Tấp nập điểm lên xuống hàng nông sản tự phát

01:11, 02/11/2012

Gần đây, khoảng xế chiều, ai có dịp đi ngang qua cầu Sóc Tro (dọc theo Đường tỉnh 904, phía thị trấn Trà Ôn), sẽ thấy không khí lên xuống hàng nông sản rôm rả kiểu “trên bến dưới thuyền” ở cặp dốc cầu. Theo các tiểu thương, do điểm này gần sông, cặp lộ- thuận tiện trao đổi hàng hóa nên rủ nhau tới đây.


Cảnh trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp.

Gần đây, khoảng xế chiều, ai có dịp đi ngang qua cầu Sóc Tro (dọc theo Đường tỉnh 904, phía thị trấn Trà Ôn), sẽ thấy không khí lên xuống hàng nông sản rôm rả kiểu “trên bến dưới thuyền” ở cặp dốc cầu. Theo các tiểu thương, do điểm này gần sông, cặp lộ- thuận tiện trao đổi hàng hóa nên rủ nhau tới đây.

Tầm 14 giờ, điểm lên xuống hàng tấp nập người khuân vác, tuyển lựa nông sản… Trên bờ có hàng chục xe tải, xe máy; dưới sông cũng tấp nập ghe chở hàng lớn nhỏ ra vào nhộn nhịp. Một số bà nội trợ cũng tạt ngang mua vài thứ rau cải cho bữa ăn gia đình.

Vừa nhanh tay vạt bỏ những bẹ bắp cải bị dập để chuyển lên xe tải, anh Út Thủy (xã Tân Long- Mang Thít) cho biết, trước anh bán ở chợ nổi Trà Ôn nhưng do ế ẩm nên chuyển vào đây. Hàng ngày, sau khi nhận hàng thì cho xe tải đem đi bỏ mối ở các chợ trong tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Phú (xã Tích Thiện- Trà Ôn) kể: “Trước đây tui có thuê điểm làm vựa mua bán ớt sừng vàng ở chợ Vĩnh Xuân. Nhưng thấy điểm này lên xuống hàng tiện lợi nên chuyển đến đây”. Anh Tấn- chủ vựa chuối kề bên cũng nói: “Trước anh làm ở vựa Mỹ Hòa ở Bình Minh và mới chuyển vô đây. Mỗi ngày anh thu mua khoảng 1 tấn hàng rồi giao cho các chợ xã ở Trà Ôn, Tam Bình và TP Hồ Chí Minh”.

Cách đó không xa là vựa bưởi của anh Trai, anh cho biết: Vựa có khoảng 10 nhân công, thu nhập 150.000 đ/người/ngày. Mỗi ngày có khoảng 20 chuyến xe tải nhận hàng chở đi Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Không chỉ tiểu thương, nhiều nhà vườn cũng mang nông sản tự trồng ra điểm này bỏ mối và bán lẻ. Vừa bỏ mối được mấy chục ký hành lá, cô Lê Thị Cúc (Tam Bình) vui vẻ: “Còn nhiêu đây, ai mua lẻ thì bán luôn. Trước giờ tui đã bôn ba từ chợ Trà Ôn trên bờ, tới bến phà, xuống chợ nổi, rồi lên chợ đất liền Ba Phố”.

Nhớ lại thời vàng son của chợ nổi, cô nói: “Tui bán ở chợ nổi mười mấy năm, gặp bao phen sóng mái, có lần mất cả ghe bí đao mà vẫn mê chợ nổi vì đắt lắm. Nhưng gần đây ở chợ nổi ế quá, nghe nói ở đây nhộn nhịp và dễ bán nên dời qua”. “Mà thiệt, tui mới ra ngày đầu với 100kg hành mà bán gần hết rồi nè”- cô nói. Đã bán hết số chuối trái và bắp chuối, cô Nguyễn Thị Điệp (Tân Mỹ- Trà Ôn) còn nán lại “ngồi cho vui” cùng cô Cúc, cô cho biết: “Tui là nhà vườn nhưng cũng là tiểu thương lâu năm nghe. Cũng từng bán nhiều nơi nhưng giờ vô đây vì thấy chỗ này thoải mái và dễ bán”.


Nhiều người buôn bán nhỏ cũng tới đây chở hàng.

Một bà cụ chừng 70 tuổi dạo quanh các điểm lên xuống hàng, rồi ghé mua ký hành chỗ cô Cúc, vui vẻ: “Tui ở thị trấn nhưng nghe bên này họp chợ vui quá, qua mua cho biết, ở đây giá rẻ hơn”. Chất đầy một xe rau củ, vợ chồng một chị tên Khoa ở chợ Ba Càng (Tam Bình) hồ hởi: “Giá ở đây mềm, lấy bán có lời nên vợ chồng tui xuống mỗi ngày”.

Qua tìm hiểu, điểm lên xuống hàng này thuộc đất của bà Nguyễn Thị Tàu, trước là bến phà cũ, sau chuyển thành bến lên xuống hàng hóa. Khoảng từ tháng 3/2012, có thông tin các chợ không cho xe tải vào nên các tiểu thương gom dần về đây.

Bà Tàu cho biết, mỗi chiều có vài chục tiểu thương. Hiện giá cho thuê chỗ ngồi, chỗ đậu ghe và xe lên xuống hàng là 10.000 đ/ngày, thuê dù 5.000 đ/cái. “Tuy nhiên, do điểm này bên cạnh dốc cầu khá nguy hiểm nên vừa qua Hạt Quản lý đường bộ và Thanh tra tỉnh có xuống kiểm tra, nghe nói, sẽ “đóng cửa” bến này để mở bến khác nên đang lo”.

Còn theo các tiểu thương, điểm lên xuống hàng hóa thuận tiện cả đường bộ lẫn đường sông nên mong có thể ổn định lâu dài. Về phần họp chợ cạnh dốc cầu nguy hiểm, có thể khắc phục bằng cách làm rào chắn, đặt biển báo…

Ông Huỳnh Ngọc Đức- Phó Trưởng Phòng Kinh tế Trà Ôn cho biết, điểm lên xuống hàng hóa cặp dốc cầu Sóc Tro là tự phát, chưa được cấp phép. Thiết nghĩ, điểm lên xuống hàng không chỉ giúp trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn góp phần tiêu thụ nông sản địa phương nên thiết nghĩ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương mua bán.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh