Để tiếng thơm nông sản Việt vang xa

06:02, 13/02/2013

Tiếng ở đây không phải là tiếng vang thuần túy mà là cái tiếng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Làm được điều này đã khó, giữ vững GlobalGAP càng khó hơn.

Tiếng ở đây không phải là tiếng vang thuần túy mà là cái tiếng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Làm được điều này đã khó, giữ vững GlobalGAP càng khó hơn.


 Đặc sản đồng bằng bao giờ mới rời chợ nhà vươn ra thế giới?

Vất vả để được tiếng thơm

Bởi tiếng thơm đã có nhưng chưa đủ sức vang xa. Đáng tiếc hơn, nhiều sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP nhưng lại không đủ tiền để tái chứng nhận tiêu chuẩn này.

Hơn 2 năm trước, Hợp tác xã (HTX) Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh) đã để mất chứng nhận GlobalGAP chỉ sau 1 năm vì không tiền để tái chứng nhận. Nay tới lượt HTX Chôm chôm Tân Khánh (Tích Thiện- Trà Ôn) nhiều khả năng cũng “chung xuồng”. Trước đây, để có được giấy thông hành GlobalGAP, 41 xã viên của HTX Chôm chôm Tân Khánh phải phấn đấu ròng rã gần một năm trời mới có thể vượt qua nhiều lần đánh giá nghiêm ngặt và Nhà nước phải tốn kinh phí hơn 350 triệu đồng. Vậy mà giờ đây, HTX lại đứng trước nguy cơ mất chứng nhận GlobalGAP.

Theo ông Nguyễn Văn Lập- Chủ nhiệm HTX Chôm chôm Tân Khánh, HTX cần tái chứng nhận GlobalGAP nhưng HTX hiện không thể xoay xở số tiền hơn 150 triệu đồng để làm điều này. Mất GlobalGAP thì mọi cố gắng trước nay coi như đổ sông đổ biển.

HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa- đơn vị từng được và mất GlobalGAP, nhắc đến điều này, ông Nguyễn Văn Nghĩa- Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cũng cho rằng, đối với HTX mới sắp xếp lại như giờ, muốn làm lại GlobalGAP thì không đủ khả năng.

Tuy chưa được cấp chứng nhận, nhưng lâu nay khoai lang Bình Tân cũng đã tạo được tiếng vang. Nhưng tiếng vang thôi chưa đủ mà nông sản Việt cần khẳng định thương hiệu, ổn định đầu ra. Do thiếu những yếu tố trên mà khoai lang Bình Tân trải qua một năm đầy bất trắc khi thương nhân Trung Quốc quỵt tiền nông dân, rút êm về nước, khiến không ít hộ trồng khoai lao đao. Việc người dân quá phụ thuộc vào đối tác bên ngoài mà không ý thức việc liên kết sản xuất, tạo dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nên đã trả giá đắt cho một bài học không mới mẻ.

Lâu nay, cam sành Tam Bình cũng nức tiếng gần xa nhưng cũng bao phen lao đao vì được mùa rớt giá. Là một nông dân trồng cam sành khá thành nhưng ông Nguyễn Mười Anh (Hòa Hiệp- Tam Bình) nhận thấy hiện nay cây cam sành nhiều rủi ro dịch bệnh, nhiều nơi người dân trồng manh mún nên giá cả không ổn định ngay cả khi xử lý cam vụ nghịch.

Giữ vững thương hiệu

Ông Phạm Hoàng Lâm- thành viên Ban điều phối đề tài (Viện Cây ăn quả Miền Nam ) cho rằng: Đăng ký thương hiệu là con đường duy nhất để nông sản Việt hội nhập, khẳng định vị thế vững chắc, ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho nông dân. Nếu để mất “tiếng” do không đủ tiềm lực tài chính để tái chứng nhận thương hiệu thì quả là điều đáng tiếc.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Trọng Danh cũng khẳng định sản xuất theo hướng GAP rất cần thiết trong hội nhập và cạnh tranh. Tuy sản phẩm được khẳng định tên tuổi nhưng đây chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình lâu dài, mà để theo đuổi nó cần có sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía. Và, thương hiệu được giữ vững thì lợi ích mang lại là rất lớn.


Trái ngon đồng bằng luôn đạt thứ hạng cao trong các kỳ đấu xảo.

Sau sự cố thương nhân Trung Quốc “chơi xấu”, mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học- Công nghệ) chấp nhận việc đăng ký nhãn hiệu tập thể Khoai lang Bình Tân. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi thời gian qua, giá cả khoai lang thường bấp bênh, nông dân trồng khoai phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Vì vậy, việc đăng ký và được chấp nhận nhãn hiệu tập thể, để dần tiến tới xây dựng được thương hiệu khoai lang Bình Tân trên thị trường, nhất là thị trường ngoài nước sẽ giúp cho nông dân tìm kiếm cơ hội làm ăn bền vững, lâu dài.

Lâu nay, con cá tra cũng đã làm nên tên tuổi đồng bằng nhưng luôn vướng rào cản kỹ thuật khi xâm nhập thị trường quốc tế. Bị ép giá trong thời gian dài, cả ngành từ chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu mặt hàng này lâm vào cảnh khốn khó.

Tín hiệu lạc quan cho con cá tra Vĩnh Long năm nay là Trại giống Thủy sản (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long) được chứng nhận GlobalGAP. Theo bà Trần Thị Cúc- Trưởng Trại giống cho biết: Đây sẽ là trợ lực đáng kể cho các cơ sở ương, nuôi cá tra thương phẩm đã được chứng nhận GlobalGAP cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong, ngoài tỉnh.

Trước đó, trại nuôi cá tra 10ha của Công ty Biofeed tại ấp Đông Hậu (Ngãi Tứ- Tam Bình) cũng được chứng nhận thực hành nuôi cá tra tốt toàn cầu. Đây cũng là trại nuôi cá tra đầu tiên của tỉnh được chứng nhận giấy thông hành vào thị trường thế giới, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Thạc sĩ Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Để đột phá trong phát triển nông nghiệp cần chọn sản phẩm chủ lực để có hướng đầu tư và tiêu thụ, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh quy mô lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản. Nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất, nhất là các mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP.

Tuyên bố chung tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL- MDEC Tiền Giang 2012 vừa qua đã nhất trí kiến nghị Chính phủ rà soát cơ chế, chính sách cho các sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, trái cây của vùng, hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng, bền vững. Hy vọng với những động thái tích cực của ngành chức năng, cùng với nhận thức đúng đắn của người dân chăm lo gầy dựng thương hiệu, hàng hóa nông sản ĐBSCL sẽ vững bước hội nhập.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh