“Dọn nhà” đón đầu tư

07:02, 11/02/2013

Nếu như năm hết tết đến mọi người đều rộn ràng chuẩn bị “dọn nhà dọn cửa” để đón xuân thì môi trường đầu tư tại Vĩnh Long, rộng hơn là cả ĐBSCL cũng cần một luồng gió mới để đón đầu tư.

Nếu như năm hết tết đến mọi người đều rộn ràng chuẩn bị “dọn nhà dọn cửa” để đón xuân thì môi trường đầu tư tại Vĩnh Long, rộng hơn là cả ĐBSCL cũng cần một luồng gió mới để đón đầu tư.


Mặt bằng sạch là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư.

Lời nhắc nhở từ chỉ số PCI

Còn nhớ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đều rớt hạng. Trong đó, Vĩnh Long nhiều năm liền ở nhóm rất tốt, năm 2011 rớt 45 bậc (từ thứ hạng 9 còn 54). Giảm mạnh nhất ở các chỉ tiêu tính năng động, tiên phong của lãnh đạo. Tiếp đến là dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đào tạo lao động, tiếp cận đất đai.

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp   Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ, nguyên nhân từ sự lơ là, chủ quan của một số tỉnh trong vùng, trong khi để cải thiện và tăng được thứ hạng PCI rất cần sự bền bỉ và quá trình liên tục, không được thỏa mãn với những gì đã đạt được.

Trong tương lai, để thu hút đầu tư, phát triển DN, ĐBSCL phải có những giải pháp hữu hiệu trong giải quyết bài toán nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. “Sự sụt giảm thứ hạng PCI năm 2011 chính là lời nhắc nhở đối với các địa phương trong vùng”- Tiến sĩ Võ Hùng Dũng nhấn mạnh.

Riêng Vĩnh Long, trong năm 2012 toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 355 DN với số vốn 546 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 2.375 DN hoạt động với tổng vốn đăng ký 10.470 tỷ đồng. Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong năm gặp không ít khó khăn nhưng cũng đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của tỉnh gần 8%.

Năm qua tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 25 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau khi đàm phán có 7 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.669 tỷ đồng (trong đó có 2 dự án FDI với số vốn 14,3 triệu USD), so năm 2011 tăng 445,6 tỷ đồng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 309 dự án còn hiệu lực (22 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.126 tỷ đồng và 134 triệu USD. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, qua đó đã giúp cho các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu thêm về tiềm năng, chính sách, môi trường đầu tư, các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư của tỉnh...

Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2012- 2015 với 36 dự án trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vụ, thể thao và du lịch với tổng mức vốn đầu tư ước khoảng 17.670 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm Vĩnh Long đã tổ chức Hội chợ Triển lãm thương mại hữu nghị Kampongspeu- Vĩnh Long có 70 đơn vị tham gia với 116 gian hàng, doanh số ước đạt 2 tỷ đồng.

Cải thiện, đón đầu tư

Ông Nguyễn Văn Diệp- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhìn nhận nền kinh tế của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định do nội lực còn kém trong thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển còn thấp nên các tiềm năng thế mạnh của tỉnh chưa được phát huy đúng mức.
 
Ông nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là phải có môi trường đầu tư thân thiện cởi mở gần gũi, quan tâm và hỗ trợ DN thì nơi đó mới thật sự hấp dẫn và thu hút được nhà đầu tư. Cộng đồng DN đóng vai trò rất quan trọng. Việc quan tâm nghiên cứu và tạo điều kiện cho DN phát triển, lớn mạnh đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế là mục tiêu, là nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh.

Theo đó, Vĩnh Long tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà trọng tâm là tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội.

Cụ thể, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn, chuẩn bị kỹ địa bàn, lĩnh vực và dự án ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, cải tiến thủ tục hành chính, đất đai, đầu tư, kinh doanh, huy động mọi tiềm năng và liên kết các thành phần kinh tế để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Hiệu- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Khó khăn chung hiện nay của cả ĐBSCL và Vĩnh Long nói riêng là chi phí đầu tư khá cao vì vướng tới đất nông nghiệp. Do đó nhiều nhà đầu tư còn ngán ngại. Vậy nên cần có chính sách hỗ trợ Trung tâm Khai thác và Phát triển quỹ đất huy động nguồn vốn tạo quỹ đất công, tạo mặt bằng sạch mời gọi đầu tư hiệu quả.


Cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư hiệu quả hơn.

Còn ông Lê Phước Thiện- Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, góp thêm: Việc quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp đã thực hiện đôi lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nên chăng chỉ quy hoạch chung, định hình diện mạo các cụm công nghiệp để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và có những thay đổi phù hợp với yêu cầu của DN hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Phan Anh Vũ, năm 2013, tiếp tục ra soát DN, khuyến khích DN sử dụng công nghệ cao, chuyển đổi công nghệ trong sản xuất. Cải thiện môi trường đầu tư trên cơ sở mở rộng sản xuất và đầu tư mới.

Chú trọng cải cách hành chính trong khâu đầu tư, tạo môi trường thu hút đầu tư nhanh, gọn, giảm bớt chi phí, thời gian, rà soát chính sách đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp, đồng thời chú ý tăng tính năng động, nhạy bén của lãnh đạo.

Vĩnh Long đã đề ra kế hoạch đến năm 2015 là huy động mọi nguồn lực nhằm tăng cường khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững. Theo đó, thu hút  45.000 tỷ đồng vốn đầu tư của khu vực DN dân doanh và 5.500 tỷ đồng từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).  nhằm góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh