
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2012 và định hướng phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 của UBND tỉnh đã cho thấy năm nay thật sự là một năm vượt khó để có được tăng trưởng. Và trên nền kinh tế ấy, những hoạch định gì cho tương lai?
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội năm 2012 và định hướng phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 của UBND tỉnh đã cho thấy năm nay thật sự là một năm vượt khó để có được tăng trưởng. Và trên nền kinh tế ấy, những hoạch định gì cho tương lai?
Đưa hàng Việt về nông thôn, kích cầu thị trường tiêu dùng cần tổ chức thường xuyên trong năm 2013. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Giữ được tăng trưởng
Năm 2012, tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ước đạt 9.255 tỷ đồng, tăng gần trên 7,8%; GDP bình quân đầu người đạt gần 32 triệu đồng/năm. Đây cũng là năm có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đúng hướng, với khối nông nghiệp chiếm 47,54%, công nghiệp- xây dựng 17,31% và dịch vụ 35,15%.
Ngành nông nghiệp đã giảm tỷ trọng trong cơ cấu, trong khi công nghiệp và dịch vụ tăng. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đó là do giá nông- thủy sản giảm, ngược lại, giá hàng công nghiệp và dịch vụ tăng cao.
Song, cần ghi nhận, mặc dù công nghiệp không đạt được tăng trưởng 22% như đề ra, nhưng với mức tăng trên 15%- đã tăng gấp đôi tăng trưởng GDP, là sự cố gắng lớn từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực “khéo ăn, khéo co” của doanh nghiệp trong tỉnh. Các sản phẩm chủ yếu như chế biến thủy sản đông lạnh, thức ăn gia súc- gia cầm, giày dép thể thao, may công nghiệp đều được các doanh nghiệp dày công tính toán để giữ vững tăng trưởng từ 7- 47%.
Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và dân doanh đều tăng cao từ 15- 22%. Nhiều địa phương cũng gắng giữ được tăng trưởng công nghiệp cao, như Trà Ôn tăng 16%. Các khu- cụm- tuyến công nghiệp trong năm cũng đã đóng góp trên 3.100 tỷ đồng, tăng 30% so năm trước, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 140 triệu USD, tăng 25%, đồng thời chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 400 triệu USD, vượt cả kế hoạch năm. Điều này cho thấy hướng đi đúng đắn của phát triển công nghiệp tỉnh nhà.
Năm nay cũng là một năm rất khó khăn của nông nghiệp- thủy sản với giá cả bấp bênh, dịch bệnh vây quanh. Nhưng ngành đã phấn đấu để đạt 3,1% tăng trưởng với nhiều mô hình sản xuất mới như chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học phát triển; diện tích và năng suất lúa, màu đều tăng.
Đặc biệt, lạm phát trong tỉnh được kiềm chế và kéo giảm, bình quân 10 tháng năm 2012 tăng 10,22%- thấp hơn cùng kỳ 7,21 điểm phần trăm. Các lĩnh vực chủ yếu cũng giảm tương ứng, như giao thông giảm 7,15 điểm phần trăm, giáo dục giảm 36 điểm phần trăm và thực phẩm giảm 16,28 điểm phần trăm... góp phần bảo đảm an sinh xã hội, các doanh nghiệp cũng bớt gặp khó khăn hơn. Với sự nỗ lực chung, có thể thấy Vĩnh Long đã có nhiều mặt tăng cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước.
Do đó, UBND tỉnh đã đánh giá: mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi, như dịch bệnh, giá cả thấp, sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều kéo theo nợ xấu, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn do chưa có phương án sản xuất kinh doanh tốt, nhưng cơ bản trong năm 2012, kinh tế của tỉnh đã duy trì được mức tăng khá và tăng đều ở các khu vực.
Phấn đấu tăng GDP 8- 8,5%
Năm 2013, kinh tế thế giới đã dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thương mại toàn cầu ít cải thiện, khủng hoảng công nợ ở một số nước Châu Âu vẫn chưa được giải quyết triệt để; cùng với xung đột chính trị, vũ trang ở một số nước cũng sẽ tác động đến kinh tế nước ta. Trong nước, kinh tế vẫn nhiều khó khăn thách thức. Việc thực hiện các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Do đó, UBND tỉnh đã nhận định: kinh tế tỉnh sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng có khả năng chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi chậm, khả năng thu hút đầu tư không nhiều, sức mua tăng chậm; thu ngân sách khó khăn, đầu tư công tiếp tục hạn chế,... Trong tình hình đó, Vĩnh Long sẽ vượt qua khó khăn, đảm bảo kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đúng hướng và bền vững.
Cụ thể, phấn đấu GDP tăng từ 8- 8,5%, giá trị sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tăng 3- 35,%, công nghiệp- xây dựng tăng 16% và dịch vụ tăng 9%. GDP bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 410 triệu USD.
Nâng cao chất lượng nguồn giống để cải thiện chất lượng, tăng hiệu quả cây ăn trái. Ảnh: NGUYÊN CHƯƠNG
Để đạt được điều này, tỉnh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ. Duy trì và phát huy hiệu quả vùng rau màu, cây ăn trái chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn, sản xuất, chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP.
Về công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh; phát triển khu- cụm- tuyến công nghiệp. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng chất các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh, tăng cường quảng bá trong và ngoài nước. Chủ động nắm tình hình khó khăn của doanh nghiệp trong tỉnh để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Tất cả để phát triển kinh tế tỉnh nhà, ổn định, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013.
NGUYÊN CHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin