Gỡ khó cho làng nghề gạch gốm

07:12, 06/12/2012

“Vương quốc gạch” hiện nay đứng trước nguy cơ sản xuất ngày càng ngưng trệ, xuống dốc. Để tìm hướng đi mới cho nghề truyền thống, các ngành chức năng đã vào cuộc nhằm tìm ra giải pháp đổi mới công nghệ lò nung gạch.

“Vương quốc gạch” hiện nay đứng trước nguy cơ sản xuất ngày càng ngưng trệ, xuống dốc. Để tìm hướng đi mới cho nghề truyền thống, các ngành chức năng đã vào cuộc nhằm tìm ra giải pháp đổi mới công nghệ lò nung gạch.


Khói bụi gây ô nhiễm là vấn đề đáng quan tâm ở làng gạch.

Làng nghề điêu đứng

Toàn tỉnh hiện có 1.082 cơ sở sản xuất gạch ngói với 2.284 miệng lò, 45 cơ sở sản xuất gốm với 380 miệng lò. Năm 2011, sản xuất khoảng 750 triệu viên gạch, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Giá trị sản xuất gạch ngói chiếm 37,19% tổng giá trị hàng nông thôn, chiếm 56,88% giá trị sản xuất ngành vật liệu xây dựng trong tỉnh. Những năm gần đây, sản xuất gạch- gốm suy giảm, tạm ngưng khoảng 70% bởi công nghệ lạc hậu, cơ giới hóa còn ít, tiêu hao nhiều nhiên liệu, vùng nguyên liệu không tập trung, xa nơi sản xuất.

Hầu hết các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, không có nơi chứa, che chắn trấu, tro nên gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng ngành sản xuất gạch gốm đang điêu đứng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến 2020”, đưa ra lộ trình thay thế một phần gạch đất sét nung.

Tuy nhiên, đến năm 2020, vật liệu xây dựng, gạch nung vẫn chiếm khoảng 60- 70%, nhất là trong điều kiện tỉnh ta không có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh gạch không nung. Để tìm lối đi mới cho làng nghề, giải pháp được đặt ra là đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, chuyển đổi mô hình từ thủ công nhỏ lẻ thành tiên tiến, thân thiện môi trường, nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ông Tào Xíu Châu- chủ cơ sở gốm Nam Hiệp Hưng (Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Nhiều đơn vị đến đặt hàng ngoài chất lượng sản phẩm họ còn rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường và sức khỏe công nhân. Vì vậy, cần có biện pháp cải tiến, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy nghề gạch gốm mới có thể vững bước đi tiếp”.

Hiện nay, ngoài kiểu lò thủ công truyền thống, trên địa bàn tỉnh còn có kiểu lò mang tính công nghiệp như hoffman, tuynel. Nhưng cả 3 dạng lò này đều có những nhược điểm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Trong khi lò thủ công không xử lý được khí thải gây ô nhiễm môi trường, không tận dụng được nhiệt lượng thừa, chiếm mặt bằng lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu… thì lò hoffman, lò tuynel lại có giá thành cao, không nung được sản phẩm gạch tàu và gốm theo chủng loại, kích cỡ yêu cầu. Lò nung gạch bằng gas đang thí điểm cũng chưa đạt được kết quả khả quan.

Tìm lối đi

Để mở lối đi cho làng nghề, Sở Công thương Vĩnh Long phối hợp với bộ môn Vật liệu xây dựng (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Tân Mai (Mang Thít- Vĩnh Long) nghiên cứu thử nghiệm đề tài cải tiến lò gạch thủ công thành “Lò nung gạch đốt trấu liên hoàn giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường” gọi tắt là “lò liên hoàn”. Sau khi đưa vào vận hành thử, đã đạt kết quả bước đầu khả quan.

Với thiết kế xây dựng gồm 16 buồng có 2 dãy, mỗi dãy có 8 buồng, đốt trấu, thiết kế vận hành từ khâu đùn ép chân không tạo gạch mộc công nghệ nung liên hoàn chủ động điều khiển đường đi của lửa và phân bố nguồn nhiệt đều, tận dụng nhiệt để sấy gạch mộc ở các buồng nung kế tiếp… hệ thống xử lý khói bụi vận hành liên tục đồng bộ với quá trình nung, lò đã đạt được nhiều ưu điểm vượt trội, đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, “chỉ cần 30% mặt bằng truyền thống (khoảng 5.000m2) đã có thể xây lò kiểu mới, sản lượng đạt trung bình 12 triệu viên/năm, rút ngắn thời gian từ 14- 15 ngày so với lò truyền thống (lò truyền thống: 100.000 viên đốt trong 18 ngày, lò liên hoàn: 4 ngày), ít tốn nhân công (khoảng 3 nhân công cho 1 buồng 11.000- 12.000 viên), ít tốn nhiên liệu, từ 190- 200g trấu cho 1 viên gạch 8x18 (lò truyền thống tốn từ 550- 600g trấu), có độ an toàn cao trong khi vận chuyển, chỉ cần 50- 60% đất sét đã có thể tạo thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường quy định”- ông Bùi Hữu Mai – Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai cho biết.

Để mô hình đạt kết quả cao và có thể nhân rộng, ông Bùi Hữu Mai kiến nghị: Cần có cách bảo vệ quyền công nghệ để tránh tình trạng cạnh tranh thương hiệu, khi chuyển giao công nghệ cần thành lập hiệp hội để khẳng định và giữ được thương hiệu gạch gốm Vĩnh Long, các cơ sở cần chuyển đổi sang công nghệ mới để nâng cao năng suất và duy trì ngành gạch gốm Vĩnh Long.


Bên cạnh đó, để tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, nhiều giải pháp đã đưa ra như chuyển giao công nghệ miễn phí từ kết quả nghiên cứu đề tài, hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ từ ngân sách nhà nước…

Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long- chủ nhiệm đề tài cho biết: Sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để tận dụng than sau khi thành phẩm, đồng thời phổ biến cho doanh nghiệp biết sự cần thiết và lợi ích sau khi chuyển đổi công nghệ.

Song song đó, cũng đề ra mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung để từng bước thay thế một phần gạch đất sét nung cho phù hợp, phấn đấu đạt tỷ lệ 20- 25% vào năm 2015 và 30- 40% vào năm 2020.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh