
Bình Minh đang có bước chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ, từ vùng đất thuần nông hướng tới đô thị công nghiệp- thương mại và dịch vụ. Cùng với việc phát huy lợi thế sẵn có, Bình Minh đã “mở rộng cửa” đón chào các luồng đầu tư trong và ngoài nước với những dự án tạo đột biến cho thị xã trẻ năng động bên dòng sông Hậu.
Bình Minh đang có bước chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ, từ vùng đất thuần nông hướng tới đô thị công nghiệp- thương mại và dịch vụ. Cùng với việc phát huy lợi thế sẵn có, Bình Minh đã “mở rộng cửa” đón chào các luồng đầu tư trong và ngoài nước với những dự án tạo đột biến cho thị xã trẻ năng động bên dòng sông Hậu.
Kinh tế Bình Minh đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng CN- dịch vụ- thương mại.
Từ thị trấn xóm nghề
Nhắc đến Bình Minh, người ta nghĩ ngay đến thị trấn xóm nghề: xóm tàu hủ ky, xóm nhang, xóm chao, xóm bầu cải, xóm lu, xóm lò tương, xóm guốc, xóm nấu bắp, xóm đan rổ… Nhiều xóm nghề hình thành và tồn tại đã hơn nửa thế kỷ, trong đó, có nghề vẫn lặng lẽ tồn tại cùng nhịp sống hiện đại, nhưng cũng có nghề đã mãi đi vào ký ức.
Xóm guốc vông xuất hiện từ thập niên 1950 của thế kỷ XX, guốc Bình Minh một thời nức tiếng gần xa. Giai đoạn huy hoàng nhất là những năm 1955-1960, cả xóm thành công xưởng sản xuất guốc. Ghe, tàu cập bến nhập hàng tấp nập.
Xóm guốc giờ đây chỉ còn trong tiềm thức của những người lớn tuổi. Xóm tàu hủ ky có mặt từ rất lâu trên mảnh đất Cái Vồn, do người Hoa mang tới. Nghề làm tàu hủ ky hưng thịnh nhất là vào những năm trước 1975. Về sau tuy thăng trầm nhưng những thế hệ nối tiếp vẫn cố gắng duy trì nghề cho đến ngày nay. Sản phẩm của xóm nghề cũng là “đặc sản” khi nhu cầu tăng cao, khách đặt hàng làm không kịp.
Đồng bào dân tộc Khmer ở Đông Bình từ hơn 30 năm qua cũng góp vào thị trấn xóm nghề một sản phẩm độc đáo: cốm dẹp. Nguyên liệu quan trọng nhất, muốn có loại cốm dẻo, thơm cần phải có nếp thuần chủng. Nếp vừa chín tới, người dân ra đồng gặt, tuốt và đem về lựa chọn những hạt nếp to, chắc để dành làm cốm.
Ngày nay, đến với Phù Ly, du khách có thể cùng người dân rang nếp, giã cốm trong không gian làng quê yên ả. Trong khi đó, xóm nhang cũng là xóm lâu đời ở xứ sở xóm nghề Cái Vồn.
Sản phẩm nhang được làm từ nguyên liệu sẵn có trong vùng. Người dân tự mua tre về chẻ tăm, mua lá gòn phơi khô rồi xay thành bột… Nghề làm nhang thủ công ngày nay vẫn còn nhiều gia đình giữ nghề, nhưng phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn với sản phẩm công nghiệp (CN).
Chính vì thế, để vực dậy những xóm nghề truyền thống, theo ông Nguyễn Thành Liêm- Phó trưởng Phòng Kinh tế Bình Minh, hướng tới hỗ trợ các ngành nghề truyền thống trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thành lập các tổ hợp tác, đầu tư thiết bị… tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Điểm đến đầu tư xanh
Hoạt động sản xuất CN- TTCN và xây dựng có tốc độ phát triển ngày càng cao. Quy mô ngày càng được mở rộng với nhiều ngành nghề đa dạng và tập trung mạnh vào các lĩnh vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông hải sản, sản xuất hàng may mặc, hàng tiêu dùng và hướng mạnh vào xuất khẩu…
Theo ông Nguyễn Thành Liêm, khi Khu CN Bình Minh lấp đầy- hiện có 9 nhà đầu tư (NĐT) thuê đất, trong đó 5 NĐT đi vào hoạt động, 4 NĐT đang triển khai dự án- sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ cho CN Bình Minh tăng tốc. Khu CN Đông Bình đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng, với quy mô 350ha, tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý, phát triển CN của Bình Minh ưu tiên các lĩnh vực sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, như: chế biến nông sản- lương thực- thực phẩm, chế biến rau quả và các sản phẩm từ trái cây; chế biến thủy sản; các sản phẩm từ chăn nuôi; công nghiệp hàng tiêu dùng, bao bì, CN hóa chất và sản xuất chế biến dược, vật tư y tế và một số ngành khác ít ô nhiễm môi trường….
TX Bình Minh trên bến, dưới thuyền.
Ngoài những lợi thế là vệ tinh quan trọng của TP Cần Thơ, gần cảng Cái Cui, sân bay Trà Nóc… Bình Minh còn có những “nội lực” như khu dịch vụ kho cảng, cảng Bình Minh. Đặc biệt, ông Liêm cho rằng: “Hệ thống cơ sở hạ tầng đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn chỉnh chính là lợi thế rất lớn để NĐT đến với Bình Minh”.
Cùng với đó, Bình Minh khuyến khích đầu tư vào các cụm- tuyến CN- TTCN. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, NĐT đầu tư công nghệ mới sản xuất đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tập trung sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, vừa sử dụng được tiềm năng về nguyên liệu tại chỗ vừa giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội.
Phát huy lợi thế tiếp tục đẩy nhanh phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dịch vụ đào tạo nghề, dịch vụ sửa chữa, dịch vụ tài chính công, bưu chính viễn thông, vận tải công… các loại hình thương mại dịch vụ ở các tuyến lộ, khu CN, khu dân cư nông thôn…
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Biên- Phó trưởng Phòng Kinh tế cho rằng Bình Minh có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái đang chờ các NĐT “đánh thức dậy”. Đó là những khu vườn bưởi Năm Roi Mỹ Hòa danh tiếng, vườn thanh trà Đông Thành trái vàng óng ả khó nơi nào có được, mận xanh Đông Bình xanh mướt, những cánh đồng xà lách xoong, khoai lang đặc sản… Mà ở đó, du khách có thể đắm mình vào không gian xanh bình yên miệt vườn, trải nghiệm cuộc sống nông dân và thưởng thức đặc sản tươi rói do tự tay mình hái.
Đó là những phác thảo đầy sống động của một thị xã trẻ Bình Minh, cho thấy một nền kinh tế xanh đang hình thành. Chào thị xã Bình Minh với những tiềm năng và thế mạnh đã và đang được đánh thức!
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin