Kiên Giang: Nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa

06:02, 25/02/2013

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của một số mặt hàng nông - thủy sản chủ lực tại thị trường trong nước và thế giới.

 

 

Sầu riêng Việt Nam rất thu hút khách
nước ngoài (Ảnh minh họa: HNV) 

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của một số mặt hàng nông - thủy sản chủ lực tại thị trường trong nước và thế giới.

Tỉnh khuyến khích và phát động phong trào sáng tạo “Xây dựng thương hiệu nông - thủy sản Kiên Giang”, tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo “Vì thương hiệu nông - thủy sản Kiên Giang”, với những sản phẩm chủ lực, đặc trưng theo hướng khoa học, thiết thực kết hợp thông tin, giới thiệu và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; giao lưu, giới thiệu thương hiệu nông - thủy sản với khách hàng tại các hội chợ trong nước, quốc tế.

Trước mắt, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu các sản phẩm đã được bảo hộ tiêu chuẩn và quy chế quản lý nhãn hiệu như: dứa Tắc Cậu, mắm cá lưỡi trâu, sầu riêng Hòa Thuận, bánh tráng Thạnh Hưng, khoai lang Bông Súng, măng cụt Cái Bé, rượu đế Tân Hiệp, rượu đế Đường Xuồng…; đăng ký xây dựng thương hiệu các loại gạo đặc sản, các loại thủy sản, bánh Thốt Nốt và chó Phú Quốc.

Tỉnh đầu tư chiều sâu cho thương hiệu nông - thủy sản, nhất là nhãn hiệu hàng hóa, nhằm tạo dựng thói quen giữa sản phẩm và người tiêu dùng; tập trung đầu tư môi trường truyền thông tiếp thị, nhận thức về thương hiệu trong cộng đồng gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; xây dựng và bảo vệ thương hiệu những mặt hàng có khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu, lợi thế cạnh tranh cao như: gạo, tôm và một số loại thủy sản khác.

Sản phẩm nông sản của tỉnh Kiên Giang khá đa dạng, nhất là lúa và thủy sản. Năm 2012, sản lượng lúa đạt trên 4,2 triệu tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm gần 80% sản lượng; sản lượng khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 548.182 tấn, trong đó tôm nuôi trên 40.000 tấn. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu vào thị trường các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở tỉnh Kiên Giang chưa quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Chính vì vậy, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2012 là 1 triệu tấn, nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với các loại gạo của Thái Lan và sản phẩm thủy sản hàng hóa cũng tương tự.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp chưa biết cách thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Doanh nghiệp của tỉnh phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm trên 90% nên hạn chế về tài chính, không thực hiện được thông tin, quảng bá thương hiệu có quy mô và lâu dài.
 
Một số sản phẩm nông - thủy sản được chứng nhận bảo hộ, nhưng sản phẩm hàng hóa sản xuất còn ít, khó duy trì và phát triển thương hiệu. Nhiều sản phẩm nông - thủy sản có lợi thế của tỉnh chưa đăng ký bảo hộ, chưa xây dựng thương hiệu nên giảm giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường./.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh