Giả nhiều, chết nông dân

09:11, 16/11/2012

Trong khi giá cả cứ tăng theo thời gian, thì chất lượng phân bón lại ngày càng giảm, thậm chí, còn bằng… 0.

Trong khi giá cả cứ tăng theo thời gian, thì chất lượng phân bón lại ngày càng giảm, thậm chí, còn bằng… 0. Đó là thực tế mà thời gian qua các ngành chức năng phát hiện được từ các loại phân bón giả, dỏm, nhái, kém chất lượng.

Phân bón bị làm giả nhiều nhất rơi vào nhóm phân urê, kali và NPK. Đây cũng là nhóm phân bón nông dân thường sử dụng nhiều nhất.

Chiêu lừa thì vô số kể, theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một số “thương nhân” đã lấy nước lã đóng thùng 5 lít cho vào một ít urê rồi quảng cáo là urê nước (bán 50.000 đồng/bình). Còn “nhái” thì càng đa dạng hơn. Như một số cơ sở ở Bình Thuận, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh sản xuất phân không ra gì mà nhái nhãn hiệu của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao.

Một số phân nhập lậu thì nhái nhãn hàng trong nước, như nhái bao bì phân kali của Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty CP Vật tư Nông sản, Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Cần Thơ, Công ty Xuất nhập khẩu Vinacam. Còn giả đến mức như phân kali của Công ty TSC Cần Thơ, khi kiểm tra phân tích chỉ có muối và…màu. Thế mới kinh.

Kỹ thuật làm giả phân bón hiện nay rất “đơn giản”, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chẳng hạn để “làm” phân kali chỉ cần mua gạch non về nghiền, trộn với muối và màu là “bán được ngay”.

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường đã xử lý trên 300 vụ liên quan đến chất lượng kém, giả nhãn hiệu. Vừa qua, tại Vĩnh Long, Quản lý thị trường cũng đã phát hiện vụ phân bón lậu lên đến hàng trăm tấn, chất lượng thì chưa biết ra sao?

Trong khi người nông dân sản xuất rất bấp bênh, không có lợi nhuận thì giá cả phân bón lại rất cao, nếu chất lượng lại không được bảo đảm, mọi thua thiệt đều về phía nông dân. Chuyện này cần quản lý thật tốt.

THÁI BÌNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh