Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tình hình kinh tế năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, song lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang mở ra những cơ hội mới ở những thị trường thu nhập cao và một số thị trường có khả năng tiếp nhận nhiều LĐ phổ thông đã có nhiều thay đổi về chính sách có lợi cho LĐ nước ngoài.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tình hình kinh tế năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, song lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang mở ra những cơ hội mới ở những thị trường thu nhập cao và một số thị trường có khả năng tiếp nhận nhiều LĐ phổ thông đã có nhiều thay đổi về chính sách có lợi cho LĐ nước ngoài.
Năm 2013, Bộ LĐ-TB-XH đặt mục tiêu đưa 85.000 người đi XKLĐ. Trong tổng số 80.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài năm 2012, số LĐ sang 4 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia chiếm 70%.
LĐ tìm hiểu thị trường XKLĐ tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Vĩnh Long.
|
Năm nay, bên cạnh phấn đấu đưa 60.000 LĐ sang 4 thị trường này, Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích các doanh nghiệp khai thác thị trường mới, thị trường thu nhập cao để tăng lượng và chất cho XKLĐ.
Đầu tháng 1/2013, chương trình đưa điều dưỡng Việt Nam sang làm việc tại Đức đã chính thức được khởi động.
Mặc dù mới chỉ là thí điểm với số lượng 100 ứng cử viên nhưng thông tin Việt Nam được phép đưa điều dưỡng sang Đức làm việc với mức lương từ 50- 55 triệu đồng/tháng đã mở ra những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực XKLĐ trong những tháng đầu năm 2013.
Ở thị trường Malaysia, từ 1/1/2013, đã tăng mức lương tối thiểu cho LĐ đồng thời các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam cũng có sự lựa chọn đối tác kỹ hơn, đảm bảo đủ các điều kiện tốt mới đưa LĐ sang.
Theo Cục Quản lý LĐ ngoài nước, Đài Loan là thị trường tiếp nhận LĐ Việt Nam lớn nhất trong năm 2012, với khoảng 30.500 người. LĐ Việt Nam tham gia thị trường này làm việc trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất chế tạo, cơ khí, may mặc, nông nghiệp, đồ mộc...
Lương cơ bản khoảng 8- 9 triệu đồng. Đối với LĐ tại nhà máy, công trường làm thêm 2 giờ trong ngày bình thường được trả thêm 33% lương mỗi giờ; làm thêm các giờ tiếp theo được trả thêm 66% lương mỗi giờ; làm thêm ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ phép được trả lương gấp 2 lần ngày thường.
Ngoài Đài Loan, Macau (Trung Quốc) cũng là thị trường thu hút nhiều LĐ Việt Nam, nhất là LĐ có nhu cầu đi làm giúp việc gia đình. Hiện, theo ước tính, có khoảng hơn 10.000 LĐ Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại đây.
LĐ Việt Nam được đánh giá là cần cù chịu khó, song ngôn ngữ cũng như các kỹ năng khác lại còn hạn chế hơn so với LĐ đến từ Trung Quốc, Philippines, Indonesia. LĐ đi làm giúp việc, được chủ sử dụng chu cấp miễn phí nơi ăn, ở và tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Việc khôi phục lại thị trường Hàn Quốc, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm LĐ ngoài nước cho biết nhằm giải quyết tình trạng LĐ bỏ trốn, tới đây sẽ áp dụng các biện pháp tài chính để ràng buộc trách nhiệm của NLĐ. Theo đó, trước khi xuất cảnh, NLĐ phải đặt cọc một khoản tiền.
Khoản trợ cấp thôi việc (mỗi năm làm việc một tháng lương) của NLĐ cũng sẽ bị giữ lại, chi trả sau khi hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn. “Phía Hàn Quốc ghi nhận và đánh giá cao các biện pháp chống trốn của chúng ta. Cơ hội nối lại thị trường Hàn Quốc là rất lớn” - ông Minh nói.
Dự kiến tháng 2 tới, Bộ LĐ và Việc làm Hàn Quốc sẽ công bố hạn ngạch tuyển dụng LĐ năm 2013. Nếu lệnh dừng tuyển được tháo bỏ, Việt Nam sẽ có cơ hội đưa 12.000- 15.000 LĐ sang Hàn Quốc trong năm 2013.
Năm 2013, Cục Quản lý LĐ ngoài nước cũng sẽ tuyển dụng thí điểm và từng bước đưa LĐ sang CHLB Đức; đa dạng hóa hình thức đi làm việc ở nước ngoài như thỏa thuận về chương trình LĐ kỳ nghỉ với NewZealand, Australia… Cục cũng đang thúc đẩy ký được Hiệp định hợp tác LĐ với Liên bang Nga, Lào, Thái lan…
Việc này sẽ tạo cơ hội tốt hơn cho LĐ Việt Nam sang làm việc tại các nước này. Điều then chốt cần phải trang bị cho LĐ là trình độ ngoại ngữ tốt và ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật, đây là điểm yếu nhất của LĐ Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài.
Tại Vĩnh Long, năm 2013, phấn đấu đưa 450 LĐ xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Theo đó, ngành LĐ- TB- XH tỉnh tiếp tục phát triển thị trường XKLĐ; phối hợp cùng trung tâm giáo dục định hướng cho người LĐ có ý thức, kỷ luật, tuân thủ hợp đồng và chấp hành các quy định của pháp luật khi có nguyện vọng đi XKLĐ; đổi mới công tác đào tạo, tạo nguồn xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ;…
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm 2013 của ngành LĐ-TB-XH tổ chức vào đầu tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về XKLĐ, đồng thời chấn chỉnh việc ký kết, thẩm định hợp đồng nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập và an toàn cho NLĐ.
Bên cạnh đó, từng bước chuyển đổi, khai thác thị trường mới, thị trường thu nhập cao, tăng dần LĐ có tay nghề đi làm việc ởnước ngoài.
Bài, ảnh: HẠ NGHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin