Đa dạng hóa việc làm nông thôn

01:12, 21/12/2012

Hàng năm, Bình Minh đào tạo nghề cho khoảng 1.400 lao động nông thôn; trong đó đào tạo, bồi dưỡng cho 180 lượt cán bộ, công chức xã. Qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn- đặc biệt là đồng bào Khmer ở địa phương.

Hàng năm, Bình Minh đào tạo nghề cho khoảng 1.400 lao động nông thôn; trong đó đào tạo, bồi dưỡng cho 180 lượt cán bộ, công chức xã. Qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn- đặc biệt là đồng bào Khmer ở địa phương.


Gia đình chị Sơn Thị Hường (38 tuổi) ở ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình, thoát nghèo từ nghề nuôi cá lóc trong vèo.

Đầu tư mạnh cho đào tạo nghề

Dân số toàn huyện Bình Minh là 88.526 người. Trong đó, dân số đô thị chiếm 21.916 người. Lao động đang tham gia hoạt động kinh tế là 50.151 người. Cũng như tình trạng chung hiện nay, Bình Minh cũng đang gặp khó về vấn đề nguồn lao động ngày càng trở nên căng thẳng, do sức hút từ các khu công nghiệp, thương mại và đô thị.

Do đó, vấn đề đào tạo nghề nông thôn là hướng đi đúng trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên thu hẹp. Ngoài ra, do đặc thù riêng, huyện còn phải giải quyết việc làm cho bà con đồng bào Khmer. Từ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự phát huy tốt vai trò của Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm, những năm qua Bình Minh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Bình Minh- Nguyễn Văn Dư cho biết: Các ngành nghề đào tạo chủ yếu gồm có, nghề nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông- thủy sản, đan, quản lý trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, quản lý kinh tế hộ gia đình nông thôn, dịch vụ nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Nghề phi nông nghiệp: các nghề kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, y tế, dịch vụ xã hội, khách sạn, nhà hàng và du lịch.

Các nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn chuyển sang làm việc ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động, nhóm nghề công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ, kỹ thuật chế biến món ăn…

Dự báo, giai đoạn 2011- 2020 sẽ có sự chuyển dịch kinh tế chủ yếu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ. Do đó, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội.

Cụ thể, dạy nghề lao động nông thôn là 11.470 người. Trong đó, dạy nghề nông nghiệp dự kiến đào tạo khoảng 3.370 người; dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động chuyển sang khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động khoảng 8.100 người.

Giảm nghèo cho đồng bào Khmer

Ông Nguyễn Văn Hiển- Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bình Minh cho rằng: “Bên cạnh sự phát triển đáng mừng vùng đồng bào Khmer, vẫn còn đó một bộ phận bà con gặp khó khăn chưa thoát nghèo, chưa phát huy được hiệu quả nguồn vốn của chương trình. Nguyên nhân có thể dễ dàng nhận thấy là do thiếu đất sản xuất. Đồng bào Khmer rất thích lao động nông nghiệp; do đó những hộ có đất thì sản xuất nông nghiệp, những hộ thiếu đất hoặc không có đất thì làm thuê nông nghiệp để sống. Cuộc sống còn lệ thuộc vào mùa vụ, dịch bệnh, thiên tai trong nông nghiệp; lúc nông nhàn thì không có việc làm dẫn đến cuộc sống bấp bênh”.

Ông Hiển nhận định rằng, cần phát huy chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho những hộ khó khăn.

Theo anh Sơn Mỹ Duyên- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Bình, bà con ngày nay cũng rất năng động tự vươn lên bằng nhiều cách.

Cũng có những gia đình khó khăn, không có đất sản xuất, và dù không nhận được sự hỗ trợ vốn, nhưng vẫn luôn tìm mọi cách buôn bán, chăn nuôi theo những mô hình nhỏ, bảo đảm cuộc sống gia đình. Như gia đình của vợ chồng anh Kim Lân (40 tuổi) và chị Sơn Thị Hường (38 tuổi) ở ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình, nhà chỉ có cái ao nhỏ xíu phía sau, anh đã mua giống cá lóc về nuôi.

Để tiết kiệm, vợ chồng đi kéo lưới bắt cá mồi. Sau 2 tháng, cá có thể bán được thì chị Hường tuyển mỗi ngày vài ký bán lai rai tăng thêm thu nhập. Khi bán cá lóc không có lời nhiều, anh chị chuyển sang nuôi cá trê, tăng cường nuôi thêm vài chục con vịt.

Chị Sơn Thị Hường cười rất vui vẻ bảo rằng: “Cực dữ lắm, làm không có nghỉ tay, nhưng phải cố gắng để nuôi con ăn học và không để lâm vào cảnh nghèo khó”.

Vượt khó

Theo ông Nguyễn Văn Dư, khó khăn nhất là công tác tuyên truyền vận động để bà con tham gia lớp học. Do đó trung tâm đã xây dựng chương trình phối hợp và liên kết với các ngành liên quan như: Phòng GD-ĐT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.

Theo đó, chương trình đề ra nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để thực hiện việc tuyên truyền vận động người trong độ tuổi lao động thuộc các tổ chức đoàn thể tham gia học nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cho người lao động, nhất là đối với lao động nông thôn. Qua đó, ngành nghề đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu của người lao động, nên số học viên tham gia các lớp nghề ngày càng tăng.


Tăng thu nhập từ nghề nuôi bò.

Bên cạnh đó, trung tâm mở rộng các mối liên kết với các công ty ở TP Hồ Chí Minh, Công ty gỗ Kaiser (Bình Dương), Công ty Chế biến thủy sản Phát Tiến (Đồng Tháp)… Riêng 2 Công ty Chế biến thủy sản Minh Phú, Cafatex (Hậu Giang), mỗi ngày đều có xe đưa đón cho trên 600 lao động địa phương (thu nhập trung bình mỗi công nhân trên 2 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, tình hình chung là đa số người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, nhưng thiếu hoặc không có đất canh tác, bên cạnh sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp chưa phát triển. Hộ nghèo chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp nhưng lại thiếu hoặc không có đất sản xuất.

Mặt khác do sinh sống ở vùng sâu, trình độ dân trí còn hạn chế, việc tiếp cận các chương trình, dự án chưa cao, sản phẩm nông nghiệp làm ra không có tính cạnh tranh trên thị trường, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đạt. Lao động ở nông thôn không có việc làm ổn định, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, phát triển ngành nghề ở địa phương chưa xứng với tiềm năng.

Số lao động không có việc làm, thiếu việc làm, chưa chịu khó lao động, thiếu ý thức vươn lên còn phổ biến. Do đó công tác đào tạo nghề, nhất là khu vực nông thôn trở nên bức thiết và vô cùng quan trọng. 

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh