Chăn nuôi- cần đi theo hướng an toàn thực phẩm

01:11, 20/11/2012

Giá heo, gà đều thấp hơn giá thành trong thời gian dài khiến không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, mà nhiều đại gia trong ngành cũng ngắc ngoải.

Giá heo, gà đều thấp hơn giá thành trong thời gian dài khiến không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, mà nhiều đại gia trong ngành cũng ngắc ngoải.


Nhờ tuân thủ tốt quy trình nuôi hướng an toàn sinh học nên trang trại chăn nuôi của anh Lê Tiến Dũng luôn an toàn dịch bệnh.

Từ lỗ đến lỗ

Hiện giá heo hơi giảm chỉ còn 35.000- 37.000 đ/kg, mỗi ký heo bán đi người chăn nuôi lỗ khoảng 8.000 đồng. Tương tự, giá gà công nghiệp chỉ còn khoảng 20.000 đ/kg trong khi giá thành 30.000đ. “Nếu tình hình này kéo dài thì người nuôi sẽ bỏ đàn hết, còn các công ty cũng phải tính lại phương án kinh doanh.”- một hộ chăn nuôi ở huyện Mang Thít cho biết.

Ông Võ Văn Vĩnh, xã Tân Phú (Tam Bình) cho biết: Những năm trước, thời điểm này chuồng heo của anh có trên dưới 50 con nhưng từ đầu năm đến nay giá liên tục sụt giảm nên hiện đàn heo chỉ còn vài con heo nái.

Theo tính toán, đầu tư nuôi mỗi con heo gần 4 triệu đồng, trong khi heo hơi bán ra chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tạ (1 tạ=100kg). “Bình thường đã lỗ chứ đừng nói khi lỡ bị dịch bệnh thì coi như dẹp chuồng luôn. Hiện tui còn vài con nuôi cầm chừng khi nào giá tăng trở lại mới dám nuôi lại”.

Đối mặt với khó khăn, nhiều hộ nuôi heo quyết định giảm hoặc “treo” chuồng. Ông Nguyễn Văn Cao (Sáu Cao)- xã Trường An (TP Vĩnh Long) cho biết: Lúc trước, trung bình trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 70 con heo, nhưng hiện chỉ còn phân nửa. Nhiều hộ nuôi heo lân cận cũng đã nghỉ nuôi hoặc giảm đàn.
 
“Nếu tình trạng này kéo dài, chắc tôi cũng nghỉ nuôi vì không còn đủ vốn để cầm cự. Theo thông lệ, từ nay đến Tết Nguyên đán, thịt heo sử dụng nhiều hơn, hy vọng giá heo hơi có thể tăng trở lại, có như vậy người chăn nuôi mới đỡ vất vả”- ông Sáu Cao mong đợi.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gia súc, gia cầm giảm giá do cung vượt cầu. Cuối năm 2011, giá heo và gà mức cao đã kích thích người dân đầu tư mở rộng chăn nuôi. Trong khi đó nhu cầu lại giảm khá mạnh khi bước sang năm 2012, người tiêu dùng giảm mua do kinh tế khó khăn. Đối với đàn heo, thông tin chất kích nạc hồi tháng 3 và 4 cũng làm người tiêu dùng ngưng hoặc giảm tiêu thụ thịt.

Không chỉ lo giá xuống thấp, người chăn nuôi heo, gà ở Vĩnh Long còn đang lo lắng tình trạng dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, dù thời gian qua, ngành thú y tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc nhưng tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh gia súc gia cầm vẫn còn khá thấp, đặc biệt đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ.

Thạc sĩ Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi Cục thú y tỉnh Vĩnh Long từng cho biết: Phần lớn người chăn nuôi heo nhỏ lẻ rất ít quan tâm đến công tác tiêm phòng nên nhiều khả năng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Thời gian tới, ngành thú y tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi trên địa bàn thực hiện nghiêm việc tiêm phòng, hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể
xảy ra.

Trên 5,1 tỷ đồng để chăn nuôi tốt

Để “cứu” ngành chăn nuôi trong tình cảnh chưa có dấu hiệu phục hồi, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ người nuôi heo, gà theo quy trình sản xuất tốt (VietGAP), với tổng kinh phí trên 5,1 tỷ đồng.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện giai đoạn từ 2012- 2015, tại tất cả địa phương trong tỉnh. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống và chi phí lần đầu tư vấn chứng nhận VietGAP.

Người nuôi sẽ đối ứng vốn đầu tư cơ sở, thiết bị nuôi. Mục tiêu chung dự án là hình thành các mô hình chăn nuôi heo, gà theo hướng an toàn sinh học nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu dịch bệnh; tiến tới phát triển ngành chăn nuôi an toàn, bền vững, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường…

Anh Lê Tiến Dũng- chủ trang trại nuôi hàng ngàn con heo và gà ở xã Phú Lộc (Tam Bình) cho biết: Đã áp dụng nuôi theo hướng an toàn sinh học từ năm 2006 hiệu quả rất khả quan. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh nuôi khoảng 150 heo nái và 30 heo giống nhập từ Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, còn lại heo thịt.

Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn chăn nuôi tại trang trại được thực hiện nghiêm ngặt. Khi vào khu vực chuồng bắt buộc phải khoác đồ đã được khử khuẩn. Nhờ chú trọng đến môi trường chăn nuôi và chất lượng giống ngay từ đầu nên đàn heo của trang trại phát triển nhanh.

Thời gian nuôi heo con từ lúc cai sữa đến khi xuất chuồng đạt trọng lượng 100kg/con chỉ mất 3- 3,5 tháng. Ngoài ra, để cân bằng giữa phát triển chăn nuôi với bảo vệ môi trường, anh Dũng còn mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất khí biogas từ phụ phẩm chăn nuôi phục vụ việc nấu nướng và phát điện góp phần giảm chi phí về điện cho hoạt động chăn nuôi.

Trong khi đó, cũng thừa nhận chăn nuôi hướng an toàn mang hiệu quả, nhưng theo ông Võ Văn Vĩnh thì không phải ai cũng đủ điều kiện để nuôi. Vì vậy, để người chăn nuôi nhỏ lẻ “sống” được trong tình cảnh chưa thể thực hiện đồng bộ chăn nuôi an toàn sinh học thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn để giúp hộ nuôi tái đàn, ổn định đời sống.

Còn theo Thạc sĩ Lê Thanh Tùng: “Ngành chăn nuôi cần mạnh dạn thay đổi, chuyển sang mô hình nuôi công nghiệp, nuôi tập trung, quy mô lớn, có quy hoạch đầu tư rõ ràng. Đây là hướng đi tất yếu để ngành chăn nuôi phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh