Tiếp tục tin tưởng vững chắc vào nền kinh tế Việt Nam

07:12, 11/12/2012

Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam 2012 đã khép lại chiều 10-12 với mức cam kết ODA cho năm tới được công bố là 6, 485 tỷ USD.

Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam 2012 đã khép lại chiều 10-12 với mức cam kết ODA cho năm tới được công bố là 6, 485 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, đây là một khoản “hỗ trợ to lớn và quý giá hơn bao giờ hết” trong bối cảnh người dân tại các quốc gia tài trợ vẫn đang phải "thắt lưng buộc bụng", chống chọi với khủng hoảng kinh tế. CG 2012 tại Hà Nội được coi là hội nghị cuối cùng trong 20 năm qua để chuyển sang một giai đoạn mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp cam kết giảm, từ mức cam kết kỷ lục 8 tỷ USD hồi 2009, xuống 7, 9 tỷ USD năm 2010, 7, 3 tỷ USD năm 2011.

Dù vậy, các nhà tài trợ cho rằng, đây là điều không đáng ngạc nhiên vì hiện Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí nhà tài trợ số một cho Việt Nam năm tới, khi cam kết cung cấp khoản viện trợ tương đương 2, 6 tỷ USD trong năm tài chính 2012.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Hội nghị CG 2012 tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Lâm

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực để giải ngân với tiến độ tốt hơn, sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, không phụ lòng các nhà tài trợ, cũng như nhân dân của các nước tài trợ.

Việt Nam tự tin với chính sách, biện pháp điều hành của mình

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng ghi nhận, tiếp thu những ý kiến xây dựng từ các đối tác phát triển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, qua mỗi phiên họp CG trên suốt chặng đường 20 năm qua, các nhà tài trợ đã hợp tác, giúp đỡ và theo sát từng bước sự phát triển của Việt Nam, từ một quốc gia nghèo, kém phát triển những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Nếu như năm 1992, thu nhập GDP đầu người của Việt Nam là 140USD thì năm 2012 là gần 1.600USD.
 
“Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng Việt Nam mà còn là niềm vui chung của Việt Nam và các Nhà tài trợ về sự hợp tác kiên trì, có hiệu quả và rất thành công trong suốt hơn 20 năm qua”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã vượt qua năm 2012 rất nhiều khó khăn với kết quả kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng GDP ước đạt 5,2%. Điểm sáng là nông nghiệp tăng trưởng cao, lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tăng, tỷ giá ổn định, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.

“Việt Nam tự tin vào những chính sách, biện pháp điều hành của mình. Chúng tôi bước vào năm 2013 với quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin vững chắc sẽ vượt qua thách thức, đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu đạt kết quả phát triển cao hơn, tạo đà cho phát triển bền vững thời gian tới”, Thủ tướng phát biểu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam không hề coi thường những hạn chế, yếu kém, khó khăn. “Việt Nam không thỏa mãn mà sẽ hết sức nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra”, Thủ tướng cam kết.

Năng lực cạnh tranh thấp, dễ “dính” bẫy thu nhập trung bình

Bình luận về tăng trưởng của Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà V. Qua -qua (V. Kwakwa) cảnh báo xu hướng tăng trưởng tiếp tục giảm xuống trong những năm qua (năm nay là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999), cho thấy nền kinh tế đang mất đi một số động lực mà những cản trở về cơ cấu đã và đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo bà Qua -qua, nếu không có những giải pháp quyết đoán và chi phí để giải quyết, những thách thức này sẽ rất lớn. ở một số nước, chi phí giải quyết khó khăn trong khu vực tài chính lên đến mức 30-40% GDP.

Bà Qua -qua khuyến cáo, nếu không có giải pháp kiên quyết, Việt Nam cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp. “Chúng tôi hy vọng, Việt Nam sẽ không đi vào con đường này và mong muốn có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam từ việc lập kế hoạch đến triển khai thực tế”, Giám đốc WB nhấn mạnh.

Theo Giám đốc WB Việt Nam, Việt Nam cần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng dịch chuyển từ năng suất thấp, giá trị thấp sang năng suất và giá trị cao hơn và quản lý các nguồn lực đất đai sao cho người dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt, đền bù và thu hồi đất đai phải minh bạch và bình đẳng… 

Song, theo các cơ quan LHQ tại Việt Nam, đây có thể là thời điểm bắt đầu công cuộc cải cách thứ hai, giúp Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình và chuyển lên nấc thang cao hơn của vị thế quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt có thể được xem như một cơ hội để nhìn lại những tiến bộ đã đạt được trong hơn 2 thập kỷ qua và tìm cách tiếp tục phát triển một cách bền vững hơn...

Từ CG tới “Diễn đàn Phát triển Việt Nam

Theo bà Qua -qua, Hội nghị CG 2012 sẽ là hội nghị cuối cùng được tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước chủ yếu để phục vụ cho “diễn đàn huy động nguồn lực ODA”.

Hiện nay, hầu hết các đối tác phát triển đã có những cam kết và thảo luận ODA riêng và chức năng huy động nguồn lực của Hội nghị các nhà tài trợ đã không còn phù hợp. Theo bà, điều cần thiết hiện nay là cần có một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác về phát triển của Việt Nam .
 
“Hai mươi năm trước, đối tác chính là Chính phủ và các đối tác phát triển. Hiện nay có thêm nhiều đối tác trong quá trình phát triển của Việt Nam   - xã hội dân sự cả trong nước và quốc tế, cũng như khu vực tư nhân. Chúng tôi hy vọng rằng, hình thức diễn đàn mới sẽ giúp bao trùm cả nhóm mở rộng này, giúp sử dụng một cách hiệu quả tham gia của các bên liên quan”, bà Qua -qua lý giải. Bắt đầu từ năm sau, Hội nghị CG sẽ đổi tên thành “Diễn đàn Phát triển Việt Nam ”.

Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu Ph. Hét -xen (F. Jessen), với tư cách là một nhà tài trợ, cho rằng sự phát triển của Việt Nam hiện nay khác với sự phát triển của Việt Nam 10 năm trước, nên cách thức thảo luận giữa các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam cũng khác.

“Thành công của CG không nên được xem như thành công của những tỷ đô -la cam kết. Mục tiêu của CG là để quan sát và nhận định xem kinh tế Việt Nam có đi đúng hướng không”, ông nói. Đại sứ Hét -xen khẳng định nguồn vốn ODA đã được sử dụng thành công ở Việt Nam .
 
“EU vẫn tiếp tục tăng vốn cho Việt Nam , nhưng mục tiêu là không phải cứ cung cấp càng nhiều tiền càng tốt mà phải cung cấp tiền đúng đắn để các luồng tiền phục vụ đúng mục tiêu”, ông cho hay.

“Chúng tôi tin tưởng vững chắc vào nền kinh tế Việt Nam . Quá trình phát triển của Việt Nam cho đến nay là rất đáng tự hào, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để nâng cao mức sống cho người dân hơn nữa. Chính phủ Việt Nam không được nao núng quyết tâm trong việc duy trì ổn định kinh tế.

Những nước đã từng ở tình trạng hiện nay của Việt Nam cũng đã từng xuất hiện những đòi hỏi nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô. Nhưng các nhà hoạch định chính sách với cam kết mạnh mẽ và ổn định, tăng trưởng và cải cách cần kiên định và cứng rắn trước những đòi hỏi đó”, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Xan -giây Các -la (Sanjay Kalra) cho biết tại Hội nghị CG.

 Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh