
Những khó khăn của năm 2012 đã được nói nhiều và đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Nhiều DN cho rằng cũng có những thời điểm cơ hội thuận lợi xuất hiện và họ kịp thời nắm bắt. Dù vậy, DN vẫn “sợ lắm” hàng loạt chi phí tăng trong năm 2013 này, đó là chi phí tiền lương, nguyên- phụ liệu đầu vào, giá điện- xăng- dầu thiếu ổn định…
Những khó khăn của năm 2012 đã được nói nhiều và đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Nhiều DN cho rằng cũng có những thời điểm cơ hội thuận lợi xuất hiện và họ kịp thời nắm bắt.
Dù vậy, DN vẫn “sợ lắm” hàng loạt chi phí tăng trong năm 2013 này, đó là chi phí tiền lương, nguyên- phụ liệu đầu vào, giá điện- xăng- dầu thiếu ổn định… Nhất là những DN sử dụng nhiều lao động.
Công nhân làm việc tại Công ty CP May Vĩnh Tiến. Ảnh: VINH HIỂN
Toan tính chi phí
Ông Nguyễn Việt Trung- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tỷ Xuân (Khu công nghiệp Hòa Phú), cho biết trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng, như chi phí tiền lương tăng lên rất nhiều, nhưng các đơn hàng vẫn giữ giá cũ. Biết chỉ huề vốn đến lỗ, nhưng vẫn nhận để lao động có việc làm.
Với khó khăn này, DN phải tăng cường công tác quản lý và thực hành tiết kiệm để giảm chi phí. Trước đây, lò hơi sử dụng chất đốt dầu FO đã thay bằng đốt củi để giảm 50% chi phí. Không chỉ khuyến khích toàn thể công nhân viên tiết giảm điện nước, mà DN cũng có hành động quyết liệt.
Như trước đây, mọi sinh hoạt đều sử dụng nước máy, “chúng tôi thấy nước thủy cục mà dội bồn cầu lãng phí quá, nên đã xử lý nước bẩn để tái sử dụng vào việc tưới cây, dội cầu. Trước mắc bóng đèn 1,2m cho toàn khu vực sản xuất, giờ lắp đặt bóng nhỏ gắn ngay tại bàn may của công nhân.
Vừa đảm bảo đủ ánh sáng, vừa tiện lợi cho công nhân, khi nào dùng thì bật lên không dùng thì tắt ngay”- ông Nguyễn Việt Trung nói, tất cả đều nhằm thực hiện mục tiêu tiết kiệm. Chẳng hạn giao chỉ tiêu sản xuất 100 đôi giày cho các xưởng, giám đốc nào điều hành tốt, giảm chỉ tiêu về điện sẽ được thưởng, điều chỉnh nâng lương. Ngược lại, có hình thức xử lý riêng.
“Chống lãng phí không nói chung chung mà phải làm một cách triệt để”- ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến, quả quyết như vậy. Cũng như Tỷ Xuân, DN Vĩnh Tiến cũng đặt ra mục tiêu tiết kiệm để đối phó các chi phí liên quan sản xuất đều tăng: như giá điện vẫn trong lộ trình biến động giá tăng; chi phí về giao thông ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển rất nhiều; giá vật tư nguyên- phụ liệu đầu vào… cũng tăng theo. Giải pháp vẫn là tiết kiệm.
Theo đó, tổ chức lao động hợp lý, sử dụng thời gian “sống” hiệu quả để hạn chế giãn ca, tăng ca, vừa tạo cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, còn DN giảm được phí tăng ca. Công ty cũng đã thuê chuyên gia kiểm toán về điện, chỗ nào sử dụng chưa hợp lý thì phải điều chỉnh ngay.
Cùng các biện pháp sử dụng bóng đèn tiết kiệm là thay thế máy móc, thiết bị tiết kiệm điện, bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý... Nhờ vậy, năm 2012 tiết kiệm 10% chi phí về điện và mục tiêu này vẫn tiếp tục phát huy. Để giảm chi phí vận chuyển, xe lên xuống phải có hàng, từ nhà máy lên TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Tăng hiệu quả
Thật ra, không phải đợi “nước tới chân mới nhảy”, mà các DN đã có bước chuẩn bị từ trước và sẵn sàng đối mặt khó khăn.
Tại Công ty CP May Vĩnh Tiến, việc đào tạo nguồn nhân lực nâng cao trình độ quản lý, kiến thức cho người lao động đã được quan tâm từ rất lâu.
Công ty đã mở lớp phổ cập cấp 2 bổ túc văn hóa (32 người) dành cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, đi làm sớm có điều kiện phổ cập hết cấp 2. Còn lớp cao đẳng may (41 người) là để tạo nguồn cán bộ quản lý trong tương lai, tạo nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc cho lực lượng kế thừa.
Mới đây, công ty phối hợp Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức tin học cho 116 cán bộ quản lý của công ty. Theo ông Nguyễn Xuân Nam- Phó Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến, bồi dưỡng kiến thức tin học nhằm nâng cao trình độ nhận thức cho người lao động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới.
Ứng dụng tin học vào thực tế sản xuất, giúp người quản lý nắm chắc kiến thức, tạo ra nhiều sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, giúp DN giảm chi phí. Đặc biệt, còn tạo điều kiện cho người lao động tăng thu nhập và ngày càng gắn bó hơn với công ty.
Tổ chức sản xuất hợp lý, tiết kiệm nguyên- phụ liệu là một trong những giải pháp Công ty CP May Vĩnh Tiến áp dụng để giảm chi phí. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Điều này góp phần giúp DN có đơn hàng ổn định, ông Nguyễn Minh Tuệ cho biết hiện DN đã có đơn hàng đến hết quý I/2013 và đang đàm phán tiếp quý II. “Phải tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất thì mới tồn tại được”- ông Nguyễn Minh Tuệ nói.
Tương tự, ông Nguyễn Việt Trung cũng cho rằng, chi phí tăng, áp lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả đối với DN rất lớn. Tuy vậy, trong năm nay, Tỷ Xuân đã cơ bản đạt được đơn hàng sản xuất cho cả năm. Với kế hoạch sản xuất 13 triệu đôi giày, tương đương kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD.
Điều này cho thấy bước tăng trưởng được coi là bền vững của DN tại Vĩnh Long, vì từ năm 2011 doanh thu, lợi nhuận, kim ngạch xuất khẩu của DN đều tăng dần. Năm 2012 nhiều khó khăn nhưng doanh thu của DN cũng đạt 107 triệu USD.
Kết quả này, theo ông Nguyễn Việt Trung, nhờ DN đã tạo được sự đồng thuận của người lao động trong việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tăng hiệu quả sản xuất. Một trong những yếu tố quan trọng là việc tăng cường đối thoại giữa công nhân- ban giám đốc- công đoàn, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người lao động.
Qua đó, tạo một môi trường làm việc dân chủ, người lao động tìm được chỗ dựa, yên tâm làm việc, tăng năng suất.
Những khó khăn khiến nhiều DN chùn chân, nhưng cũng là thử thách để các DN có nội lực và định hướng dài lâu “rèn luyện” vững vàng hơn.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin