
Năm 2013, dự đoán tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nên việc lắng nghe ý kiến, tìm giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp (DN) ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh là đặc biệt cần thiết. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức họp mặt DN.
Tham gia hội chợ là một trong những giải pháp giúp DN quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường…
Năm 2013, dự đoán tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nên việc lắng nghe ý kiến, tìm giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp (DN) ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh là đặc biệt cần thiết. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức họp mặt DN.
DN trình bày nhiều thắc mắc, kiến nghị
Tại buổi họp mặt, ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh hy vọng cộng đồng DN, doanh nhân phát huy nhiệt huyết, bản lĩnh, chủ động sáng tạo, vượt qua khó khăn, chung tay góp sức cùng địa phương phát triển kinh tế tỉnh nhà. Đồng thời, yêu cầu các DN thẳng thắn “nói lên sự thật những trở ngại của mình”.
Qua đó, các DN đã trình bày nhiều thắc mắc, kiến nghị xoay quanh các vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất ngân hàng, mặt bằng để mở rộng sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, giãn- giảm thuế,…
Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ và Hiệp hội Công thương kiến nghị: Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ nhiều hơn trong công tác xúc tiến thương mại, khuyến công. Ngoài các ưu đãi của Chính phủ, tỉnh cần có cơ chế chính sách sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ vì hiện một số gói hỗ trợ của Chính phủ chưa đến tay DN.
Nhiều DN trình bày các vướng mắc trong hoàn thuế, yêu cầu được gia hạn thời gian nộp thuế, được thông tin kịp thời về những chính sách, quy định mới… Đại diện Công ty TNHH Tư Thạch (Mang Thít) chia sẻ: Mấy năm qua, công ty gặp nhiều khó khăn, làm ăn không hiệu quả nên xin gia hạn thêm thời gian để nộp dần thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN còn nợ.
Đồng thời, xin miễn giảm số tiền phạt chậm nộp thuế. Ngoài ra, hiện công ty không tiếp cận được vốn vay nên “đề nghị miễn đóng lãi 2 năm để có nguồn vốn tái sản xuất”.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại dịch vụ Thành Hiệp cũng cho biết: Tình hình sản xuất gốm gặp nhiều khó khăn. DN chủ yếu tận dụng lao động tại địa phương, song hiện chỉ có khoảng 30 lao động làm việc tạm thời. Do đó, yêu cầu được hướng dẫn làm thủ tục để giảm- giãn thuế…
Các DN cho biết “rất khó tiếp cận vốn vay” bởi: lãi suất cao, thủ tục phiền hà, phải trả thêm phụ phí cao… Đại diện Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ du lịch Vinh Sang (Long Hồ) nêu ý kiến: cần có số liệu cụ thể đã hỗ trợ bao nhiêu DN; vai trò của ngân hàng trong việc hỗ trợ DN.
Chủ DNTN Chế biến thực phẩm thương mại Hồng Hương thì nói: tình trạng mất điện thường xuyên (với thời gian ngắn) làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất và chất lượng sản phẩm của cơ sở. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, tình hình lưu thông tại các xã cù lao đến các điểm du lịch còn phức tạp…
Ngoài ra, đại diện các đơn vị còn trình bày nhiều vấn đề khác đáng quan tâm như: cần cơ cấu lại nợ cho DN; thường xuyên mở các cuộc đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, các sở ngành với DN để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn; tổ chức hội thảo, giao lưu xúc tiến thương mại để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận thị trường mới…
Tập trung gỡ khó
Tại buổi họp mặt, đại diện nhiều sở ngành liên quan đã giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị và ghi nhận ý kiến các DN.
Về thắc mắc của DN liên quan đến các gói hỗ trợ của Chính phủ trong năm qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Trong năm 2012, không có gói hỗ trợ nào của Chính phủ thông qua ngân hàng đến DN cả. Tuy nhiên, Thủ tướng có chỉ đạo cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất ưu đãi 11%.
Theo đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho vay 487 tỷ đồng đến 4.400 khách hàng chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất và nuôi cá tra với lãi suất 10%... Ngoài ra, sẽ ghi nhận ý kiến các DN về phân loại nợ và kiến nghị với thống đốc.
Cần kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong ảnh: Đoàn khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty CP May Vĩnh Tiến vào đầu năm 2012.
Bên cạnh, để góp phần gỡ khó cho DN, Sở Kế hoạch- Đầu tư đưa ra một số chỉ tiêu và giải pháp cho năm 2013. Theo đó, các DN cần nghiên cứu chuyển hướng thích hợp, có kế hoạch rà soát, tái cơ cấu lại DN.
Cụ thể, tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sử dụng nguyên liệu tại địa phương; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học vào sản xuất…
Song song đó, các đơn vị có liên quan cần quan tâm theo dõi, khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động, giúp DN giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời; rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung hoặc thay thế các quy định không còn phù hợp với thực tế, hướng dẫn và có biện pháp giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh như: vốn, hải quan, thủ tục đất đai, xây dựng môi trường, đăng ký đầu tư…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Diệp cho rằng: Năm 2013, mặc dù có thêm thuận lợi từ các cơ chế chính sách mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sẽ còn rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN. Do đó, DN cần quyết tâm hơn, có kế hoạch sản xuất phù hợp, chú trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm…
Bên cạnh đó, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho DN như: có giải pháp cụ thể để giải quyết mặt bằng cho DN; tập trung tháo gỡ các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, dự án; thực hiện tốt chính sách giãn- giảm thuế cho DN; tiếp tục kiến nghị để khoanh nợ, khoanh lãi… tạo điều kiện cho DN tiếp tục vay vốn; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho DN; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá và phát triển thương hiệu…
Ông nhấn mạnh “UBND tỉnh sẽ luôn đồng hành, luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để các DN phát triển ổn định– bền vững”.
Bài, ảnh: THẢO ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin