Nhãn năng lượng- dấu hiệu cho sản phẩm chất lượng

10:11, 23/11/2012

Từ ngày 1/1/2013, các thiết bị gia dụng và công nghiệp bắt buộc phải dán nhãn năng lượng (NNL) khi lưu thông thị trường; khuyến khích dán NNL tự nguyện đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại (riêng tủ giữ lạnh thương mại bắt buộc từ ngày 1/1/2014); nhóm phương tiện giao thông vận tải bắt buộc từ 1/1/2015.


Hiện thị trường đã xuất hiện hàng hóa có NNL.

Từ ngày 1/1/2013, các thiết bị gia dụng và công nghiệp bắt buộc phải dán nhãn năng lượng (NNL) khi lưu thông thị trường; khuyến khích dán NNL tự nguyện đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại (riêng tủ giữ lạnh thương mại bắt buộc từ ngày 1/1/2014); nhóm phương tiện giao thông vận tải bắt buộc từ 1/1/2015.

Đây là động tác vừa để quản lý, vừa là phương tiện tiếp cận thị trường của các nhà sản xuất, nhập khẩu, đồng thời, định hướng cho người tiêu dùng đối với sản phẩm tiết kiệm NL.

Danh mục các phương tiện, thiết bị phải dán NNL và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu gồm 4 nhóm: thiết bị gia dụng (đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình); thiết bị văn phòng và thương mại (máy photo copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại); thiết bị công nghiệp (máy biến áp phân phối, động cơ điện) và phương tiện giao thông vận tải (ôtô 7 chỗ trở xuống).

NNL gồm 2 loại: “nhãn xác nhận” hay còn gọi nhãn “ngôi sao năng lượng Việt” được sử dụng trên các sản phẩm có hiệu suất NL cao theo tiêu chuẩn quốc gia (hiện đang sử dụng cho các loại bóng đèn và ballast); “nhãn so sánh” được sử dụng cho các sản phẩm có hiệu suất NL tương ứng cấp 1, 2, 3, 4, 5 theo tiêu chuẩn quốc gia, cấp 5 có hiệu suất NL cao nhất- ứng với nhãn 5 sao (hiện đang sử dụng cho các loại thiết bị gia dụng như quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện…).

Thời điểm này- khi thời hạn dán nhãn bắt buộc đã cận kề, nhiều chủ cửa hàng còn khá băn khoăn.

Anh Trần Thanh Đức- chủ cửa hàng điện gia dụng ở khu phố Hựu Thành (Trà Ôn) nói: “Hiện tôi đã trữ hàng chục thùng hàng bán tết chưa có NNL, nếu không tiêu thụ hết trước thời hạn bắt buộc phải làm sao?” Chủ cửa hàng điện máy Việt Thành (Tân Quới– Bình Tân) cũng lo lắng: việc nhập hàng đang gặp khó vì nhiều mặt hàng chưa có NNL. Mặt khác, hàng tồn mà không có tem để tự dán thì thật khó!

Tương tự, nhiều chủ cửa hàng đang chờ có NNL mới dám nhập hàng bởi “nếu không chứng minh được đã mua trước đó, bị phạt là lỗ 100%”. Ngoài ra, nhiều người còn băn khoăn việc dán quá nhiều loại nhãn mác (NNL, tem hợp quy…) sẽ gây ảnh hưởng thẩm mỹ sản phẩm. Một chủ cửa hàng băn khoăn: “nếu không phạt thì có quy định chính thức nào để người bán yên tâm?”

Một đại diện Sở Công thương cho biết: Người bán chỉ cần chứng minh được hàng hóa đã mua trước đó (xuất xứ, thời gian) sẽ không bị phạt. Bên cạnh, nhà sản xuất sẽ có nhiều cách dán khác nhau để đảm bảo tính thẩm mỹ và công dụng của sản phẩm.


Bên cạnh tem hợp quy, nhiều thiết bị điện sẽ có thêm NNL.

Ông Nguyễn Minh Quang- Phó Phòng Nghiệp vụ- Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long cũng nói, hiện còn trong giai đoạn khuyến khích nên người bán có thể linh hoạt trả hàng tồn hoặc chia sớt cho nhiều người cùng bán. Với hàng mới, cần chọn hàng có dán NNL.

Cũng theo ông Quang, NNL là cam kết minh chứng cho mức độ tiết kiệm NL của sản phẩm. Vì thế, tham gia dán NNL là cách để doanh nghiệp quảng bá, khẳng định chất lượng, đồng thời, giúp người tiêu dùng nhận biết chất lượng sản phẩm. Theo quan sát của chúng tôi, thời điểm này, thị trường đã có nhiều hàng hóa có NNL.

Chú Ngô Văn Trung- chủ cửa hàng điện gia dụng chợ Vĩnh Long cũng nói, việc dán NNL là cần thiết vì có thể ngăn chặn hàng nhập lậu, kém chất lượng và: “Hiện tôi đang liên hệ nhà cung cấp để trả lại số hàng hóa chưa có NNL”.

Chủ tiệm điện gia dụng Quốc Cường (Phường 9- TP Vĩnh Long) thì cho rằng, nhà nước cần quản lý chặt việc dán NNL, tránh hàng kém chất lượng tràn lan với giá rẻ, trong khi hàng có nhãn mác hẳn hoi thì cạnh tranh không lại- thiệt thòi cho người bán lẫn người mua.

Bài, ảnh: T. HIỀN- T. ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh