MDEC- Tiền Giang 2012: Để không chỉ là “diễn đàn nói”

01:12, 04/12/2012

Với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm nay tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, phát triển 3 sản phẩm chủ lực. MDEC- Tiền Giang 2012 được kỳ vọng, từ tiếng nói và sáng kiến tại diễn đàn sẽ “chuyển hóa” thành “cơ chế, chính sách, pháp luật”.


Tháo gỡ khó khăn cho DN ở ĐBSCL cũng là vấn đề được bàn thảo tại MDEC năm nay.

Với chủ đề “Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm nay tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, phát triển 3 sản phẩm chủ lực. MDEC- Tiền Giang 2012 được kỳ vọng, từ tiếng nói và sáng kiến tại diễn đàn sẽ “chuyển hóa” thành “cơ chế, chính sách, pháp luật”.

Kỳ vọng từ MDEC 2012

MDEC- Tiền Giang 2012 (diễn ra từ ngày 5- 9/12/2012) tiếp tục xây dựng kênh đối thoại trực tiếp, mang tính xây dựng giữa các bộ, ngành trung ương, chính quyền các tỉnh, thành Tây Nam Bộ với cộng đồng doanh nghiệp (DN), Hiệp hội nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Hội chợ Trái cây ĐBSCL tôn vinh các sản vật đồng bằng nhằm quảng bá hình ảnh “Đất phù sa cho cây trái ngọt lành”; tôn vinh nhà vườn, nhà khoa học và DN. Diễn đàn nông dân ĐBSCL- một hoạt động mới của MDEC năm nay– được kỳ vọng tạo ra “kênh thông tin- đối thoại” hữu ích và thiết thực để các nhà hoạch định cơ chế, chính sách và quản lý ở các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, DN lắng nghe kiến nghị, tăng cường mối quan hệ giữa nông dân với chính quyền và DN.

Theo dòng thời sự và yêu cầu bức xúc, diễn đàn DN 2012 sẽ tập trung bàn giải pháp, đưa ra đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho DN ở ĐBSCL trong bối cảnh khó khăn chung của DN và kinh tế đất nước. Ra mắt Hội đồng Hiệp hội DN ĐBSCL do VCCI quyết định thành lập.

Có 2 điểm nhấn tại diễn đàn năm nay, là Hội thảo quốc tế tham vấn “Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long đến năm 2100”- một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định đối tác chiến lược về thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước giữa Việt Nam- Hà Lan và xây dựng kế hoạch châu thổ sông Cửu Long, tầm nhìn năm 2100.

Và điểm nhấn quan trọng khác của MDEC- Tiền Giang 2012 chính là Hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù đối với các mặt hàng chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản. Hội thảo tập hợp sáng kiến để giải quyết tình trạng sản xuất kinh doanh manh mún, phần thua thiệt thuộc về nông dân. Mục tiêu chính là hướng đến tăng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng, tăng cường liên kết, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Với những mục đích rõ ràng, đầy quyết tâm đó, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào MDEC- Tiền Giang 2012, để giải quyết thấu đáo những vấn đề thực tiễn về tam nông, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các gói giải pháp hỗ trợ DN, nông dân và cách thức thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

MDEC có tác động nhất định đến từng địa phương

Theo ông Nguyễn Tấn Thi- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ DN (Sở Kế hoạch và Đầu tư), năm nay Vĩnh Long tiếp tục tham gia hầu hết các hoạt động tại MDEC- Tiền Giang 2012 và đóng góp nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, thành tựu kinh tế- xã hội của tỉnh giới thiệu về tiềm năng, các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2012-2015. Sở Nông nghiệp và PTNT đem đến các loại trái cây, giống cây trồng, cá tra… Hội nông dân tỉnh giới thiệu mô hình trồng xà lách xoong- sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Các sản phẩm công nghiệp và thủ công mỹ nghệ phục vụ nông nghiệp như: gạo, phân bón, hột vịt muối… cũng góp mặt tại MDEC năm nay.

Tham gia các hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ diễn đàn, Vĩnh Long đóng góp với nhiều bài tham luận, trao đổi kinh nghiệm. Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT có bài tham luận trong Hội thảo Rà soát cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng chủ lực ở ĐBSCL (lúa, trái cây, thủy sản).


Cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng chủ lực ở ĐBSCL- Hội thảo được chờ đợi sẽ tạo cú hích mới cho nông sản đồng bằng.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long có tham luận tại Diễn đàn DN ĐBSCL. Còn tại Diễn đàn nông dân ĐBSCL, 2 chia sẻ kinh nghiệm sản xuất là nông dân Nguyễn Mười Anh (Hòa Hiệp- Tam Bình) với “Thực hiện mô hình vườn cam sành” và Bùi Phước Húy (Bình Hòa Phước- Long Hồ) với giải pháp điều trị bệnh chổi rồng trên nhãn.

Ông Lương Tấn Thi cho rằng: “MDEC mỗi năm đều có tác động tích cực nhất định đến kinh tế- xã hội từng địa phương vùng ĐBSCL. Lấy ví dụ, MDEC- An Giang 2009: Phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập. Qua kết quả khảo sát, đánh giá từ diễn đàn, tỉnh ta mới giật mình với nhiều tiêu chí về giáo dục đạt rất thấp; đánh động cả nước về đào tạo, chất lượng và quy hoạch nguồn nhân lực”.

Chính vì thế, dư luận chờ đợi nhiều hơn qua diễn đàn, tính hợp tác và liên kết vùng, liên kết và hợp tác giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh ngày càng hiệu quả và sâu rộng, hướng đến hợp tác phát triển toàn diện. Để MDEC không chỉ là “Diễn đàn nói” mà quan trọng hơn là biến các sáng kiến, đề xuất đã được Chính phủ phê duyệt thành quyết tâm chính trị của cả vùng và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả.

 

Từ năm 2007 đến nay, MDEC đã trải qua 5 lần tổ chức: tại TP Hồ Chí Minh và 4 địa phương thuộc “tứ giác động lực”: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau theo các chủ đề trọng tâm, đã có tác động tích cực trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường liên kết, phối hợp hành động chung cho vùng.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh