
Thông tin về việc có vàng SJC giả, nhái cũng như chuyện các nhãn hiệu vàng miếng không phải SJC sẽ bị mất giá đã khiến cho nhiều người dân đang có vàng nhấp nhổm đem đi bán, dù thời điểm này vàng đang giảm giá.
Vàng nữ trang: sức mua không cao. Ảnh minh họa từ Internet.
Thông tin về việc có vàng SJC giả, nhái cũng như chuyện các nhãn hiệu vàng miếng không phải SJC sẽ bị mất giá đã khiến cho nhiều người dân đang có vàng nhấp nhổm đem đi bán, dù thời điểm này vàng đang giảm giá.
Nhấp nhổm bán vàng
Ngày cuối tuần, chú Bảy H. ở Vũng Liêm quyết định lên TP Vĩnh Long bán 4 lượng vàng SJC. Lý do là: “Hồi nào giờ cứ bán trái cây, bán lúa là mua vàng để dành. Mà toàn là mua ở dưới chợ xã, chợ huyện không hà. Bây giờ nghe nói có vàng giả nhãn hiệu SJC cũng không biết vàng mình phải SJC thiệt hông, thôi đem bán lấy tiền gửi ngân hàng”.
Cô Nguyễn Kim Tr. ở huyện Mang Thít thì ủ rũ: Cứ mỗi năm “gả” bầy heo là tích cóp mua ít chỉ vàng của tiệm vàng B. ở chợ xã. Trước đây, khi mua, giá bán vàng bốn số 9 (9999) đóng mộc nổi của tiệm B. chỉ rẻ hơn vàng SJC chừng 30.000 đ/chỉ. Nhưng giờ nghe tin vàng lên trên 46 triệu đồng/lượng, đem ra bán thì tiệm mua lại chưa tới 43 triệu đồng/lượng, rẻ hơn vàng SJC hơn 300.000 đ/chỉ.
Hỏi tại sao, thì được chủ tiệm cho biết giờ đây chỉ có SJC mới được mua bán vàng miếng, còn lại đều tính giá vàng nhẫn (nữ trang) nên giá rẻ, và nhấn mạnh thêm “các tiệm vàng khác cũng vậy thôi”.
Cũng tương tự như vậy, anh T.T ở Phường 2 (TP Vĩnh Long) làm kinh doanh nên trước nay toàn giao dịch tiền với ngân hàng, mua vàng cũng của ngân hàng đó luôn. Anh thường khoe: “Vàng bạc gì mua tại ngân hàng, ngân hàng giữ giùm hết, mình chỉ cầm miếng giấy về nhà. Đêm ngủ ngon, khỏi lo”.
Nhưng giờ đây, với số vàng trên 50 lượng, anh T. tính ra, nếu theo kiểu mua vào thấp hơn giá vàng SJC gần cả triệu đồng mỗi lượng hiện nay, thì anh mất bốn, năm chục triệu đồng. Do đó, anh phân vân thà “đau một lần rồi thôi” là bán hết vàng thương hiệu này ra để chuyển sang mua vàng SJC.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vào chiều ngày 28/10 vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị: Người dân cần bình tĩnh, không nên quá vội vàng mang vàng phi SJC đi bán, hoặc chuyển đổi vàng SJC bằng mọi giá.
Bởi nhãn hiệu vàng SJC là do Nhà nước độc quyền chứ không phải Công ty SJC. Đối với vàng giả, nhái, ông Vũ Đức Đam cũng khẳng định: vàng nào cũng là vàng, nếu đủ phẩm chất, tiêu chuẩn 99,99% vàng (vàng 9999) thì người dân không nên vội vàng mang đi bán, đổi để bị các đối tượng đầu cơ, trục lợi ép giá, gây thiệt hại.
Ông Nguyễn Quang Huy- Vụ trưởng Vụ Ngoại hối NHNN, cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh: “NHNN đang tổ chức một mạng lưới mua - bán vàng đáp ứng đủ yêu cầu theo tinh thần của Nghị định 24”. Mặt khác, NHNN cũng đã cho phép các thương hiệu vàng khác chuyển đổi sang vàng miếng SJC chỉ với mức phí 50.000
đ/lượng.
Quản lý thị trường vàng chưa tốt
Trong phiên họp Quốc hội vào sáng 31/10 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm vì không làm tốt công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kịp thời nội dung, chính sách của Nhà nước về thị trường vàng, gây nên nhiều sự hiểu không đúng, gây bất ổn cho thị trường.
Theo Thống đốc, thời gian qua, do bất ổn kinh tế thế giới, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tăng mạnh. Vàng trong nước biến động thất thường khiến tình trạng vàng hóa được đẩy lên rất cao. Ước có 300 - 400 tấn vàng nằm trong dân, tương đương 15- 20 tỷ USD bị chôn vào vàng. Mặt khác, giá vàng biến động ảnh hưởng tỷ giá thông qua hoạt động nhập lậu vàng, gây thêm ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu, gián tiếp gây lạm phát tăng cao trong những năm vừa qua, tạo bất ổn kinh tế vĩ mô.
Để khắc phục tình trạng “vàng hóa”, NHNN đã xây dựng đề án gồm 3 bước: Xây dựng khung pháp lý, chấm dứt hoạt động huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng, chuyển toàn bộ sang quan hệ mua bán vàng. Đến nay, Chính phủ và NHNN đã triển khai 2 bước đi đầu: ban hành các nghị định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng, giúp quản lý thị trường vàng chặt chẽ trở lại.
Bởi nói như một chủ tiệm vàng tại Vĩnh Long “thu đổi ngoại tệ chui thật ra không lời lãi bao nhiêu, nếu bị phạt sẽ lỗ còn nhiều hơn”. Cho nên các tiệm vàng cũng không còn mặn mà với thu đổi ngoại tệ như
trước đây.
Tính từ tháng 5 đến nay, dù giá vàng trong nước vẫn còn chênh lệch khá lớn so giá vàng thế giới (hiện nay trên 3,7 triệu đồng/lượng), nhưng có thể nói, tình trạng “lướt sóng” và đầu cơ vàng hầu như rất ít. Mặt khác, trên các sàn giao dịch bất động sản, cũng không còn thấy giao dịch bằng vàng như trước đây. Tỷ giá ngoại tệ khá ổn định. Thanh khoản tiền đồng cải thiện. Theo Thống đốc, NHNN mua được ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối. Từ đầu năm đến nay, đã mua được 10 tỷ USD và số lượng vàng tương đương 3
tỷ USD.
Như vậy, nhìn về phía người dân đang tích trữ vàng, nếu không phải là giữ vàng miếng SJC có thể vẫn chịu khá nhiều thua thiệt. Nhưng nếu “càng nóng càng thua”, nên làm đúng theo khuyến cáo của NHNN là hơn, vì Nhà nước vẫn bảo đảm quyền lợi cho người giữ vàng; còn về phía kinh tế vĩ mô, có thể nói quyết định chống “vàng hóa” đã đi khá đúng hướng. So trước đây, thị trường vàng đã có nhiều ổn định.
Tuy vậy, việc “nhận trách nhiệm” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng hoàn toàn đúng, bởi với người dân, vốn có thói quen tích trữ vàng đã lâu, đây lại là tài sản lớn của gia đình, nên những quyết định thay đổi của Nhà nước mà không được thông tin, triển khai chặt chẽ sẽ dễ gây hoang mang rất nhiều cho người dân. Từ đó, đem “bán đổ bán tháo” cũng sẽ gây nhiều thiệt hại cho người đang giữ vàng. Suy cho cùng cũng là thiệt hại của nền kinh tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin