Giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cập nhật, 07:20, Thứ Ba, 29/01/2013 (GMT+7)

Đó là 2 trong nhiều nội dung rất được lãnh đạo tỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh và các ngân hàng thương mại (NHTM) quan tâm tại hội nghị tổng kết ngành NH trong năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013. Trong năm 2013, dự đoán kinh tế trong nước và tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi ngành NH phải nỗ lực rất cao.


Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Vietinbank còn có nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng. Trong ảnh: Đại diện Vietinbank trao 12 tỷ đồng (đợt 2) tài trợ 577 căn nhà cho hộ nghèo qua chương trình “Chuyến xe nhân ái” của THVL.
Ảnh: PHƯƠNG DUNG

NH- một năm vượt khó

Theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, trong bối cảnh nhiều khó khăn năm 2012, ngành NH đã xác định: Tập trung huy động tối đa nguồn vốn để đáp ứng cho các nhu cầu kinh tế- xã hội của tỉnh, đặc biệt các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Từng bước hạ thấp nợ xấu. Giữ vững sự ổn định và phát triển của các tổ chức tín dụng… Từ những mục tiêu trên đây, ngành NH tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, đạt được nhiều kết quả nhất định.

Huy động vốn tăng trưởng khá cao so đầu năm (+24,88%) và là năm đầu tiên hệ thống NH trên địa bàn có số dư nguồn vốn cao hơn dư nợ cho vay. Nguồn vốn huy động từ dân cư chiếm tỷ trọng ngày càng cao (76,28%) trong tổng nguồn huy động và cơ cấu nguồn vốn đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn trong tổng nguồn vốn huy động từ 15,68% đầu năm lên 26,37% vào cuối năm.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển từ tích lũy bằng ngoại tệ sang tích lũy bằng VND trong dân cư đã góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Hoạt động tín dụng về cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các dự án, phương án có hiệu quả nhất là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thu mua hàng xuất khẩu, vốn cho nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)…

Tăng trưởng dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn địa bàn (10,44%) và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ (47,6%), chủ yếu cho vay trung- dài hạn và cho vay tiêu dùng.
 
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, DNNVV trong năm được điều chỉnh giảm mạnh góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn NH.

Trong khi đó, các dịch vụ thanh toán, ngoại hối đều tăng khá. Các NH đã đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, như thanh toán qua thẻ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Công tác ngân quỹ đảm bảo an toàn tuyệt đối, đáp ứng đủ nhu cầu thu- chi tiền mặt của khách hàng, cơ cấu tiền mặt đưa vào lưu thông hợp lý.

Kinh nghiệm giải quyết nợ xấu

Xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xấu tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các NHTM đã triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thu hồi nợ xấu cũ, giảm thấp nợ xấu mới phát sinh. Đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu đã được kéo giảm từ trên 9% xuống dưới 6%.

Theo ông Phan Thanh Hải- Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Vĩnh Long, trong năm 2012, đã đưa mức nợ xấu khá cao trở lại mức 4%, là mức nợ xấu bình thường giúp chi nhánh đi vào phát triển. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của BIDV chi nhánh Vĩnh Long là chia DN ra làm 3 nhóm:
 
(1) nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh có hiệu quả; (2) nhóm khách hàng khó khăn nhưng có khả năng phục hồi, cần những biện pháp hỗ trợ; (3) nhóm khách hàng không có khả năng phục hồi, thì cương quyết xử lý. Trong đó, BIDV đã có giải pháp khá hiệu quả nhằm hỗ trợ DN nhóm (2) phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.


Năm 2013, NH tập trung vốn trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao, hộ sản xuất, các đối tượng chính sách. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đối với NH Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Vĩnh Long, Giám đốc Phạm Thành Lộc cho biết trong năm 2012 thực hiện rất tích cực. Theo ông, xử lý nợ xấu phụ thuộc vào 3 yếu tố: “chính sách (cơ chế xử lý nợ xấu) + quyết tâm + sự may mắn”.

Theo đó, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân làm phát sinh nợ xấu; chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng tận dụng mọi nguồn thu: công nợ, giải phóng hàng tồn; cơ cấu nợ hoặc cho vay mới để giúp khách hàng duy trì hoạt động, nếu phương án cơ cấu hợp lý, khả thi.

Bên cạnh, còn làm cầu nối trung gian giới thiệu khách hàng tìm đầu ra cho DN, linh hoạt trong xử lý nợ thông qua miễn giảm lãi, xử lý tài sản bảo đảm…

Dù vậy, theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, việc thu hồi nợ xấu đối với một số DN thực sự gặp khó do DN không còn khả năng trả nợ. Việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ một số DN trong lĩnh vực chăn nuôi, thu mua, chế biến thủy sản, xây dựng, kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn do giá trị tài sản lớn nên khó tìm được khách hàng mua. Thủ tục bán tài sản đấu giá thi hành án phải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian.

Tháo gỡ khó khăn cho DN

Trong năm 2013, ngành NH “tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý để thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”.

Nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh là tăng GDP 8- 8,5% và các chỉ tiêu kinh tế- xã hội khác. Ngoài các chỉ tiêu cụ thể, NHNN chi nhánh tỉnh đặc biệt quan tâm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các DN mở rộng, hấp thu và tiếp cận vốn tín dụng.

Ông Trương Văn Sáu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp cơ quan chức năng nắm bắt những vướng mắc của DN và NH để kịp thời tháo gỡ. Ông cũng đề nghị các NHTM: “Đối với những DN, dự án khó khăn tạm thời nhưng có triển vọng phát triển thì cần hỗ trợ để vực dậy DN. Các DN có cơ hội vượt qua khó khăn nếu chúng ta đầu tư đúng”.

Những chỉ tiêu của NHNN chi nhánh Vĩnh Long năm 2013:

Tốc độ tăng trưởng: trên 20%.
Tổng dư nợ cho vay khoảng 12%.
Tỷ lệ nợ xấu dưới 5% tổng dư nợ.

TRẦN PHƯỚC