy chỉ vàng, thì nay nó được sản xuất đại trà, có loại rẻ như… “đồ chơi” nên có hư thì bỏ…
Qua 45 năm gắn bó với nghề “cha truyền, con nối”, chú Phan Thành Cơ- tủ sửa đồng hồ Minh Hà (chợ Vĩnh Long) chia sẻ: Mấy năm gần đây, khách sửa đồng hồ đã giảm đi một nửa. Lớp trẻ giờ cũng chẳng mặn mà với việc tỉ mỉ chỉnh sửa từng con ốc, cây kim bé xíu... Trước đây, mỗi ngày tôi sửa khoảng 10 cái đồng hồ, nay giỏi lắm là được 3- 4 cái, nhưng chủ yếu là thay pin chứ chẳng còn ai đeo đồng hồ dàn cơ, tự động…
Nghề sang băng hay còn gọi là thu (thâu) băng cát sét và băng từ, một thời “ăn nên làm ra” nhờ đáp ứng các nhu cầu giải trí: nghe (xem) nhạc, tân cổ, cải lương, phim, karaoke… cũng bị công nghệ “bức tử”, bởi sự ra đời và chiếm lĩnh thị trường của loại đĩa CD, VCD, DVD hay hiện đại hơn nữa là thẻ nhớ, USB, ổ cứng nhỏ gọn nhưng sức chứa “khủng”.
Lại thêm sự bùng nổ của Internet, chỉ cần nhấp chuột hay “chạm” màn hình là có thể tuyển chọn, tải về những tác phẩm ưng ý chỉ trong tích tắc. Theo chị Nguyễn Thị Xuân Trang- một chủ tiệm sang băng và sửa điện tử ở chợ Trường An (TP Vĩnh Long): Giờ chỉ một vài khách quen tới thâu kinh, thuyết pháp và thu tiếng chim cúm núm (đi bẫy chim). Hầu như không còn người tới sửa máy cát sét.
Nghề làm lồng đèn, đồ chơi thủ công… bị “lấn át” bởi đồ chơi hiện đại. Nghề bơm quẹt gas cũng “chết đứng” bởi giá bơm gas, thay đá cho ống quẹt cũ đã bằng giá mua quẹt gas mới.
Búa máy được dùng thay cho kiểu quay búa thủ công.
Cuộc đua “sinh tử”
Chiếc xe lôi đạp một thời của miền Tây cũng dần “nhường đường” cho xe máy. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chú Huỳnh Văn Ba (Phường 9- TP Vĩnh Long) kể: Trước đây, ở Vĩnh Long có đến mấy trăm người chạy xe lôi đạp. Nay, đa số đều chuyển sang chạy xe máy ôm, chỉ còn đôi ba người “lựa thế, nhìn trước nhìn sau mà chạy” nhất là dịp chợ tết, chủ yếu là chở hàng, vì xe lôi đạp khá cơ động, có thể len lỏi các ngõ ngách, chở hàng đến tận nhà.
Nhiều lò rèn vẫn đỏ lửa nhờ biết chuyển đổi thích ứng với công nghệ.
Bị “áp đảo” bởi hàng loạt sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý là nghề rèn. Nông nghiệp được cơ giới hóa cũng là lúc các sản phẩm rèn dần mất “chỗ đứng”. Công nghệ rèn “sắt cặp thép” vang danh một thời, nay đã lỗi thời. Nhiều người đã bỏ nghề bởi quy luật tất yếu của thị trường, nhưng nhiều lò rèn vẫn “đỏ lửa” và không ngừng phát triển. Bởi, các sản phẩm mới tuy “bắt mắt” nhưng xét về độ bén, bền... thì thua xa các loại dao rèn. Để tồn tại, mỗi lò rèn tự phát huy thế mạnh với các sản phẩm riêng.
Những ngày cuối năm, trở về lò rèn 5N (thị trấn Cái Tàu Hạ, Châu Thành- Đồng Tháp), chúng tôi thấy ấm lòng khi lò vẫn đỏ lửa, các nhân công ai cũng tất bật với phần việc của mình để kịp giao hàng tết cho khách.
Vừa tranh thủ cắt thép, anh Trần Khánh Nhựt- chủ lò rèn cho biết: “Tui vừa trang bị thêm búa máy, thay cho kiểu quai búa thủ công, giảm bớt sức lao động, tăng thêm năng suất, mẫu mã sản phẩm rèn cũng tinh xảo và đẹp hơn. Tuy nhiên, các công đoạn còn lại vẫn còn thủ công và “mắt thợ” là yếu tố vô cùng cần thiết bởi nhìn vào là biết sản phẩm dư chỗ nào và thiếu chỗ nào để chỉnh cho hoàn hảo...”
Với anh Nhựt và cả những người yêu nghề rèn, “để sản phẩm làm ra được người tiêu dùng tiếp nhận thì cần phải đặt hết cái tâm vào đó và coi nó như đứa con tinh thần của mình”. Hơn bao giờ hết, tinh hoa nghề rèn được “thổi bùng” lên trong vất vả, niềm đam mê. Để tồn tại, họ đã chuyển đổi sao cho thích ứng với thị trường.
Hơn 130 năm tồn tại, “ông vua phim nhựa” Kodak chính thức nộp đơn xin phá sản. Mặc dù đã nhận định đúng về xu hướng tiêu dùng, nhưng Kodak lại không thể kiểm soát thị trường máy ảnh kỹ thuật số và để các hãng camera nước ngoài gạt ra ngoài cuộc đua. Rồi đến một ngày, kỹ thuật số cũng sẽ bị thay thế bằng một cái gì đó tốt hơn, rẻ hơn, đỡ tác hại môi trường hơn và tiếp tục sẽ có những ngành nghề bị loại khỏi cuộc chơi… |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin